Theo phản ánh từ cơ quan báo chí và truyền thông, thời gian gần đây đã xảy ra nhiều vụ việc có hậu quả nghiêm trọng, liên quan đến sử dụng thiết bị bay không người lái (drone). Việc sử dụng thiết bị này được pháp luật quy định như thế nào đang là câu hỏi mà dư luận quan tâm. 

Từ ngày 28/3/2008, Chính Phủ đã ban hành Nghị định số 36/2008/NĐ-CP về quy định quản lý tàu bay không người lái. Trong đó, đáng chú ý là hoạt động cấp phép bay đối với loại thiết bị này. Vậy quy định này cụ thể như thế nào, hãy tham khảo bài viết dưới đây của Luật Sao Việt nhé.

Theo Khoản 1, Điều 3, Nghị định số 36/2008/NĐ-CP, tàu bay không người lái được định nghĩa như sau: “Tàu bay không người lái là thiết bị bay mà việc điều khiển, duy trì hoạt động của chuyến bay không cần có sự tham gia điều khiển trực tiếp của phi công, tổ lái trên thiết bị bay đó". Theo đó, drone được xem như một thiết bị tàu bay không người lái.

Cũng theo Nghị định này, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm phải làm thủ tục xin phép bay trước khi tổ chức các hoạt động bay (theo Khoản 1, Điều 13). Đồng thời, phải tuân thủ các quy định, điều kiện, giới hạn được nêu trong phép bay.

1. Trình tự, thủ tục cấp phép bay đối với tàu bay không người lái

Căn cứ Chương 3, Nghị định số 36/2008/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 79/2011/NĐ-CP) trình tự, thủ tục cấp phép bay được thực hiện như sau:

Bước 1

Tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ đề nghị cấp phép bay đến Cục Tác chiến - Bộ Tổng tham mưu, bao gồm các tài liệu sau:

1. Đơn đề nghị cấp phép bay bằng tiếng Việt và tiếng Anh (theo mẫu ban hành kèm theo Nghị định số 79/2011/NĐ-CP).

2. Giấy phép hoặc giấy ủy quyền hợp pháp cho phép tàu bay, phương tiện bay thực hiện cất cánh, hạ cánh tại sân bay, khu vực trên mặt đất, mặt nước.

3. Các giấy tờ, tài liệu khác liên quan đến tàu bay, phương tiện bay.

Lưu ý: Chậm nhất 07 ngày làm việc, trước ngày dự kiến tổ chức thực hiện các chuyến bay, các tổ chức cá nhân nộp đơn đề nghị cấp phép bay.

Bước 2

Giải quyết hồ sơ: 

- Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đầy đủ thành phần hồ sơ, Cục Tác chiến - Bộ Tổng tham mưu cấp phép tổ chức thực hiện các chuyến bay.

- Từ chối cấp phép bay trong các trường hợp để bảo đảm an ninh, quốc phòng, an toàn hàng không và khi chưa được cung cấp đủ thông tin được quy định trong nội dung đơn đề nghị cấp phép bay. Việc từ chối cấp phép bay này sẽ được trả lời bằng văn bản.

Bước 3

Thông báo, dự báo bay:

Tổ chức, cá nhân khi tổ chức các chuyến bay cho tàu bay không người lái phải thực hiện công tác thông báo, dự báo bay.

Trung tâm Quản lý điều hành bay Quốc gia, các Trung tâm Quản lý điều hành bay khu vực thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân là cơ quan tiếp nhận, quản lý thông tin cấp phép bay, dự báo, thông báo hiệp đồng bay.

 

Nội dung của phép bay bao gồm các nội dung được quy định tại Điều 10, Nghị định số 36/2008/NĐ-CP. Cụ thể:

“Nội dung của phép bay bao gồm:

1. Tên, địa chỉ, số điện thoại liên lạc của tổ chức, cá nhân được cấp phép bay.

2. Đặc điểm nhận dạng kiểu loại tàu bay, phương tiện bay (bao gồm cả phụ lục có ảnh chụp, thuyết minh tính năng kỹ thuật của tàu bay hoặc phương tiện bay).

3. Khu vực được tổ chức hoạt động bay, hướng bay, vệt bay.

4. Mục đích, thời hạn, thời gian được tổ chức bay.

5. Quy định về thông báo hiệp đồng bay; chỉ định cơ quan quản lý, giám sát hoặc điều hành bay.

6. Các giới hạn, quy định an ninh, quốc phòng khác.”

Thủ tục xin phép bay đối với drone trước khi cất cánh

Ảnh minh họa (nguồn:Internet)

2. Xử lý hành vi tổ chức hoạt động bay khi chưa được cấp phép 

2.1 Ra lệnh đình chỉ bay

Trong trường hợp tổ chức, cá nhân khai thác tàu bay không người lái vi phạm các giới hạn, quy định trong phép bay hoặc tổ chức hoạt động bay khi chưa được cấp phép thì sẽ bị ra lệnh đình chỉ bay bởi cơ quan quản lý điều hành và giám sát hoạt động bay (theo Điều 12 Nghị định số 36/2008/NĐ-CP). Gồm:

- Trung tâm Quản lý điều hành bay Quốc gia.

- Các Trung tâm Quản lý điều hành bay khu vực thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân.

- Cơ quan Phòng không thuộc các quân khu.

- Bộ Chỉ huy quân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Các cơ quan này sẽ đồng thời phối hợp với cơ quan công an và chính quyền địa phương để xử lý các hành vi vi phạm.

2.2 Xử lý vi phạm hành chính

Theo điểm đ, Khoản 2 Điều 7 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP hành vi “Sử dụng tàu bay không người lái hoặc phương tiện bay siêu nhẹ chưa được đăng ký cấp phép bay hoặc tổ chức các hoạt động bay khi chưa có giấy phép hoặc đã đăng ký nhưng điều khiển bay không đúng thời gian, địa điểm, khu vực, tọa độ, giới hạn cho phép” sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng.

Khoản 8 Nghị định này cũng quy định: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi “sử dụng tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ nhưng không chấp hành các lệnh, hiệu lệnh của cơ quan quản lý điều hành và giám sát hoạt động bay”.

Đây là mức phạt được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Đối với tổ chức, mức phạt tiền sẽ gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Ngoài ra, tổ chức, cá nhân khi tổ chức hoạt động bay phải chịu trách nhiệm bồi thường theo pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn hàng không, gây thiệt hại cho người, tài sản dưới mặt đất. Nếu gây hậu quả nghiêm trọng, đủ cấu thành tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tham khảo thêm:

Mẫu đơn đề nghị cấp phép bay đối với tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ

Nếu có bất kỳ vướng mắc pháp lý nào hoặc khi có nhu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý của Luật Sao Việt, bạn đọc vui lòng liên hệ Chuyên viên và Luật sư của chúng tôi thông qua những hình thức sau đây.

Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer