Tôi năm nay đã 36 tuổi, có thu nhập ổn định nhưng không có kế hoạch kết hôn và sinh con trong tương lai. Bố me tôi cũng tôn trọng quan điểm sống của tôi, một phần vì em trai tôi đã lập gia đình và có 1 bé trai kháu khỉnh. Sau khi xem xét và tham khảo ý kiến từ một người bạn là bác sĩ, tôi có nguyện vọng muốn được hiến tạng của mình nếu như sau này tôi mất đi. Tôi rất mừng vì được người thân trong gia đình ủng hộ. Vậy, xin hỏi Luật Sao Việt, chế độ chính sách của người hiến tạng được quy định như thế nào? Cảm ơn vì đã giải đáp thắc mắc này của tôi.
Trả lời:
Chào bạn. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Công ty Luật TNHH Sao Việt. Về thắc mắc của bạn, chúng tôi sẽ tư vấn cho bạn như sau:
1. Căn cứ pháp lý
· Hiến pháp năm 2013
· Bộ luật Dân sự năm 2015
· Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và Hiến, lấy xác năm 2006
· Thông tư số 104/2017/TT-BTC
2. Nội dung tư vấn
Hiến tạng là gì?
Hiến tạng hiện không được định nghĩa cụ thể tại văn bản pháp luật. Tuy nhiên, căn cứ khoản 6 Điều 3 Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác 2006.
"Điều 3. Giải thích từ ngữ
...
6. Hiến mô, bộ phận cơ thể người là việc cá nhân tự nguyện hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống hoặc sau khi chết."
Có thể hiểu hiến tạng chính là việc hiến mô, bộ phận cơ thể người, là việc cá nhân tự nguyện hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống hoặc sau khi chết.
Quyền được hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác
Quyền được hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác là quyền cơ bản của con người được quy đinh trong Hiến pháp 2013. Không chỉ trong Hiến pháp, quyền này được ghi nhận và bảo vệ trong Bộ luật Dân sự năm 2015, và luật chuyên ngành là Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và Hiến, lấy xác năm 2006.
Theo đó, người từ đủ mười tám tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống, sau khi chết và hiến xác. Ngoài ra, nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên, có đầy đủ năng lực hành vi dân sự thì hoàn toàn có quyền hiến, nhận tinh trung, noãn, phôi trong thụ tinh nhân tạo.
Những quyền lợi được hưởng của người hiến tạng
Hiến tặng mô, tạng là một nghĩa cử cao đẹp. Để đảm bảo quyền lợi và sức khỏe cho người đã hiến tạng, nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ, đặc biệt là về y tế.
1. Chế độ khám sức khoẻ định kỳ
Một trong những quyền lợi của người hiến tạng là được hưởng chế độ khám sức khoẻ định kỳ. Theo đó, người đã hiến bộ phận cơ thể khi còn sống là đối tượng được hưởng chế độ khám sức khoẻ định kỳ theo Điều 2 Thông tư 104/2017/TT-BTC gồm các chế độ sau đây:
- Miễn phí khám sức khoẻ định kỳ.
- Được hỗ trợ 450.000 đồng/ngày/người nhưng tối đa không quá 02 ngày tiền thuê phòng ngủ nếu người hiến ở xa nơi khám chữa bệnh và không thể đi về trong ngày làm việc trừ trường hợp đã hiến bộ phận cơ thể người phải nhập viện để khám, chữa bệnh trong phạm vi thanh toán của bảo hiểm y tế (BHYT).
- Hỗ trợ tiền ăn là 200.000 đồng/ngày trong những ngày thực tế đi khám sức khoẻ định kỳ, tối đa không quá 03 ngày/lần khám định kỳ.
Ngoài ra, người đã hiến bộ phận cơ thể người khi còn sống còn được hỗ trợ chi phí đi lại từ nhà đến nơi khám sức khoẻ định kỳ và ngược lại theo mức giá của phương tiện vận tải công cộng.
Nếu dùng xe cá nhân thì sẽ căn cứ vào khoảng cách từ nhà đến nơi khám sức khoẻ định kỳ và ngược lại để xác định mức hỗ trợ chi phí đi lại. Theo đó, mức tiêu hao nhiên liệu được tính theo mức bằng 0,2 lít xăng/km và tính theo giá xăng tại địa phương nơi người này đi khám sức khoẻ định kỳ.
