Căn cứ pháp lý:
- Luật Đầu tư năm 2020
- Nghị định 31/2021/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đầu tư
Chấp thuận chủ trương đầu tư là việc cơ quan có thẩm quyền chấp thuận về mục tiêu, địa điểm, quy mô, tiến độ, thời hạn thực hiện dự án; nhà đầu tư hoặc hình thức lựa chọn nhà đầu tư và các cơ chế, chính sách đặc biệt (nếu có) để thực hiện dự án đầu tư.
Do vậy, đây là một bước quan trọng và là tiền đề để đi tới bước lựa chọn nhà thầu thực hiện dự án. Trong bài viết này chúng ta sẽ tìm hiểu về việc chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trước tiên vì đây là loại dự án phổ biến hơn cả,
I. Các dự án phải được chấp thuận chủ trương đầu tư của UBND cấp tỉnh
Căn cứ Điều 32 Luật Đầu tư năm 2020 thì những dự án phải được chấp thuận chủ chương đầu tư của UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là những dự án sau:
- Dự án đầu tư có đề nghị Nhà nước giao đất
- Dự án cho thuê đất không thông qua đấu giá
- Dự án đấu thầu hoặc nhận chuyển nhượng
- Dự án đầu tư có đề nghị cho phép chuyển mục đích sử dụng đất
- Dự án đầu tư xây dựng nhà ở (để bán, cho thuê, cho thuê mua)
- Dự án khu đô thị có quy mô sử dụng đất dưới 300 ha và quy mô dân số dưới 50.000 người
- Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh sân gôn (golf)
- Dự án đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện tại đảo và xã, phường, thị trấn biên giới; xã, phường, thị trấn ven biển; khu vực khác có ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh
Các trường hợp, dự án không thuộc hoặc không cần chấp thuận chủ chương đầu tư của UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:
- Dự án Nhà máy điện hạt nhân
- Dự án đầu tư có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ biên giới từ 50 ha trở lên
- Dự án liên quan tới rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay và rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển từ 500 ha trở lên
- Dự án liên quan tới rừng sản xuất từ 1.000 ha trở lên
- Dự án đầu tư có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ 02 vụ trở lên với quy mô từ 500 ha trở lên
- Dự án đầu tư có yêu cầu di dân tái định cư từ 20.000 người trở lên ở miền núi, từ 50.000 người trở lên ở vùng khác
- Dự án đầu tư có yêu cầu áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt cần được Quốc hội quyết định
- Dự án đầu tư có yêu cầu di dân tái định cư từ 10.000 người trở lên ở miền núi, từ 20.000 người trở lên ở vùng khác
- Dự án đầu tư xây dựng mới: cảng hàng không, sân bay; đường cất hạ cánh của cảng hàng không, sân bay; nhà ga hành khách của cảng hàng không quốc tế; nhà ga hàng hóa của cảng hàng không, sân bay có công suất từ 01 triệu tấn/năm trở lên
- Dự án đầu tư mới kinh doanh vận chuyển hành khách bằng đường hàng không
- Dự án đầu tư xây dựng mới: bến cảng, khu bến cảng thuộc cảng biển đặc biệt; bến cảng, khu bến cảng có quy mô vốn đầu tư từ 2.300 tỷ đồng trở lên thuộc cảng biển loại I
- Dự án đầu tư chế biến dầu khí
- Dự án đầu tư có kinh doanh đặt cược, ca-si-nô (casino), trừ kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài
- Dự án đầu tư xây dựng nhà ở (để bán, cho thuê, cho thuê mua), khu đô thị có quy mô sử dụng đất từ 300 ha trở lên hoặc quy mô dân số từ 50.000 người trở lên
- Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất
- Dự án đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ viễn thông có hạ tầng mạng, trồng rừng, xuất bản, báo chí
- Dự án đầu tư đồng thời thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của từ 02 Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trở lên
- Trường hợp giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân không thuộc diện phải có văn bản chấp thuận của UBND cấp tỉnh
- Dự án đầu tư thực hiện tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế phù hợp với quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt (trừ dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh sân gôn)
II. Hồ sơ xin chấp thuận chủ trương đầu tư cần chuẩn bị
1. Dự án do nhà đầu tư đề xuất
Theo đó nhà đầu tư phải chuẩn bị hồ sơ gồm những tài liệu như sau:
- Văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư
- Văn bản đề xuất dự án đầu tư
- Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (trường hợp nộp thì không cần Văn bản đề xuất dự án đầu tư)
- Cam kết chịu mọi chi phí, rủi ro nếu dự án không được chấp thuận
- Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (lần thay đổi gần nhất)
- Tài liệu chứng mình nguồn gốc pháp nhân có hoặc không liên quan đến Doanh nghiệp Nhà nước
- Tài liệu chứng minh cơ quan chủ quản của Doanh nghiệp Nhà nước cho phép sử dụng tài sản để thực hiện dự án nhà ở (trường hợp doanh nghiệp thực hiện dự án do Nhà nước sở hữu quản lý)
- Tài liệu chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư
- Bản sao giấy tờ về quyền sử dụng đất hoặc tài liệu khác xác định quyền sử dụng địa điểm để thực hiện dự án đầu tư (Trường hợp không đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất)
- Nội dung giải trình về công nghệ sử dụng trong dự án đầu tư (trường hợp dự án thuộc diện thẩm định, lấy ý kiến về công nghệ)
- Hợp đồng hợp tác (BCC) (trường hợp dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC)
*Lưu ý: Đối với dự án khu đô thị, nếu yêu cầu phải lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, nhà đầu tư hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền được nộp hoặc sử dụng báo cáo nghiên cứu tiền khả thi thay cho đề xuất dự án đầu tư
2. Dự án do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền lập
- Tờ trình chấp thuận chủ trương đầu tư
- Đề xuất dự án đầu tư
- Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (trường hợp nộp thì không cần Văn bản đề xuất dự án đầu tư)
*Lưu ý: Đối với dự án khu đô thị, nếu yêu cầu phải lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, nhà đầu tư hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền được nộp hoặc sử dụng báo cáo nghiên cứu tiền khả thi thay cho đề xuất dự án đầu tư
III. Trình tự thẩm định và phê duyệt, chấp thuận chủ trương đầu tư
Giai đoạn 1:
Nhà đầu tư hoặc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nộp 04 bộ hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trường đầu tư như đã nêu trên.
Giai đoạn 2:
Tùy vào dự án thì Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế sẽ lấy ý kiến thẩm định của các Sở, Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi dự kiến thực hiện dự án và các cơ quan có liên quan trong trong vòng 43 ngày làm việc.
Giai đoạn 3:
Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế sẽ lập báo cáo thẩm định để trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Giai đoạn 4:
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiến hành xem xét và ra Quyết định chấp thuận hoặc không chấp thuận trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ và báo cáo thẩm định.