Tôi cho cháu của vợ mượn xe để đi công việc nhưng cháu vi phạm luật giao thông và bị công an giao thông bắt, tạm giữ xe. Cháu sợ tôi mắng nên trốn đi chơi hơn 3 hôm mới dám về nhà và khai thật là bị cảnh sát giao thông giữ xe. Vậy Công ty cho tôi hỏi: trường hợp này tôi là chủ xe có thể đi lấy xe hay cháu tôi người vi phạm sẽ phải nộp phạt và lấy xe?

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Trả lời:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Đối với trường hợp của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:

Vì bạn không cung cấp thông tin cháu bạn năm nay bao nhiêu tuổi, đã có bằng lái xe hay chưa nên chúng tôi đưa ra một vài thông tin về trường hợp chủ xe phải chịu trách nhiệm khi giao xe cho người không đủ điều kiện tại khoản 1 Điều 58 của Luật Giao thông đường bộ để bạn tham khảo. Theo đó, những trường hợp sau đây chủ xe sẽ phải chịu trách nhiệm nếu cho người khác mượn xe:

Trường hợp 1: cho người không đủ tuổi mượn xe

– Đủ 16 tuổi trở lên với lái xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50 cm3;

– Đủ 18 tuổi trở lên với mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi-lanh từ 50 cm3 trở lên và các loại xe có kết cấu tương tự; xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải dưới 3.500 kg; xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi;

– Đủ 21 tuổi trở lên với xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải từ 3.500 kg trở lên; lái xe hạng B2 kéo rơ moóc (FB2);

– Đủ 24 tuổi trở lên với xe ô tô chở người từ 10 đến 30 chỗ ngồi; lái xe hạng C kéo rơ moóc, sơ mi rơ moóc (FC);

– Đủ 27 tuổi trở lên được lái xe ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi; lái xe hạng D kéo rơ moóc (FD);

– Quá 50 tuổi đối với nữ và 55 tuổi đối với nam đối với người lái xe ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi.

Trường hợp 2: Cho người không đủ sức khỏe mượn xe

Ví dụ: người sử dụng ma túy; sử dụng rượu,bia, người bị cụt 1 tay, 1 chân…

Trường hợp 3: Người mượn xe không có Giấy phép lái xe.

Nếu vi phạm quy định trên, chủ xe có thể bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với chủ xe mô tô, xe gắn máy và bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với chủ xe ô tô.

Việc nhận lại phương tiện giao thông bị tạm giữ do vi phạm hành chính được quy định tại Nghị định 115/2015/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung bởi Khoản 5 Điều 1 Nghị định 31/2020/NĐ-CP. Theo đó, điều kiện để nhận lại phương tiện bị tạm giữ để đảm bảo thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính bao gồm:

- Cá nhân vi phạm có nơi đăng ký thường trú hoặc có đăng ký tạm trú còn thời hạn hoặc có giấy xác nhận về nơi công tác của cơ quan, tổ chức nơi cá nhân vi phạm đang công tác; tổ chức vi phạm phải có địa chỉ hoạt động cụ thể, rõ ràng. Tổ chức, cá nhân vi phạm phải có nơi giữ, bảo quản phương tiện;

-Tổ chức, cá nhân vi phạm có khả năng tài chính đặt tiền bảo lãnh thì có thể được xem xét để giao giữ, bảo quản phương tiện.

Căn cứ quy định tại Điều 9 Thông tư 47/2014/TT-BCA thì người đến nhận lại tang vật, phương tiện phải là người vi phạm có tang vật, phương tiện bị tạm giữ hoặc đại diện tổ chức vi phạm hành chính đã được ghi trong quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Nếu những người nêu trên ủy quyền cho người khác đến nhận lại tang vật, phương tiện thì phải lập văn bản ủy quyền theo quy định của pháp luật....

Như vậy, bạn có thể thay mặt cháu để đến nhận lại phương tiện vi phạm, tuy nhiên cần phải có giấy ủy quyền có công chứng, chứng thực.

Về trình tự, thủ tục nhận lại xe, bạn thực hiện như sau:

Bước 1: Bạn làm đơn gửi cơ quan của người có thẩm quyền tạm giữ đề nghị được giữ, bảo quản phương tiện; trong đơn ghi rõ họ tên, địa chỉ, nghề nghiệp của người vi phạm hoặc tên, địa chỉ của tổ chức vi phạm, hành vi vi phạm hành chính, tên, số lượng, đặc điểm, chủng loại, số hiệu, nhãn hiệu, ký hiệu, xuất xứ, năm sản xuất, số máy, số khung, dung tích (nếu có), tình trạng của phương tiện, nơi giữ, bảo quản phương tiện theo đề nghị của tổ chức, cá nhân sau khi được cơ quan có thẩm quyền giao giữ, bảo quản phương tiện.

Khi gửi đơn phải gửi kèm theo bản chính hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có công chứng, chứng thực sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Thẻ căn cước công dân hoặc giấy xác nhận về nơi công tác của cơ quan, tổ chức nơi cá nhân vi phạm đang công tác.

Trường hợp sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú được thay thế bằng hình thức quản lý theo số định danh cá nhân thì cá nhân vi phạm cung cấp số định danh của mình cho cơ quan của người có thẩm quyền tạm giữ khi gửi đơn đề nghị.

Bước 2: Cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định việc giao phương tiện cho tổ chức, cá nhân vi phạm giữ, bảo quản trong vòng 2 ngày, tối đa không quá 3 ngày trong trường hợp có nhiều vấn đề cần xác minh.

Trường hợp không giao phương tiện cho tổ chức, cá nhân vi phạm giữ, bảo quản phải có văn bản trả lời, nêu rõ lý do.

Bước 3: Nhận lại phương tiện và ký biên bản nhận giao phương tiện, nộp lại giấy chứng nhận đăng ký phương tiện để đảm bảo thi hành quyết định xử phạt, trừ trường hợp cá nhân vi phạm đã đặt tiền bảo lãnh.

Nếu nộp lại giấy chứng nhận thì phải được lập thành biên bản và người nộp giữ 1 bản.

Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer