Trong năm 2019, 2020, Bộ Công Thương tiếp tục là Bộ tiên phong hoàn thành việc cắt giảm điều kiện kinh doanh cho giai đoạn này với việc trình Chính phủ ban hành Nghị định số 17/2020/NĐ-CP, theo đó cắt giảm, đơn giản hóa 205 điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương. Hình minh họa. Nguồn: nguoiduatin. Tải nội dung Nghị định 17/2020/NĐ-CP tại: https://www.saovietlaw.com/nghi-dinh/nghi-dinh-17-2020-nd-cp-/ Bước sang năm 2020, được xác định là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, ngay từ đầu năm, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký ban hành chỉ thị số 03/CT-BCT ngày 17 tháng 01 năm 2020 về việc tiếp tục rà soát để cắt giảm, đơn giản hoá các thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh và cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp và người dân. Bộ trưởng Bộ Công Thương và các lãnh đạo Bộ đã nhiều lần khẳng định việc tiếp tục cải cách mạnh mẽ về thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh luôn được Bộ quan tâm, được thực hiện một cách triệt để, khách quan, công tâm nhất, không phải vì lợi ích của Bộ Công Thương, ngành Công Thương mà là vì doanh nghiệp và tiến tới mục đích xa hơn là vì xã hội, đại bộ phận dân chúng. Qua các đợt cắt giảm, đơn giản hoá điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính đã cho thấy thay đổi mang tính lịch sử của ngành Công Thương. Đặc biệt là sự thay đổi về mặt tư duy đổi mới cũng như quyết tâm cải cách vì lợi ích của quốc gia, cộng đồng doanh nghiệp của lãnh đạo Bộ Công Thương. Với 446 thủ tục hành chính hiện có, Bộ Công Thương cũng đã phân cấp cho các địa phương thực hiện 152 thủ tục (132 thủ tục hành chính thực hiện ở cấp tỉnh; 18 thủ tục hành chính thực hiện ở cấp huyện; 2 thủ tục hành chính thực hiện ở cấp xã). Trên thực tế, sau khi các điều kiện kinh doanh được cắt giảm, thủ tục hành chính được đơn giản hoá đã tạo được môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng cho tất cả các thành phần kinh tế tại Việt Nam. Trong số các điều kiện kinh doanh được cắt giảm, đơn giản hóa trong thời gian vừa qua, nhiều điều kiện kinh doanh được cắt giảm có tác động tích cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, được đánh giá cao như trong lĩnh vực điện, ô tô, kinh doanh xăng dầu, kinh doanh gas, an toàn thực phẩm… Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đẩy mạnh thực hiện việc áp dụng Chính phủ điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý điều hành, thực hiện nhiệm vụ để thuận lợi hoá cho doanh nghiệp. Để cải thiện môi trường kinh doanh hơn nữa, trong thời gian tới Bộ Công Thương vẫn tiếp tục tiến trình cải cách của mình theo sự chỉ đạo của Chính phủ, không vì lợi ích riêng mang tính cục bộ mà vì quyền lợi của doanh nghiệp, cộng đồng xã hội và quốc gia.