I. Trình tự thực hiện
Bước 1. Tổ chức con nuôi nước ngoài nộp hồ sơ tại Cục Con nuôi thuộc Bộ Tư pháp;
Bước 2. Cục Con nuôi kiểm tra, thẩm định hồ sơ, phỏng vấn người dự kiến đứng đầu văn phòng tại Việt Nam, kiểm tra năng lực, đội ngũ nhân viên của tổ chức.
Bước 3. Cục Con nuôi báo cáo Bộ trưởng Bộ Tư pháp đề nghị Bộ Công an cho ý kiến.
Bước 4. Bộ Công an trả lời bằng văn bản cho Bộ Tư pháp.
Bước 5. Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định việc cấp Giấy phép.
Trường hợp tổ chức con nuôi nước ngoài được cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cho phép hoạt động tại Việt Nam với thời hạn ngắn hơn thời hạn tối đa quy định tại khoản 4 Điều 33 của Nghị định số 19/2011/NĐ-CP, thì chỉ cấp, gia hạn Giấy phép hoạt động nuôi con nuôi nước ngoài tại Việt Nam bằng thời hạn của giấy phép do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài hữu quan cấp cho tổ chức con nuôi nước ngoài.
II. Cách thức thực hiện
Trực tiếp tại Cục Con nuôi, Bộ Tư pháp
III. Thành phần, số lượng hồ sơ
* Hồ sơ gồm:
1) Đơn của tổ chức con nuôi nước ngoài xin phép hoạt động tại Việt Nam;
2) Bản sao Điều lệ, Quy chế hoạt động hoặc văn bản thành lập tổ chức con nuôi nước ngoài;
3) Bản sao chứng thực giấy phép do cơ quan có thẩm quyền của nước nơi tổ chức được thành lập cấp, cho phép tổ chức được hoạt động trong lĩnh vực nuôi con nuôi nước ngoài tại Việt Nam;
4) Báo cáo tình hình hoạt động trong lĩnh vực con nuôi quốc tế trong 03 năm gần nhất, bao gồm cả tình hình thu, chi tài chính về con nuôi quốc tế, không vi phạm pháp luật và được cơ quan có thẩm quyền của nước nơi tổ chức được thành lập xác nhận; trường hợp đã hoạt động trong lĩnh vực nuôi con nuôi nước ngoài tại Việt Nam, thì phải có báo cáo về tình hình hoạt động tại Việt Nam;
5) Báo cáo đánh giá về sự hiểu biết của các nhân viên xã hội và nhân viên pháp lý làm việc tại tổ chức con nuôi nước ngoài về các lĩnh vực pháp luật, văn hóa, xã hội của Việt Nam và pháp luật quốc tế về nuôi con nuôi;
6) Lý lịch cá nhân, phiếu lý lịch tư pháp (được cấp chưa quá 06 tháng), bản sao văn bằng, chứng chỉ về trình độ chuyên môn của người đứng đầu tổ chức con nuôi nước ngoài;
7) Lý lịch cá nhân, phiếu lý lịch tư pháp (được cấp chưa quá 06 tháng), bản sao văn bằng, chứng chỉ về trình độ chuyên môn của người dự kiến đứng đầu Văn phòng con nuôi nước ngoài tại Việt Nam và văn bản của tổ chức chấp thuận cử người đó làm người đứng đầu Văn phòng con nuôi nước ngoài tại Việt Nam.
Số lượng hồ sơ: 02 bộ, dịch ra tiếng Việt; bản dịch phải được chứng thực theo quy định của pháp luật Việt Nam trước khi nộp cho Cục Con nuôi.
Hợp pháp hóa lãnh sự giấy tờ, tài liệu (Điều 30 Luật nuôi con nuôi 2010)
Hồ sơ của tổ chức con nuôi nước ngoài do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài lập, cấp hoặc xác nhận phải được hợp pháp hóa lãnh sự khi sử dụng ở Việt Nam, trừ trường hợp được miễn hợp pháp hóa lãnh sự theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc theo nguyên tắc có đi có lại
IV. Thời hạn giải quyết
- Cục Con nuôi thẩm tra hồ sơ: 60 ngày
- Bộ Công an có văn bản trả lời: 30 ngày
- Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định cấp Giấy phép: 05 ngày
V. Kết quả thực hiện:
Giấy phép cho tổ chức con nuôi nước ngoài hoạt động tại Việt Nam
VI. Cơ quan thực hiện TTHC:
Cơ quan có thẩm quyền quyết định: Bộ trưởng Bộ Tư pháp;
Cơ quan trực tiếp thực hiện thủ tục TTHC: Cục Con nuôi, Bộ Tư pháp;
Cơ quan phối hợp (nếu có): Bộ Công An.
VII. Lệ phí: 65.000.000 đồng (sáu mươi lăm triệu đồng)/ lần cấp phép