(CLO) Luật Phòng, chống tham nhũng mới quy định việc xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức kê khai tài sản, thu nhập không trung thực mà chưa có quy định vấn đề xử lý đối với tài sản, thu nhập không giải trình được nguồn gốc; ngăn chặn khi phát hiện tài sản có dấu hiệu tham nhũng bị tẩu tán.

Tẩu tán tài sản liên quan đến hành vi vi phạm pháp là rất lớn

Ngày 1/10, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai thực hiện Chỉ thị số 04-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản trong các vụ án về tham nhũng, kinh tế và các kết luận của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực. 

bat cap cua phap luat ve thu hoi tai san tham nhung hinh 1

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long chủ trì hội nghị.

Tại Hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận, đánh giá tình hình và bàn các giải pháp thực hiện hiệu quả công tác thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng kinh tế, phòng chống tiêu cực, tham nhũng và sai phạm trong các cơ quan thi hành án dân sự và kế hoạch cụ thể của Chương trình hành động của Tổng cục THADS về phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng, sai phạm trong hệ thống thi hành án dân sự; kết quả công tác thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế...

Bà Lê Thị Vân Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự hành chính (Bộ Tư pháp) cho biết, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 đã có nhiều sửa đổi, bổ sung nhằm tăng cường hiệu quả công tác phòng ngừa tham nhũng. Luật dành riêng một mục quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị. Để hướng dẫn thi hành Luật, ngày 30/10/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 130/NĐ-CP về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Tuy nhiên, quy định của Luật vẫn còn hạn chế. Đó là, Luật Phòng, chống tham nhũng mới quy định việc xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức kê khai tài sản, thu nhập không trung thực mà “chưa có quy định vấn đề xử lý đối với tài sản, thu nhập không giải trình được nguồn gốc; chưa quy định các biện pháp ngăn chặn khi phát hiện tài sản có dấu hiệu tham nhũng bị tẩu tán, chuyển dịch hay huỷ hoại; chưa quy định về trách nhiệm giải trình về tài sản của người thân trong gia đình người thuộc diện kê khai, công khai tài sản, thu nhập khi có cơ sở nghi ngờ họ giúp che dấu tài sản, thu nhập”

Theo bà Lê Thị Vân Anh, Luật Thanh tra hiện hành quy định việc áp dụng một trong các biện pháp như tạm giữ tiền, đồ vật sử dụng trái phép, phong toả tài khoản, kiểm kê tài sản đối tượng thanh tra… chỉ được thực hiện đối với tiền hoặc tài sản liên quan đến nội dung thanh tra (tiền, tài sản trong phạm vi thanh tra).

Trường hợp phát hiện tiền, tài sản có liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật nhưng không thuộc phạm vi thanh tra thì người có thẩm quyền trong hoạt động thanh tra cũng không được áp dụng một trong các biện pháp trên. Như vậy, khả năng đối tượng bị thanh tra tẩu tán tài sản liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật trong thời gian chưa có quyết định thanh tra khác để mở rộng phạm vi thanh tra là rất lớn.

Chỉ thị 04, cú hích cho các cơ quan thực thi nhiệm vụ

Chỉ thị 04-CT/TW của Ban Bí thư vừa ban hành cũng nêu rõ, trong quá trình thanh tra, kiểm tra, điều tra, phải có ngay biện pháp ngăn chặn tẩu tán, thu hồi luôn tài sản thất thoát, tham nhũng. Về vấn đề này, trước đó trao đổi với báo chí Tiến sĩ Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ cho biết. Thời gian gần đây, chúng ta quan tâm nhiều hơn tới thu hồi tài sản. Trước đây, tài sản tham nhũng là tài sản của người tham nhũng, nếu chuyển cho người khác thì rất khó thu hồi.

bat cap cua phap luat ve thu hoi tai san tham nhung hinh 2

Tiến sĩ Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ.

Nhưng bây giờ, nếu chứng minh được quá trình hình thành tài sản đó do nguồn gốc tham nhũng mà có, dù mang tên người khác vẫn có thể thu hồi. Đó là một sự thay đổi rất quan trọng. Trước đây có chuyện “hy sinh đời bố, củng cố đời con”, chết là hết. Còn bây giờ không có chuyện đó. Người mất nhưng tài sản từ tham nhũng đi đâu vẫn làm được tiếp.