2. Được cấp thẻ BHYT suốt đời
Quy định này được nhắc đến lần đầu trong Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006. Cụ thể, điểm b khoản 2 điều 17 của luật này quy định quyền lợi của người đã hiến mô, bộ phận cơ thể người là được cấp thẻ BHYT miễn phí.
Ngoài việc được cấp thẻ BHYT miễn phí, người đã hiến tạng còn được chăm sóc, phục hồi sức khỏe miễn phí ngay sau khi thực hiện việc hiến tạng; được khám sức khỏe định kỳ miễn phí; được ưu tiên ghép mô, bộ phận cơ thể người khi có chỉ định ghép của cơ sở y tế.
Ngoại trừ được cấp thẻ BHYT miễn phí suốt đời, mức hưởng BHYT của người đã hiến tạng cũng căn cứ Điều 22 Luật Bảo hiểm y tế năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2014 và Điều 14 Nghị định 146/2018/NĐ-CP:
Khi đi khám, chứa bệnh đúng tuyên
- 100% chi phí khám, chữa bệnh tại tuyến xã;
- 100% chi phí khám, chữa bệnh đối với chi phí cho một lần khám, chữa bệnh thấp hơn 15% mức lương cơ sở.
- 100% chi phí khám, chữa bệnh khi có thẻ BHYT 05 năm liên tục và có số tiền đồng chi trả chi phí khám, chữa bệnh trong năm lớn hơn 06 tháng lương cơ sở.
- 80% chi phí khám, chữa bệnh với những trường hợp còn lại.
Khi đi khám, chưa benh trái tuyên
- Khám, điều trị tại bệnh viện tuyến trung ương: 32% chi phí điều trị nội trú.
- Khám, điều trị tại bệnh viện tuyến tỉnh: 80% chi phí điều trị nội trú.
- Khám, điều trị tại bệnh viện tuyến huyện: 80% chi phí khám bệnh, chữa bệnh.
Lưu ý: Trường hợp người hiến tạng có giấy tờ chứng minh thuộc các đối tượng như bộ đội, công an, người có công với cách mạng, hộ nghèo, người dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn,... thì sẽ được tính mức hưởng cao hơn.
3. Chế độ tổ chức tang lễ, mai táng di hài của người hiến tạng
Trường hợp thân nhân của người hiến bộ phận cơ thể người sau khi chết, hiến xác có nhu cầu tổ chức tang lễ và mai táng di hài cho người hiến bộ phận cơ thể người sau khi chết, hiến xác được hỗ trợ mai táng phí bằng 10 tháng lương cơ sở. Từ ngày 01/7/2023, mức lương cơ sở đang áp dụng là là 1,8 triệu đồng/tháng. Như vậy, mức mai táng phí hỗ trợ cho thân nhân tổ chức tang lễ và mai táng di hài của người hiến bộ phận cơ thể người sau khi chết, hiến xác là 18,0 triệu đồng.
Để được hỗ trợ chi phí mai táng, thân nhân của người hiến tạng phải xuất trình với cơ sở y tế hoặc cơ sở tiếp nhận, bảo quản xác của người hiến tạng các giấy tờ chứng minh là thân nhân của người hiến tạng.
Ngoài ra, nếu việc mai táng, tổ chức tang lễ do cơ sở y tế hoặc cơ sở tiếp nhận, bảo quản xác của người hiến tạng thực hiện thì sẽ được thanh toán chi phí thực tế phát sinh nhưng tối đa không quá 10 tháng lương cơ sở .
4. Các chế độ khác
Ngoài chế độ khám sức khoẻ định kỳ và tiền hỗ trợ chi phí mai táng, quyền lợi của người hiến tạng còn được quy định tại Điều 17 bao gồm:
- Được chăm sóc, phục hồi sức khoẻ miễn phí ngay sau khi thực hiện hiến mô hoặc hiến bộ phận cơ thể người.
- Được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí.
- Được ưu tiên ghép mô, bộ phận cơ thể khi có chỉ định.
- Được Bộ trưởng Bộ Y tế tặng kỷ niệm chương vì sức khoẻ nhân dân.
Trên đây là toàn bộ những giải đáp của Sao Việt về quyền lợi cũng như chính sách dành cho người hiến tạng. Cảm ơn nghĩa cử cao đẹp và giá trị nhân đạo mà bạn đã mang đến cuộc đời!