Tôi hiện đang là mẹ đơn thân. Từ ba năm trước, con gái tôi có nhiều biểu hiện tự kỷ như ngại giao tiếp, cô lập bản thân, rối loạn giấc ngủ…Tôi đã đưa cháu đi khám và chữa trị ở nhiều nơi nhưng tình trạng bệnh của cháu vẫn không thuyên giảm. Giữa năm nay, công ty tôi làm ăn thua lỗ nên phải cắt giảm nhân sự, thu nhập của tôi cũng bị giảm sút khá nhiều, lại thêm các chi phí chữa trị cho cháu nên kinh tế rất khó khăn. Vì vậy tôi muốn làm cho cháu chế độ để cháu được trợ cấp hàng tháng theo chính sách dành cho người khuyết tật thì có được không? Nếu được thì mức hưởng như thế nào?
Trả lời:
Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Đối với thắc mắc của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:
Hiện nay pháp luật chưa có quy định cụ thể nào về về bệnh tự kỷ cũng như các chính sách dành riêng cho người bị tự kỷ mà mới chỉ có các quy định về người khuyết tật, chính sách dành cho người khuyết tật.
Tuy nhiên tại phụ lục Thông tư số 01/2019/TT-BLĐTBXH ngày 2/1/2019 đã xác định chứng rối loạn phổ tự kỷ (có kết luận của cơ sở y tế cấp tỉnh trở lên ) thuộc dạng khuyết tật khác – nằm trong 6 nhóm khuyết tật được quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật người khuyết tật 2010 (06 loại khuyết tật gồm: Khuyết tật vận động; Khuyết tật nghe, nói; Khuyết tật nhìn; Khuyết tật thần kinh, tâm thần; Khuyết tật trí tuệ; Khuyết tật khác). Như vậy, chỉ những người mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ do cơ sở y tế cấp tỉnh trở lên kết luận mới được xếp vào nhóm người khuyết tật.
Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 44 Luật người khuyết tật 2010 + khoản 6 Điều 5 Nghị định 20/2021/NĐ-CP về đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng
Kết luận: Người bị tự kỷ thuộc diện được hưởng trợ cấp xã hội theo chính sách dành cho người khuyết tật khi đáp ứng các điều kiện sau đây:
Điều kiện cần: Có kết luận của cơ sở y tế cấp tỉnh trở lên về chứng rối loạn phổ tự kỷ
Điều kiện đủ: Người bị tự kỷ thuộc nhóm khuyết tật đặc biệt nặng, khuyết tật nặng
Trong đó: - Người khuyết tật đặc biệt nặng là người do khuyết tật dẫn đến không thể tự thực hiện việc phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày;
- Người khuyết tật nặng là người do khuyết tật dẫn đến không thể tự thực hiện một số việc phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày;
(Điều 3 Luật Người khuyết tật 2010)
Do đó, để biết con bạn có thuộc diện được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng theo chính sách dành cho người khuyết tật hay không, bạn cần đưa con đi khám tại bệnh viện tỉnh để xác định chứng rối loạn phổ tự kỷ, sau đó làm thủ tục xác định mức độ khuyết tật tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú theo quy định của pháp luật.
Về thủ tục xác định mức độ khuyết tật:
a) Hồ sơ xác định mức độ khuyết tật:
+ Đơn đề nghị xác định, xác định lại mức độ khuyết tật và cấp, cấp đổi, cấp lại Giấy xác nhận khuyết tật theo mẫu
+ Bản sao các giấy tờ liên quan đến khuyết tật (nếu có) như: bệnh án, giấy tờ khám, điều trị, phẫu thuật, Giấy xác nhận khuyết tật cũ và các giấy tờ có liên quan khác.
+ Bản sao kết luận của Hội đồng Giám định y khoa về khả năng tự phục vụ, mức độ suy giảm khả năng lao động hoặc các giấy tờ liên quan khác (nếu có).
b) Thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú
c) Giấy tờ cần xuất trình khi nộp hồ sơ:
Khi nộp hồ sơ cần xuất trình các giấy tờ sau để cán bộ tiếp nhận hồ sơ đối chiếu các thông tin kê khai trong đơn:
- Chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân của đối tượng, người đại diện hợp pháp.
- Giấy khai sinh đối với trẻ em.
- Sổ hộ khẩu của đối tượng, người đại diện hợp pháp.
d) Thủ tục thực hiện:
Trong thời hạn 20 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ của người đề nghị, Chủ tịch Hội đồng có trách nhiệm:
a) Gửi văn bản tham khảo ý kiến cơ sở giáo dục về tình trạng khó khăn trong học tập, sinh hoạt, giao tiếp và kiến nghị về dạng khuyết tật, mức độ khuyết tật của người được xác định mức độ khuyết tật đang đi học
b) Triệu tập các thành viên, gửi thông báo về thời gian và địa điểm xác định mức độ khuyết tật cho người khuyết tật hoặc người đại diện hợp pháp của họ;
c) Tổ chức đánh giá dạng khuyết tật và mức độ khuyết tật đối với người khuyết tật theo phương pháp quy định ; lập hồ sơ, biên bản kết luận dạng khuyết tật và mức độ khuyết tật.
d) Biên bản họp Hội đồng
Địa điểm thực hiện xác định mức độ khuyết tật: Việc thực hiện xác định mức độ khuyết tật được tiến hành tại Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Trạm y tế. Trường hợp người khuyết tật không thể đến được địa điểm quy định trên thì Hội đồng tiến hành quan sát và phỏng vấn người khuyết tật tại nơi cư trú của người khuyết tật.
Trường hợp Hội đồng không đưa ra được kết luận về mức độ khuyết tật; người khuyết tật hoặc đại diện hợp pháp của người khuyết tật không đồng ý với kết luận của Hội đồng hoặc có bằng chứng xác thực về việc xác định mức độ khuyết tật của Hội đồng không khách quan, chính xác thì Hội đồng chuyển hồ sơ lên Hội đồng Giám định y khoa theo quy định của pháp luật.
Về mức hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng dành cho người khuyết tật:
Trường hợp thuộc diện được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, mức hưởng theo Điều 6 Nghị định 20/2021 như sau:
+ Đối với người khuyết tật đặc biệt nặng: 720.000 đồng/tháng
+ Đối với trẻ em khuyết tật đặc biệt nặng hoặc người cao tuổi là người khuyết tật đặc biệt nặng: 900.000 đồng/tháng
+ Đối với người khuyết tật nặng: 540.000 đồng/tháng
+ Đối với trẻ em khuyết tật nặng hoặc người cao tuổi là người khuyết tật nặng: 720.000 đồng/tháng
Ngoài ra người khuyết tật còn được cấp thẻ bảo hiểm y tế, trợ giúp giáo dục, đào tạo và dạy nghề; và hỗ trợ các chi phí khác
Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:
Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:
- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"
TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243
Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội
Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com