Tham nhũng không có mục đích gì khác là chiếm đoạt tài sản, tiền bạc, cho nên mục tiêu của đấu tranh chống tham nhũng chính là bảo vệ, thu hồi được tài sản của Nhà nước, nhân dân bị chiếm đoạt. Những vụ án gây thất thoát hoặc bị chiếm đoạt lên đến hàng chục ngìn tỷ đồng, trong khi nguồn lực đất nước còn hạn hẹp, mới thấy hết được ý nghĩa và yêu cầu của việc thu hồi tài sản bức bách như thế nào. 

Chỉ thị của Ban Bí thư coi thu hồi tài sản là “nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên trong công tác phòng chống tham nhũng”. Đây là một tư tưởng xuyên suốt và được coi trọng trong thời gian gần đây. Chỉ thị 04-CT/TW của Ban Bí thư thể hiện một cách mạnh mẽ, rõ ràng như một cú hích lớn để cho các cơ quan thực thi nhiệm vụ làm tốt hơn, thậm chí xem lại cơ chế chính sách còn vướng mắc để tiếp tục sửa chữa, bổ sung tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc thu hồi tài sản.

Tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng vẫn còn thấp

Trên thực tế, việc thu hồi tài sản thất thoát, bị chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế luôn được chú trọng, được coi là một trong những tiêu chí để đánh giá hiệu quả của công tác phòng chống tham nhũng.

bat cap cua phap luat ve thu hoi tai san tham nhung hinh 3

Thu hồi tài sản trong các vụ án Trịnh Xuân Thanh còn thấp, chỉ bằng 1/4 số tiền mà bị cáo bắt buộc phải bồi thường.

Thời gian qua, chúng ta đã có rất nhiều cố gắng, tỷ lệ thu hồi tài sản đã tăng lên, tuy nhiên, so với yêu cầu, vẫn chưa đạt, tỷ lệ thu hồi số tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt vẫn còn khá thấp. Điển hình như vụ án Trịnh Xuân Thanh, tổng số tiền bị cáo này phải bồi thường là 122 tỷ đồng tuy nhiên chỉ thu hồi được 31 tỷ đồng, tức là bằng 1/4. Trong trường hợp này, bất cập về mặt luật pháp là các cơ quan tố tụng chỉ có thể áp dụng biện pháp phong tỏa, kê biên tài sản sau khi có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, nên tài sản đã bị người vi phạm tẩu tán, chuyển qua cho công ty sân sau ngay khi quá trình tố tụng vẫn đang diễn ra.

Trong vụ án kinh tế Hứa Thị Phấn, hơn 50 quyền sử dụng đất, ước tính giá trị hàng nghìn tỷ đồng mà Tòa tuyên kê biên, nay đều đã hết hạn sử dụng. Theo luật, chỉ khi bà Phấn làm thủ tục gia hạn, cơ quan thi hành án mới có thể bán đấu giá để hoàn tiền về cho Nhà nước.

Không chỉ thiếu thống nhất, thiếu liên thông trong hệ thống pháp luật, mà việc thiếu những quy định đủ mạnh trong quản lý, đăng ký tài sản hay xử lý tài sản không rõ nguồn gốc cũng khiến khả năng truy thu tài sản bất minh của người phạm tội rất khó khăn.

Đơn cử như hiện pháp luật hình sự chưa quy định là bị can, bị cáo phải tự chứng minh tài sản đấy là tài sản hợp pháp hay không hợp pháp. Trách nhiệm đó vẫn thuộc về cơ quan điều tra. Thậm chí, trong trường hợp cơ quan điều tra không chứng minh được đấy là tài sản bất hợp pháp thì cũng chưa có chế tài để thu hồi.

Thu hồi tài sản có nguồn gốc phi pháp cất giấu ở nước ngoài còn khó hơn nữa. Đơn cử như với vụ án tham ô của Dương Trí Dũng xảy ra tại Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), đến nay vẫn chưa thể thu hồi 4,3 triệu USD phi pháp dù đã đề nghị một quốc gia khác hỗ trợ tư pháp.

Từ những dẫn chứng ở trên đây có thể thấy, giải quyết căn bản tình trạng thu hồi tài sản tham nhũng  vẫn là bài toán khó tồn tại lâu nay. Vì vậy, một trong những nội dung nổi bật được đề cập trong Chỉ thị 04 của Ban Bí thư là việc hoàn thiện hành lang pháp luật, đảm bảo hiệu quả trong thu hồi tài sản bất minh do tham nhũng mà có.

Theo https://congluan.vn/bat-cap-cua-phap-luat-ve-thu-hoi-tai-san-tham-nhung-post159101.html

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer