Qua đọc báo tôi được biết có trường hợp anh thợ điện đổi 100 Đô la Mĩ ở tiệm vàng bị xử phạt 90 triệu đồng. Vậy luật sư cho tôi hỏi, quy định về việc sử dụng và mua bán ngoại tệ ở Việt Nam hiện nay như thế nào? Người thân của tôi ở nước ngoài mà chuyển tiền về cho tôi thì tôi phải làm gì?

Hình ảnh mang tính minh họa. Nguồn: Internet

Trả lời:

Theo quy định của Ngân hàng nhà nước, việc sử dụng ngoại tệ bị hạn chế và chỉ có một số trường hợp được phép sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam được quy định tại Điều 4 Thông tư 32/2013/TT-NHNN. Theo đó, Ngoại hối bao gồm cả Ngoại tệ là các đồng tiền nước ngoài hoặc đồng tiền chung Châu âu, đồng tiền chung khác được sử dụng trong thanh toán quốc tế và khu vực.

Mới đây trên các phương tiện thông tin đại chúng có phản ánh về sự việc ông Nguyễn Cà Rê bị UBND thành phố Cần Thơ xử phạt 90 triệu đồng khi đi đổi 100 USD sang tiền VND ở một tiệm vàng tại Cần Thơ đã gây không ít những phản ứng từ dư luận xã hội. Theo UBND thành phố Cần Thơ việc sử phạt các bên có hành vi vi phạm hành chính trong việc mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ được qui định tại Điểm a Khoản 3 Điều 24 Nghị định số 96/2014/NĐ-CP.

Vì vậy, khi cá nhân là công dân Việt Nam thực hiện việc mua, bán ngoại tệ phải tuân thủ các quy định về việc mua, bán ngoại tệ tại tổ chức tín dụng được phép để đáp ứng các nhu cầu chi tiêu của bản thân và trẻ em chung hộ chiếu với cha hoặc mẹ, bao gồm tiền ăn, tiền tiêu vặt, tiền đi lại ở nước ngoài liên quan đến các mục đích sau: học tập, chữa bệnh ở nước ngoài, đi công tác, du lịch, thăm viếng ở nước ngoài và các mục đích hợp pháp khác.

 Người cư trú, người không cư trú là cá nhân có ngoại tệ tiền mặt được quyền cất giữ, mang theo người, cho, tặng, thừa kế, bán cho tổ chức tín dụng được phép, chuyển, mang ra nước ngoài theo các quy định, thanh toán cho các đối tượng được phép thu ngoại tệ tiền mặt và người cư trú là công dân Việt Nam được sử dụng ngoại tệ tiền mặt để gửi tiết kiệm ngoại tệ tại tổ chức tín dụng được phép, được rút tiền gốc, lãi bằng đồng tiền đã gửi.

Trường hợp bạn được người thân ở nước ngoài tặng, cho đồng tiền nước ngoài thì việc bán ngoại tệ tiền mặt của cá nhân được thực hiện tại các địa điểm được phép mua ngoại tệ tiền mặt thuộc mạng lưới hoạt động của tổ chức tín dụng được phép phù hợp với quy định của pháp luật và các Đại lý đổi ngoại tệ của tổ chức tín dụng được phép;

Trường hợp bạn mua ngoại tệ tại các Tổ chức tín dụng được phép thì hạn mức mua là 100 USD/1 người/1 ngày hoặc các loại ngoại tệ khác có giá trị tương đương trong khoảng thời gian lưu trú ở nước ngoài là 10 (mười) ngày. Hạn mức ngoại tệ trên cũng được áp dụng đối với trẻ em chung hộ chiếu với cha hoặc mẹ.

Từ các quy định nêu trên khi bạn muốn mua bán ngoại tệ ở Việt Nam thì bạn cần lưu ý, chỉ các ngân hàng thương mại mới được cấp phép mua, bán, trao đổi, thực hiện các giao dịch về ngoại tệ. Cũng có một số ít tiệm vàng được phép làm đại lý đổi ngoại tệ theo ủy quyền của ngân hàng nhưng cũng chỉ được mua vào ngoại tệ, không được bán ra.

Nếu người vi phạm thực hiện các hành vi mua, bán, trao đổi ngoại tệ không đúng quy định thì pháp luật không căn cứ hạn mức ngoại tệ được mua vào, bán ra là bao nhiêu, miễn là có hành vi vi phạm thì người vi phạm có thể sẽ bị xử phạt từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ, căn cứ điểm a khoản 3 Điều 24 Nghị định 96/2014/NĐ-CP.

Ngoài ra, pháp luật vẫn có các quy định về trường hợp được miễn, giảm tiền phạt do vi phạm hành chính và được nhận lại giấy tờ, tang vật, phương tiện đang bị tạm giữ căn cứ Điều 77 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 như sau:

1. Cá nhân thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 76 của Luật này mà không có khả năng thi hành quyết định thì có thể được xem xét giảm, miễn phần còn lại tiền phạt ghi trong quyết định xử phạt.

2. Cá nhân quy định tại khoản 1 Điều này phải có đơn đề nghị giảm, miễn phần còn lại hoặc toàn bộ tiền phạt gửi người đã ra quyết định xử phạt. Trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày nhận được đơn, người đã ra quyết định xử phạt phải chuyển đơn kèm hồ sơ vụ việc đến cấp trên trực tiếp. Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được đơn, cấp trên trực tiếp phải xem xét quyết định và thông báo cho người đã ra quyết định xử phạt, người có đơn đề nghị giảm, miễn biết; nếu không đồng ý với việc giảm, miễn thì phải nêu rõ lý do.”

Để nhận được ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, bạn đọc vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên viên pháp lý của Công ty Luật TNHH Sao Việt qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6243 hoặc 0243 636 7896 hoặc E-mail: saovietlaw@vnn.vn.

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer