Vừa qua có xảy ra có một vụ việc trong công tác phòng chống dịch bênh Covid 19 tại Bình Dương, một người phụ nữ bị cưỡng chế đi test Covid. Cho tôi hỏi trường hợp này cán bộ quản lý và nhân viên y tế cưỡng chế như vậy có đúng với quy định của pháp luật hay không?
Nguồn ảnh: Internet
Trả lời:
Theo thông tin bạn cung cấp thì vụ việc bạn nhắc tới xảy ra tại Bình Dương, khi Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Thuận An thực hiện xét nghiệm để nhanh chóng tách F0 ra khỏi cộng đồng, tuy nhiên khi tiến hành xét nghiệm cho toàn bộ cư dân chung cư Ehome 4 thì có một người phụ nữ tên L không chịu đi xét nghiệm và cố thủ trong nhà. Sau đó, lực lượng chức năng đã phá khóa cửa của căn hộ nơi bà L ở để cưỡng chế bà L đi xét nghiệm.
Có thể thấy, hành vi của bà L đã vi phạm các quy định về phòng, chống dịch bệnh Covid 19. Trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, hành vi chống đối của bà L rất đáng lên án.
Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 7 Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế thì hành vi không thực hiện xét nghiệm theo yêu cầu của cơ quan y tế chỉ bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000.
Về các biện pháp khắc phục hậu quả, chỉ được áp dụng các biện pháp đã được quy định theo pháp luật, cụ thể được quy định tại Điều 3 Nghị định 117/2020/NĐ-CP:
Điều 3. Hình thức xử phạt vi phạm hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả:
………
Ngoài hình thức xử phạt chính, hình thức xử phạt bổ sung, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả được quy định tại các điểm c, d, đ, e, g, h và i khoản 1 Điều 28 của Luật Xử lý vi phạm hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả sau đây:
a) Buộc hoàn trả số tiền đã thu không đúng quy định của pháp luật, trường hợp không hoàn trả được cho đối tượng thì nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật;
b) Buộc thực hiện biện pháp vệ sinh, khử trùng, tẩy uế và các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm khác;
c) Buộc thực hiện việc cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế, kiểm tra, xử lý y tế;
d) Buộc thực hiện các biện pháp vệ sinh hệ thống cung cấp, truyền dẫn nước sạch;
đ) Buộc xin lỗi trực tiếp người nhiễm HIV, thành viên gia đình người nhiễm HIV và cải chính thông tin công khai trên phương tiện thông tin đại chúng nơi người nhiễm HIV sinh sống liên tục trong 03 ngày theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp người nhiễm HIV không đồng ý xin lỗi công khai;
e) Buộc tiếp nhận, thực hiện việc mai táng, hỏa táng đối với thi hài, hài cốt của người nhiễm HIV;
g) Buộc tiếp nhận người nhiễm HIV;
h) Buộc xin lỗi trực tiếp người bị phân biệt đối xử, người hành nghề, người bệnh;
i) Buộc điều chuyển lại vị trí công tác;
k) Buộc thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động nhiễm HIV;
l) Buộc hủy bỏ quyết định kỷ luật, đuổi học học sinh, sinh viên, học viên vì lý do người đó nhiễm HIV;
m) Buộc hoàn trả số tiền lãi đối với khoản chênh lệch do kê khai sai hoặc khoản tiền nộp chậm khoản đóng góp bắt buộc; buộc hoàn trả số tiền do trốn, gian lận khoản đóng góp bắt buộc; buộc hoàn trả số tiền do sử dụng sai quy định;
n) Buộc chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh;
o) Buộc hoàn trả toàn bộ số tiền chênh lệch, trường hợp không hoàn trả được cho khách hàng thì nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật;
p) Buộc hoàn trả số tiền mà đối tượng tham gia bảo hiểm y tế bị thiệt hại (nếu có); buộc hoàn trả số tiền mà cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bị thiệt hại (nếu có). Trường hợp không hoàn trả được cho đối tượng thì nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật;
q) Buộc hoàn trả số tiền đã vi phạm vào tài khoản thu của quỹ bảo hiểm y tế (nếu có);
r) Buộc tháo dụng cụ tử cung, thuốc cấy tránh thai;
s) Kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi chứng chỉ hành nghề; giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; giấy phép nhập khẩu trang thiết bị y tế; giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược; giấy chứng nhận lưu hành tự do cho trang thiết bị y tế sản xuất trong nước; giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc; số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm; phiếu tiếp nhận hồ sơ công bố; giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc; giấy chứng nhận lưu hành đối với trang thiết bị y tế thuộc loại B, C, D.
Như vậy, trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện nay, không có văn bản nào quy định cho phép lực lượng chức năng cưỡng chế xét nghiệm và xâm phạm chỗ ở để cưỡng chế người đi xét nghiệm.
Trường hợp này, hình thức cưỡng chế của lực lượng chức năng là sai còn về những sai phạm cụ thể chúng ta sẽ xem xét sau khi có quyết định xử lý từ phía cơ quan có thẩm quyền của tình Bình Dương. Tuy nhiên, chúng tôi cũng không ủng hộ những hành vi chống đối, không thực hiện xét nghiệm theo yêu cầu của cán bộ y tế. Mỗi người dân cần có ý thức chấp hành các biện pháp phòng chống dịch bệnh của cơ quan chức năng, vì sức khỏe của bản thân và của cả cộng đồng.
Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu còn vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:
Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:
- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"
TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243
Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội
Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com