Xin luật sư tư vấn giúp em trường hợp như sau: Trước đây, gia đình em sống ở Lạng Giang (Bắc Giang) đến năm 2008 mới chuyển vào Nam sinh sống. Năm 2018 mẹ em qua đời, đến tháng 2/2022 bố em cũng mất vì tai nạn giao thông. Bố mẹ mất không kịp để lại di chúc, gia đình hiện nay chỉ còn 2 chị em em và bà nội. Tuy nhiên giấy khai sinh của bố em đã thất lạc trong quá trình chuyển nhà nên khi làm thủ tục thừa kế không thực hiện được. Em xin trích lục khai sinh cho bố tại xã nhưng vì hồ sơ tại xã cũng không còn. Vậy em muốn đăng ký khai sinh lại cho bố để làm khai nhận di sản thừa kế thì có được không ạ? Em xin cảm ơn. 


Ảnh minh họa, nguồn: Internet.

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Đối với thắc mắc của bạn, chúng tôi tư vấn cho bạn như sau:

Về việc đăng ký lại khai sinh:

Một trong những điều kiện tiên quyết để người dân được giải quyết thủ tục xin cấp lại giấy khai sinh đó là “người yêu cầu đăng ký lại khai sinh phải còn sống vào thời điểm tiếp nhận hồ sơ”. Vì vậy, nếu bố bạn đã mất thì không thể xin cấp lại khai sinh được nữa.

Về việc thực hiện thủ tục khai nhận di sản thừa kế:

Trường hợp này, vì bố mẹ bạn mất không để lại di chúc nên việc chia thừa kế sẽ thực hiện theo pháp luật. Theo quy định tại

Khoản 1, Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 thì những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất sẽ bao gồm: "Vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết. Về quan hệ thừa kế giữa vợ – chồng, khi một trong hai mất thì người còn lại sẽ được hưởng di sản thừa kế. Về quan hệ thừa kế giữa cha đẻ, mẹ đẻ – con đẻ, con đẻ được thừa kế di sản của cha đẻ, mẹ đẻ và ngược lại."

Như tình huống của bạn thì bạn, em gái bạn và bà nội sẽ là những người đồng thừa kế.

Đối với việc thừa kế theo pháp luật, hồ sơ yêu cầu công chứng phải có giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người được hưởng di sản theo quy định của pháp luật. Trong đó, giấy khai sinh của người mất là căn cứ xác định quan hệ giữa người mất và người thừa kế (bố/mẹ của người mất), trong trường hợp của bạn đó là giấy tờ nhằm chứng minh quan hệ giữa bố bạn và bà nội. Việc không có giấy khai sinh của bố không làm ảnh hưởng đến việc chứng minh quan hệ giữa bố bạn và 2 chị em bạn mà chỉ ảnh hưởng đến việc chứng minh mối quan hệ với bà nội. 

Trường hợp này, vì hồ sơ đăng ký khai sinh của bố bạn tại xã cũng không còn lưu trữ nên việc trích lục giấy khai sinh không thể thực hiện; tuy nhiên, bạn có thể cung cấp các giấy tờ khác để chứng minh mối quan hệ giữa bố bạn và bà nội như: sổ hộ khẩu, giấy xác nhận của chính quyền địa phương cũ, giấy xét nghiệm ADN; đồng thời viết cam kết khai báo đúng sự thật.

Ngoài ra, thủ tục công chứng văn bản khai nhận thừa kế còn cần những giấy tờ sau đây:
- Phiếu yêu cầu công chứng

- Giấy chứng tử hoặc giấy tờ khác chứng minh người để lại di sản đã chết; Giấy đăng ký kết hôn của người để lại di sản...

- Dự thảo Văn bản khai nhận di sản thừa kế (nếu có);

- Các giấy tờ nhân thân: Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân hoặc hộ chiếu hoặc sổ hộ khẩu, sổ tạm trú… của người khai nhận di sản thừa kế;

- Các giấy tờ chứng minh tài sản: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đăng ký xe ô tô… Các giấy tờ khác như văn bản tặng cho tài sản, thỏa thuận tài sản chung/riêng…

- Trong trường hợp nhiều người được nhận thừa kế nhưng không chia di sản thì cần hợp đồng ủy quyền cho người yêu cầu công chứng…

Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

 
Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer