BỘ TÀI CHÍNH |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 68/2022/TT-BTC |
Hà Nội, ngày 11 tháng 11 năm 2022 |
SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA THÔNG TƯ SỐ 58/2016/TT-BTC NGÀY 29 THÁNG 3 NĂM 2016 QUY ĐỊNH CHI TIẾT VIỆC SỬ DỤNG VỐN NHÀ NƯỚC ĐỂ MUA SẮM NHẰM DUY TRÌ HOẠT ĐỘNG THƯỜNG XUYÊN CỦA CƠ QUAN NHÀ NƯỚC, ĐƠN VỊ THUỘC LỰC LƯỢNG VŨ TRANG NHÂN DÂN, ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP, TỔ CHỨC CHÍNH TRỊ, TỔ CHỨC CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI, TỔ CHỨC CHÍNH TRỊ XÃ HỘI - NGHỀ NGHIỆP, TỔ CHỨC XÃ HỘI, TỔ CHỨC XÃ HỘI - NGHỀ NGHIỆP
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước số 83/2015/QH13 ngày 25 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 ngày 26 tháng 11 năm 2013;
Căn cứ Luật Quản lý, sử dụng tài sản công số 15/2017/QH14 ngày 21 tháng 6 năm 2017;
Căn cứ Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26 tháng 6 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu;
Căn cứ Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật quản lý, sử dụng tài sản công;
Căn cứ Nghị định số 165/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng tài sản tại cơ quan Đảng cộng sản Việt Nam;
Căn cứ Nghị định số 87/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp;
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 58/2016/TT-BTC ngày 29 tháng 3 năm 2016 quy định chi tiết việc sử dụng vốn nhà nước để mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp.
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 58/2016/TT-BTC ngày 29 tháng 3 năm 2016 quy định chi tiết việc sử dụng vốn nhà nước để mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp
1. Sửa đổi, bổ sung Điều 1 như sau:
“Điều 1. Đối tượng áp dụng
Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật về hội, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập (sau đây gọi tắt là cơ quan, đơn vị) và các tổ chức, cá nhân khác liên quan đến việc sử dụng vốn nhà nước theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Thông tư này để mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ nhằm duy trì hoạt động thường xuyên.”
2. Sửa đổi, bổ sung Điều 2 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 1 Điều 2 như sau:
“d. Mua sắm nguyên nhiên liệu, hóa chất, sinh phẩm chẩn đoán invitro, vật tư, vật liệu tiêu hao, công cụ, dụng cụ bảo đảm hoạt động thường xuyên;”
b) Sửa đổi, bổ sung các điểm d, đ, g và h khoản 2 Điều 2 như sau:
“d) Nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) gồm nguồn vốn vay, viện trợ không hoàn lại được cân đối trong chi thường xuyên ngân sách nhà nước; nguồn viện trợ không hoàn lại của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, của các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước thuộc ngân sách nhà nước (trừ trường hợp Điều ước quốc tế về ODA mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác);
đ) Nguồn thu từ phí được khấu trừ hoặc để lại theo quy định của pháp luật về phí;
g) Nguồn Quỹ Bảo hiểm y tế; nguồn chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp;
h) Nguồn tài chính hợp pháp được sử dụng theo quy định của pháp luật.”
c) Sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 3 Điều 2 như sau:
“d) Mua sắm tập trung (bao gồm mua sắm tập trung cấp quốc gia và mua sắm tập trung cấp bộ, ngành, địa phương) theo quy định tại khoản 3 Điều 31 Luật quản lý, sử dụng tài sản công, Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật quản lý, sử dụng tài sản công thực hiện theo quy định của Luật Đấu thầu, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26 tháng 6 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu (sau đây gọi tắt là Nghị định số 63/2014/NĐ-CP) và các văn bản hướng dẫn.”
d) Bổ sung các điểm đ, e, g, h và i vào khoản 3 Điều 2 như sau:
“đ) Mua các loại thuốc áp dụng theo quy định của Luật Dược số 105/2016/QH13 ngày 06 tháng 4 năm 2016 và các văn bản hướng dẫn thi hành;
e) Các nội dung quy định khác về mua sắm trang thiết bị y tế tại Nghị định số 98/2021/NĐ-CP ngày 8 tháng 11 năm 2021 của Chính phủ về quản lý trang thiết bị y tế và các văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế;
g) Mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ thuộc dự án có sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) phát sinh từ điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế áp dụng theo quy định của Luật Đấu thầu, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn;
h) Mua sắm tài sản để thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ áp dụng theo quy định tại Nghị định số 70/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 05 năm 2018 của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng tài sản được hình thành thông qua việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng vốn nhà nước;
i) Đối với các lĩnh vực đã có quy định pháp luật chuyên ngành về mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ thì áp dụng theo quy định chuyên ngành đối với từng lĩnh vực.”
e) Bổ sung khoản 4 vào Điều 2 như sau:
“4. Việc lựa chọn nhà thầu qua mạng thực hiện theo quy định tại Chương VII của Luật Đấu thầu, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư”.
3. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 3 như sau:
“2. Căn cứ dự toán chi ngân sách hàng năm (bao gồm cả dự toán bổ sung trong năm), nguồn tài chính hợp pháp khác của cơ quan, đơn vị và Quyết định mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ của cấp có thẩm quyền quy định tại Điều 5 Thông tư này, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu để tổ chức thực hiện mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ theo đúng quy định.”
