Luật sư cho tôi hỏi: Chồng tôi đi ăn liên hoan với đồng nghiệp về thì bị cảnh sát giao thông dừng xe máy và thổi nồng độ cồn. Hôm đó chồng tôi uống ít chỉ vài chén nên khi CSGT kiểm tra thì chồng tôi có nồng độ 0,020 mg/lit khí thở - thuộc mức nhẹ nhất nhưng vẫn bị CSGT lập biên bản tạm giữ xe 7 ngày. Vậy xin hỏi vi phạm nồng độ cồn mức nào mới bị giữ xe? Trường hợp của chồng tôi, CSGT giữ xe là đúng hay sai? Tôi xin cảm ơn!
Trả lời:
Chào bạn. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Đối với thắc mắc của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:
Vi phạm nồng độ cồn là một trong những lỗi hành chính thường gặp khi tham gia giao thông. Hơn nữa, khi điều khiển phương tiện giao thông mà trong cơ thể có nồng độ cồn sẽ gây nguy hiểm cho cả bản thân người điều khiển và người tham gia giao thông khác.
Chính vì vậy, pháp luật hiện hành quy định chỉ cần trong máu hoặc trong hơi thở có nồng độ (bất kể ở mức độ nào) thì người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đều bị xem là vi phạm và sẽ bị xử phạt. Điều này được quy định cụ thể tại khoản 8 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ 2008 được sửa bởi khoản 1 Điều 35 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019, theo đó nghiêm cấm điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.
Đồng thời, để ngăn chặn ngay vi phạm hành chính, đảm bảo việc xử lý vi phạm hành chính và hạn chế việc tài xế vi phạm nồng độ cồn gây ra hậu quả nghiêm trọng không đáng có thì cảnh sát giao thông có thể ra quyết định tạm giữ phương tiện trước khi ra quyết định xử phạt theo Điều 82 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, sửa bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP:
“1. Để ngăn chặn ngay vi phạm hành chính, người có thẩm quyền được phép tạm giữ phương tiện trước khi ra quyết định xử phạt theo quy định tại khoản 2, khoản 8 Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính (được sửa đổi, bổ sung năm 2020) đối với những hành vi vi phạm được quy định tại các điều, khoản, điểm sau đây của Nghị định này:
a) Điểm c khoản 6; điểm a, điểm c khoản 8; khoản 10 Điều 5;
b) Điểm b, điểm c khoản 6; điểm c khoản 7; điểm a, điểm b, điểm c, điểm d, điểm e, điểm g, điểm h, điểm i khoản 8; khoản 9 Điều 6;
c) Điểm c khoản 6; điểm b khoản 7; điểm a, điểm b khoản 8; khoản 9 Điều 7;
d) Điểm q khoản 1; điểm e khoản 3; điểm a, điểm c, điểm d, điểm đ (trong trường hợp người vi phạm là người dưới 16 tuổi và điều khiển phương tiện), điểm g (trong trường hợp người vi phạm là người dưới 16 tuổi và điều khiển phương tiện) khoản 4 Điều 8;
đ) Khoản 9 Điều 11;
e) Điểm a, điểm b khoản 4; khoản 5; điểm a, điểm b, điểm c khoản 6 Điều 16;
g) Điểm a, điểm b, điểm c khoản 2 Điều 17;
h) Điểm b, điểm đ khoản 1; điểm c, điểm d, điểm đ, điểm e khoản 2 Điều 19;
i) Khoản 1; điểm a khoản 4; khoản 5; khoản 6; khoản 7; khoản 8; khoản 9 Điều 21;
k) Điểm đ, điểm g, điểm h, điểm k khoản 5; điểm b, điểm e, điểm h khoản 8; điểm c, điểm i khoản 9; điểm b khoản 10 Điều 30;
l) Điểm b khoản 5 Điều 33.”;
Do đó, đối với vi phạm về nồng độ cồn, cảnh sát giao thông được phép tạm giữ phương tiện trước khi ra quyết định xử phạt, dù là vi phạm nồng độ cồn của bất kỳ đối tượng nào kể cả là người điều khiển xe ô tô (điểm c khoản 6, điểm c khoản 8 và điểm khoản 10 Điều 5), người điều khiển xe máy (điểm c khoản 6, điểm c khoản 7, điểm e khoản 8 Điều 6), người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng (tại điểm c khoản 6, điểm b khoản 7, điểm a khoản 9 Điều 7), người điều khiển xe đạp (tại điểm q khoản 1, điểm e khoản 3, điểm c khoản 4 Điều 8)
Thời hạn tạm giữ xe: Theo Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính, thời hạn tạm giữ xe vi phạm nồng độ cồn là không quá 7 ngày làm việc, kể từ ngày tạm giữ. Thời hạn này được tính từ thời điểm phương tiện bị tạm giữ thực tế.
- Trường hợp vụ việc phải chuyển hồ sơ đến người có thẩm quyền xử phạt: Thời hạn tạm giữ xe không quá 10 ngày làm việc.
- Vụ việc mà cá nhân, tổ chức có yêu cầu giải trình hoặc phải xác minh các tình tiết có liên quan: Thời hạn tạm giữ xe không quá 1 tháng.
- Vụ việc mà cá nhân, tổ chức có yêu cầu giải trình hoặc phải xác minh các tình tiết có liên quan mà đặc biệt nghiêm trọng, có nhiều tình tiết phức tạp, cần có thêm thời gian để xác minh, thu thập chứng cứ: Thời hạn tạm giữ xe không quá 2 tháng.
Trường hợp của chồng bạn có nồng độ cồn trong hơi thở là 0,020 mg/lit khí thở, nên theo điểm c khoản 6 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, chồng bạn bị phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng, đồng thời bị tước giấy phép lái xe từ 10 tháng - 12 tháng. Dù thuộc mức nhẹ nhất nhưng vẫn là vi phạm quy định về an toàn giao thông, do đó chồng bạn vẫn phải chịu các chế tài xử phạt hành chính bao gồm cả tạm giữ phương tiện vi phạm. => Việc CSGT lập biên bản tạm giữ xe 7 ngày là hoàn toàn đúng quy định pháp luật.
Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:
- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"
TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243
Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội
Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com