Người bị tạm giữ theo thủ tục hành chính chết trong thời gian tạm giữ thì xử lý thế nào?
Trả lời:
1, Các trường hợp bị tạm giữ theo thủ tục hành chính:
Ngày 13/11/2020, Quốc hội khóa XIV thông qua Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi năm 2020 ( có hiệu lực từ 01/01/2022). Theo đó, việc tạm giữ người theo thủ tục hành chính chỉ được áp dụng trong 05 trường hợp sau đây:
(1) Cần ngăn chặn, đình chỉ ngay những hành vi gây rối trật tự công cộng, gây thương tích cho người khác;
(2) Cần ngăn chặn, đình chỉ ngay hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới;
(3) Để thi hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;
(4) Người có hành vi bạo lực gia đình vi phạm quyết định cấm tiếp xúc theo quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình;
(5) Để xác định tình trạng nghiện ma túy đối với người sử dụng trái phép chất ma túy.
2, Hướng xử lý khi người bị tạm giữ theo thủ tục hành chính chết trong thời gian bị tạm giữ
Căn cứ theo Khoản 2 Điều 29 Nghị định 142/2021/NĐ-CP quy định người bị tạm giữ theo thủ tục hành chính bị bệnh hoặc chết trong thời gian tạm giữ như sau:
a) Trường hợp người bị tạm giữ theo thủ tục hành chính mà bị chết trong thời gian bị tạm giữ thì người ra quyết định tạm giữ phải báo ngay cho cơ quan điều tra, viện kiểm sát có thẩm quyền để giải quyết theo quy định của pháp luật, đồng thời, lập biên bản về việc người tạm giữ bị chết và thông báo ngay cho gia đình, thân nhân của người chết biết; gia đình người chết có trách nhiệm mai táng người chết;
b) Trường hợp người bị tạm giữ theo thủ tục hành chính chết mà không có gia đình, thân nhân thì việc mai táng do cơ quan, đơn vị nơi tạm giữ phối hợp với chính quyền địa phương nơi tạm giữ giải quyết việc mai táng; kinh phí mai táng trong trường hợp này do ngân sách nhà nước chi trả theo quy định của pháp luật;
c) Trường hợp người bị tạm giữ theo thủ tục hành chính chết là người nước ngoài thì người có thẩm quyền ra quyết định tạm giữ người theo thủ tục hành chính phải báo cáo ngay với cơ quan có thẩm quyền cấp trên biết để thông báo ngay cho Bộ Ngoại giao hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền, phối hợp với cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện ngoại giao của nước mà người chết có quốc tịch để phối hợp giải quyết.