4. Sửa đổi, bổ sung Điều 5 như sau:
“Điều 5. Thẩm quyền, trình tự, thủ tục, nội dung quyết định mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ
1. Thẩm quyền, trình tự, thủ tục, nội dung quyết định mua sắm tài sản công tại cơ quan, đơn vị thực hiện theo quy định tại Điều 3, Điều 37 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Điều 13 Nghị định số 165/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng tài sản tại cơ quan Đảng cộng sản Việt Nam;
2. Thẩm quyền, trình tự, thủ tục, nội dung mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ khác (không thuộc đối tượng là tài sản công) quy định tại khoản 1 Điều 2 Thông tư này áp dụng quy định như mua sắm tài sản công.”
5. Sửa đổi, bổ sung Điều 8 như sau:
a) Sửa đổi điểm a khoản 1 Điều 8 như sau:
“a. Đối với gói thầu mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ thuộc thẩm quyền phê duyệt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo Sở Tài chính hoặc một cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân theo quy định tại khoản 2 Điều 20 và khoản 1 Điều 22 Luật Tổ chức chính quyền địa phương chịu trách nhiệm chủ trì thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu; riêng đối với gói thầu mua vật tư y tế do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là người có thẩm quyền thì Sở Y tế chủ trì thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu theo quy định tại khoản 3 Điều 104 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP.”
b) Bổ sung khoản 3, khoản 4 vào Điều 8 như sau:
“3. Trách nhiệm thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với gói thầu mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ thuộc thẩm quyền phê duyệt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện theo quy định tại khoản 5 Điều 104 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP.
4. Đối với các lĩnh vực đã có quy định pháp luật chuyên ngành về trách nhiệm thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với gói thầu mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ thì thực hiện theo quy định chuyên ngành đối với từng lĩnh vực.”
6. Sửa đổi, bổ sung Điều 10 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 10 như sau:
“2. Quyết định mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ của cấp có thẩm quyền (quy định tại Điều 5 Thông tư này).”
b) Sửa đổi, bổ sung khoản 5 Điều 10 như sau:
“5. Dự toán mua sắm thường xuyên được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt trong phạm vi nguồn tài chính hợp pháp được sử dụng của cơ quan, đơn vị.”
7. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 11 như sau:
“2. Giá gói thầu.
a) Trên cơ sở dự toán mua sắm được phê duyệt, giá gói thầu được xác định căn cứ ít nhất một trong các tài liệu sau đây để sát giá thị trường:
- Giá thị trường được tham khảo từ ít nhất 03 báo giá của các nhà cung cấp khác nhau trên địa bàn tại thời điểm gần nhất, tối đa không quá 90 ngày trước ngày trình cơ quan thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu; trong trường hợp không đủ 03 nhà cung cấp trên địa bàn có thể tham khảo trên địa bàn khác hoặc từ các nguồn thông tin do cơ quan có thẩm quyền, tổ chức có tư cách pháp nhân được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam công bố;
- Kết quả thẩm định giá của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện thẩm định giá, doanh nghiệp thẩm định giá đối với các loại tài sản, hàng hóa, dịch vụ phải thẩm định giá theo quy định của Luật giá;
- Giá trúng thầu của gói thầu mua sắm loại hàng hóa tương tự trong thời gian trước đó gần nhất, tối đa không quá 90 ngày;
Trường hợp gói thầu gồm nhiều phần riêng biệt thì ghi rõ giá ước tính cho từng phần trong giá gói thầu.
b) Trường hợp có căn cứ xác định giá thị trường có sự biến động so với giá đã được phê duyệt (tham khảo từ các báo giá, kết quả thẩm định giá, giá trúng thầu của gói thầu mua sắm hàng hóa tương tự), người có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu quyết định việc cập nhật giá gói thầu trong thời hạn 28 ngày trước ngày mở thầu nếu cần thiết.
c) Trường hợp quy định pháp luật chuyên ngành có quy định về xác định giá gói thầu thì thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
8. Sửa đổi, bổ sung Điều 24 như sau:
“Điều 24. Điều kiện áp dụng lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt
Trường hợp gói thầu mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ xuất hiện các điều kiện đặc thù, riêng biệt mà không thể áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu quy định tại các điều 20, 21, 22, 23, 24 và 25 của Luật Đấu thầu thì người có thẩm quyền trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định phương án lựa chọn nhà thầu, trừ các trường hợp đã được quy định tại Quyết định số 17/2019/QĐ-TTg ngày 08 tháng 4 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về một số gói thầu, nội dung mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên được áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt theo quy định tại Điều 26 Luật Đấu thầu.”
9. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 25 như sau:
“1. Người có thẩm quyền làm rõ các điều kiện đặc thù, riêng biệt của gói thầu để làm cơ sở đề xuất phương án lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định theo quy định tại điểm b, khoản 1 Điều 104 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP.”
Điều 2. Điều khoản chuyển tiếp
Đối với các nội dung mua sắm đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, phân bổ kinh phí thực hiện trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực thì tiếp tục thực hiện theo các quy định pháp luật về quản lý sử dụng nguồn kinh phí làm căn cứ phê duyệt cho đến khi quyết toán nội dung mua sắm.
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 14 tháng 11 năm 2022.
2. Trong quá trình thực hiện, nếu các văn bản quy phạm pháp luật được dẫn chiếu để áp dụng tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung, thay thế thì áp dụng theo các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế đó.
3. Trường hợp có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các cơ quan, đơn vị phản ánh về Bộ Tài chính để nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.
Nơi nhận: |