Công ty tôi có nhiều chi nhánh ở các quận, huyện khác nhau trong thành phố và cũng có chi nhánh ở ngoại tỉnh. Tôi muốn hỏi trong trường hợp chi nhánh vi phạm hành chính thì khi xử phạt, cơ quan chức năng sẽ xử phạt đối với chi nhánh vi phạm hay đối với doanh nghiệp? Tôi xin cảm ơn.
Ảnh minh họa, nguồn: Internet.
TRẢ LỜI:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Đối với trường hợp của bạn, chúng tôi tư vấn cho bạn như sau:
Để trả lời câu hỏi xử phạt vi phạm hành chính đối với chi nhánh hay doanh nghiệp, chúng ta cần hiểu về tư cách pháp nhân của các chủ thể. Tư cách pháp nhân là tư cách pháp lý được Nhà nước công nhận cho một tổ chức (nhóm người) có khả năng tồn tại, hoạt động độc lập và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Điều 84 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định:
“1. Chi nhánh, văn phòng đại diện là đơn vị phụ thuộc của pháp nhân, không phải là pháp nhân.
2. Chi nhánh có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của pháp nhân.”
Đồng thời, Khoản 1 Điều 45 Luật Doanh nghiệp năm 2014 cũng quy định: “Chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của doanh nghiệp kể cả chức năng đại diện theo ủy quyền. Ngành, nghề kinh doanh của chi nhánh phải đúng với ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp” .
Như vậy, mặc dù chi nhánh được thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của doanh nghiệp nhưng không được coi là pháp nhân, không có tư cách pháp nhân.
Về điều kiện xử phạt vi phạm hành chính thì tổ chức bị xử phạt khi đáp ứng các điều kiện quy định tại Khoản 2 Điều 1 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP bao gồm:
- Là pháp nhân theo quy định của pháp luật dân sự hoặc các tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật;
- Hành vi vi phạm hành chính do người đại diện, người được giao nhiệm vụ nhân danh tổ chức hoặc người thực hiện hành vi theo sự chỉ đạo, điều hành, phân công, chấp thuận của tổ chức và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính”.
Theo quy định nêu trên thì cả doanh nghiệp (pháp nhân) và chi nhánh (các tổ chức khác) đều là đối tượng có thể bị xử phạt vi phạm hành chính. Tuy nhiên, để xem xét chi nhánh hay doanh nghiệp sẽ bị xử phạt đối với hành vi vi phạm của chi nhánh, cần căn cứ từng trường hợp cụ thể, phụ thuộc vào nội dung ủy quyền/nhiệm vụ của doanh nghiệp đối với chi nhánh.
Ví dụ: Trường hợp doanh nghiệp ủy quyền chi nhánh thực hiện các hoạt động thuộc chức năng phân phối hàng hóa A trong phạm vi tỉnh B, thời gian 5 năm và chi nhánh vi phạm hành chính khi thực hiện các hoạt động trong phạm vi ủy quyền thì doanh nghiệp sẽ bị xử phạt về hành vi vi phạm của chi nhánh.
Ngược lại, trường hợp chi nhánh thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong quá trình thực hiện các hoạt động không thuộc nội dung, phạm vi và thời hạn được ủy quyền của doanh nghiệp (ví dụ doanh nghiệp quy định thời gian mở cửa đến 21h hàng ngày, phù hợp quy định của Thành phố về phòng chống dịch bệnh Covid 19 nhưng chi nhánh tự ý hoạt động sau 21h) thì chi nhánh phải chịu trách nhiệm độc lập đối với hành vi vi phạm do mình thực hiện và bị xử phạt vi phạm hành chính.
Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:
Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:
- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"
TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243
Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội
Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com