Ông bà cố nội của tôi mất đã lâu mà chưa được khai tử, và không có giấy báo tử, hay giấy tờ tương tự. Hiện nay các con cháu muốn làm thủ tục chia thừa kế đất đai, bên Văn phòng công chứng yêu cầu phải có Giấy chứng tử của ông bà Cố. Vậy tôi muốn hỏi, trường hợp này tôi là chắt thì có được đi khai tử cho ông bà Cố không? Thủ tục khai tử như thế nào ạ? Mong được Luật sư giải đáp.
Trả lời:
Chào bạn. Cám ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Công ty Luật TNHH Sao Việt. Về vấn đề của bạn, chúng tôi tư vấn cho bạn như sau:
- Căn cứ pháp lý
Luật Hộ tịch năm 2014
Nghị định 123/2015/NĐ-CP
Thông tư 04/2020/TT-BTP
- Nội dung tư vấn:
Đối với việc khai tử, tại Điều 33 Luật Hộ tịch năm 2014 quy định “trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có người chết thì vợ, chồng hoặc con, cha, mẹ hoặc người thân thích khác của người chết có trách nhiệm đi đăng ký khai tử; trường hợp người chết không có người thân thích thì đại diện của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm đi khai tử”.
Trong đó, người thân thích được hiểu là “người có quan hệ hôn nhân, nuôi dưỡng, người có cùng dòng máu về trực hệ và người có họ trong phạm vi ba đời”.
Đối với trường hợp bạn là chắt muốn khai tử cho ông bà Cố: vì bạn thuộc đời thứ 4, nên khi đó, thường là ông bà nội của bạn, hoặc bố mẹ bạn là người có trách nhiệm khai tử cho ông bà cố. Trong trường hợp họ không trực tiếp đi được thì có thể ủy quyền cho bạn thực hiện thủ tục này.
Hiện nay, theo khoản 2 Điều 4 Nghị định 123/2015/NĐ-CP thì việc đăng ký khai tử sẽ được xác định theo Giấy báo tử hoặc giấy tờ thay thế Giấy báo tử do Cơ quan có thẩm quyền cấp. Tuy nhiên, theo thông tin thì ông bà Cố của bạn đã mất đã lâu, và chưa được khai tử, không có giấy báo tử hay giấy tờ tương tự. Đối với trường hợp này tại Điều 13 Thông tư 04/2020/TT-BTP đề cập về trường hợp đăng ký khai tử cho người chết đã lâu mà không có giấy tờ báo tử như sau:
“Điều 13. Đăng ký khai tử
Việc đăng ký khai tử được thực hiện theo quy định tại Mục 7 Chương II Luật hộ tịch và hướng dẫn sau đây:
1. Trường hợp đăng ký khai tử cho người chết đã lâu, không có Giấy báo tử hoặc giấy tờ thay thế Giấy báo tử theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP thì người yêu cầu đăng ký khai tử phải cung cấp được giấy tờ, tài liệu, chứng cứ do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp hoặc xác nhận hợp lệ chứng minh sự kiện chết.
2. Trường hợp người yêu cầu đăng ký khai tử không có giấy tờ, tài liệu, chứng cứ chứng minh theo quy định tại khoản 1 Điều này hoặc giấy tờ, tài liệu, chứng cứ không hợp lệ, không bảo đảm giá trị chứng minh thì cơ quan đăng ký hộ tịch từ chối đăng ký khai tử.”
Do đó, phía gia đình bạn vẫn có thể làm thủ tục đăng ký khai tử cho ông bà Cố nếu có thể cung cấp được tài liệu chứng cứ chứng minh sự kiện chết của ông bà Cố của bạn do Cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp hoặc xác nhận hợp lệ ví dụ như: biên bản xác nhận tai nạn, văn bản xác nhận của chính quyền, công an địa phương....
Trên tthực tế, một số giấy tờ như ảnh bia, mộ người chết; Văn bản xác nhận của người làm chứng về các thông tin liên quan đến người chết, sự kiện chết khi được cơ quan đăng ký hộ tịch kiểm tra, xác minh tính xác thực, có lập biên bản xác minh thì vẫn được vận dụng và xác định để làm căn cứ khai tử.
Trường hợp không có bất cứ giấy tờ tài liệu nào chứng minh hợp lệ về sự kiện chết của ông bà Cố bạn, hoặc có tài liệu chứng minh nhưng không đảm bảo giá trị chứng minh thì cơ quan đăng ký khai tử sẽ từ chối đăng ký khai tử.
Về thủ tục đăng ký khai tử cho người đã chết từ lâu: Căn cứ Mục 7 Chương II Luật Hộ tịch 2014, khoản 2 Điều 4 Nghị định 123/2015/NĐ-CP và Điều 13 Thông tư 04/2020/TT-BTP được thực hiện như sau:
Bước 1, Chuẩn bị hồ sơ:
Hồ sơ đăng ký khai tử cho người chết đã lâu sẽ bao gồm các giấy tờ sau:
- Tờ khai đăng ký khai tử;
- Tài liệu, chứng cứ do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp hoặc xác nhận hợp lệ chứng minh sự kiện chết.
- Văn bản ủy quyền trong trường hợp ủy quyền. Lưu ý, trong trường hợp người được ủy quyền là ông, bà, cha, mẹ, con, vợ, chồng, anh, chị, em ruột của người ủy quyền thì văn bản ủy quyền không phải công chứng, chứng thực nhưng phải có giấy tờ chứng minh quan hệ với người ủy quyền.
- Người đi đăng ký khai tử phải xuất trình Chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân để chứng minh nhân thân.
- Giấy tờ chứng minh nơi cư trú cuối cùng của người chết để xác định thẩm quyền khai tử (trong giai đoạn Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc chưa hoàn thiện). Trường hợp không xác định được nơi cư trú cuối cùng của người chết thì xuất trình giấy tờ chứng minh nơi người đó chết hoặc nơi phát hiện thi thể của người chết.
Bước 2 Nộp hồ sơ tại cơ quan có thẩm quyền.
Người đi đăng ký khai tử cho ông bà Cố của bạn sẽ có trách nhiệm nộp hồ sơ tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú cuối cùng của người chết.
Trường hợp không xác định được nơi cư trú cuối cùng của người chết thì nộp hồ sơ tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó chết hoặc nơi phát hiện thi thể người chết để đảm bảo việc giải quyết khai tử đúng thẩm quyền.
Bước 3: Giải quyết hồ sơ
Người tiếp nhận kiểm tra hồ sơ, đối chiếu thông tin trong Tờ khai và tính hợp lệ của giấy tờ trong hồ sơ do người yêu cầu nộp, xuất trình.
Ngay sau khi nhận giấy tờ, nếu thấy việc khai tử đúng, công chức tư pháp - hộ tịch ghi nội dung khai tử vào Sổ hộ tịch, cùng người đi khai tử ký tên vào Sổ hộ tịch và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp trích lục cho người đi khai tử.
Công chức tư pháp - hộ tịch khóa thông tin hộ tịch của người chết trong Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử.
Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:
Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:
- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"
TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243
Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội
Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com