Vi phạm giao thông đường bộ là điều khó tránh khỏi tuy nhiên trên thực tế không ít người vẫn rơi vào trạng thái lúng túng, bị động khi bất chợt nhận được hiệu lệnh dừng xe của cảnh sát giao thông. Tồn tại song song đó, có những cá nhân do không hiểu biết hoặc chỉ hiểu biết nửa vời các quy định pháp luật nên đã tỏ thái độ thách thức, không chấp hành hiệu lệnh của CSGT dẫn đến tình cảnh “tội càng thêm tội”.

Ảnh minh họa: Internet

Thứ nhất, cảnh sát giao thông chỉ được dừng xe kiểm soát trong 04 trường hợp sau:

- Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi thu được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác;

- Thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông đường bộ, kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

- Có văn bản đề nghị của Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan điều tra; văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện giao thông để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự, đấu tranh phòng chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Văn bản đề nghị phải ghi cụ thể thời gian, tuyến đường, phương tiện giao thông dừng để kiểm soát, xử lý, lực lượng tham gia phối hợp;

- Tin báo, phản ánh, kiến nghị, tố cáo của tổ chức, cá nhân về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ.

=> Như vậy, ngay khi người tham gia giao thông không vi phạm các quy định về an toàn giao thông đường bộ thì cảnh sát giao thông vẫn có quyền dừng xe kiểm tra hành chính theo chuyên đề đã được phê duyệt. Đặc biệt trong một số trường hợp, Cảnh sát giao thông có thể mặc thường phục để vận hành, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, giám sát tình hình trật tự, an toàn giao thông, phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ và hành vi vi phạm pháp luật khác.

Thứ hai, khi dừng xe, cảnh sát giao thông được kiểm tra những giấy tờ gì?

Hiện nay, các nội dung kiểm soát được quy định tại khoản 2 Điều 10 Thông tư 65/2020/TT-BCA, trong đó CSGT sẽ kiểm tra các giấy tờ có liên quan đến người và phương tiện giao thông, gồm: Giấy phép lái xe; Chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ, Bằng hoặc Chứng chỉ điều khiển xe máy chuyên dùng; Giấy đăng ký xe; Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới, xe máy chuyên dùng (đối với loại xe có quy định phải kiểm định); Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới và các giấy tờ khác có liên quan theo quy định của pháp luật;

Đồng thời kiểm soát các điều kiện tham gia giao thông của phương tiện giao thông cũng như việc chấp hành các quy định của pháp luật về hoạt động vận tải đường bộ.

Thứ ba, người dân có quyền chứng minh mình không vi phạm?

=> Câu trả lời là có.

Trong mọi trường hợp, người điều khiển phương tiện giao thông đều có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện chứng minh mình không vi phạm. Khi lực lượng chức năng kiểm soát thông qua hệ thống giám sát, máy đo tốc độ ghi hình ảnh, thiết bị ghi hình, người vi phạm được quyền xem hình ảnh, kết quả ghi thu được về hành vi vi phạm. Nếu chưa có kết quả thì CSGT có trách nhiệm hướng dẫn người vi phạm xem hình ảnh, kết quả ghi thu được tại trụ sở đơn vị - Khoản 3 Điều 19 Thông tư 65/2020/TT-BCA

Đây là một trong những nguyên tắc “bất di bất dịch” trong xử lý vi phạm hành chính “Người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không vi phạm hành chính;” – Điểm đ khoản 1 Điều 3 Luật xử lý vi phạm hành chính 2020

Quy định này xuất phát từ mục đích nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, đồng thời hạn chế những sai sót của người có thẩm quyền trong quá trình xử lý vi phạm.

Thứ tư, người dân có quyền kiểm tra chuyên đề của CSGT không?

Bạn đọc tham khảo tại: https://www.saovietlaw.com/thu-tuc-hanh-chinh-1/nguoi-dan-co-quyen-kiem-tra-chuyen-de-ke-hoach-tuan-tra-kiem-soat-cua-csgt/

Thứ năm, người dân có thể quay phim, chụp hình CSGT khi bị dừng xe kiểm tra

Giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước nói chung và hoạt động của CSGT nói riêng là quyền của người dân, được ghi nhận trong Điều 8 Hiến pháp 2013. Tuy nhiên nhiều người lại đang ngộ nhận, chưa hiểu rõ các quy định pháp luật dẫn đến vượt quá giới hạn về quyền giám sát. Cụ thể khi thực hiện quyền giám sát, người dân có thể thực hiện thông qua 05 hình thức quy định tại Điều 11 Thông tư 67/2019/TT-BCA) gồm:

- Thông qua các thông tin công khai của Công an nhân dân và phản hồi qua các phương tiện thông tin đại chúng.

- Thông qua các chủ thể giám sát theo quy định của pháp luật.

- Thông qua tiếp xúc, giải quyết trực tiếp công việc với cán bộ, chiến sỹ.

- Thông qua kết quả giải quyết các vụ việc, đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

- Thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình hoặc quan sát trực tiếp.

Đặc biệt việc giám sát bằng thiết bị ghi âm, ghi hình, quan sát trực tiếp phải đảm bảo các điều kiện sau:

a) Không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cán bộ, chiến sỹ khi đang thực thi nhiệm vụ;

b) Ngoài khu vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (đối với nơi có triển khai khu vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông);

c) Tuân thủ các quy định pháp luật khác có liên quan.

Một số bài viết liên quan đến xử phạt/nộp phạt vi phạm giao thông:

Xử phạt:

Xử phạt vi phạm hành chính có bắt buộc phải lập biên bản?

Cảnh sát giao thông được xử phạt tại chỗ tối đa bao nhiêu tiền?

Có thể bạn chưa biết: CSGT thường lấy mức trung bình để xử lý vi phạm?

Bị CSGT phạt cao hơn quy định, phải xử lý thế nào?

Nộp phạt

Làm mất biên bản vi phạm giao thông có nộp phạt và lấy lại giấy tờ được không?

Chậm nộp phạt vi phạm giao thông bị xử lý thế nào?

Quá hạn nộp phạt có thể lấy lại bằng lái xe được không?

 

 

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer