(CLO Những yếu kém, sai phạm chủ yếu xảy ra ở một số công ty thẩm định giá, một số thẩm định viên, không mang tính đại diện cho ngành, nhưng lại là những sai phạm mang tính “điển hình” khá nhức nhối trong dư luận xã hội.
Năm 2020, Việt Nam có 409 công ty thẩm định giá, 1723 thẩm định viên về giá hành nghề, phát hành khoảng 151,548 chứng thư thẩm định giá tài sản (riêng năm 2020), đánh giá khách quan, thẩm định giá đã mang lại nhiều kết quả tích cực cho hoạt động của nền kinh tế, của sản xuất và tiêu dùng.
Tuy nhiên hoạt động này cũng đã bộc lộ những yếu kém, xảy ra những sai phạm.
Một số đối tượng trong các vụ án gây thất thoát ngân sách nhà nước thời gian qua gây bức xúc dư luận
Sai phạm mang tính “điển hình” khá nhức nhối
Thời gian qua Cơ quan Cảnh sát điều tra liên tục khởi tố các vụ án hình sự về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Sở GD&ĐT tỉnh Điện Biên, Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa, Sở Y tế Cần Thơ, vụ án nâng khống giá cây xanh tại Hà Nội, vụ CDC Hà Nội...
Gần đây là vụ án gây bức xúc dư luận nâng khống giá cây xanh tại Hà Nội, cùng với nhiều bị can khác, Nguyễn Thị Ngọc Lâm, nguyên thẩm định viên Công ty cổ phần định giá và dịch vụ tài chính Việt Nam đã bị khởi tố bắt tạm giam
Cơ quan điều tra xác định có việc nâng khống giá cây khi ký văn bản đề nghị thẩm định, cán bộ Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị Sở Xây dựng Hà Nội thông đồng, câu kết với thẩm định viên đơn vị thẩm định giá ban hành chứng thư hợp thức; thông đồng với các đơn vị cung cấp cây xanh lập khống hợp đồng mua bán, hóa đơn giá trị gia tăng đưa vào hồ sơ quyết toán để rút tiền trái quy định, gây thiệt hại tài sản nhà nước hàng chục tỷ đồng.
Hay trước đó là bê bối tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội liên quan đến các gói thầu mua sắm thiết bị y tế trong phòng chống dịch COVID-19.
Cụ thể, CDC Hà Nội đã thông đồng, móc ngoặc với bên trúng thầu nâng khống giá mua vào hệ thống máy xét nghiệm Realtime PCR tự động phát hiện COVID-19 của hãng Qiagen (Đức) với giá trên 7 tỷ đồng. Trong khi giá nhập máy về Việt Nam chỉ có khoảng 2,3 tỷ đồng, tức chênh lệch với giá thực gấp 3 lần.
Được biết, CDC Hà Nội đã căn cứ vào mức giá đề xuất của Công ty Cổ phần định giá và bán đấu giá tài sản Nhân Thành để mua hệ thống Realtime PCR với giá trên 7 tỷ đồng. Sau khi Toà án Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội xét xử, ông Nguyễn Trần Duy, Tổng giám đốc Công ty Nhân Thành bị tuyên y án phạt 6 năm tù. Bộ Tài Chính cũng đã có quyết định thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá của công ty này.
Hay các vụ án khác tại Sở GD&ĐT tỉnh Điện Biên, Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa, có 2 bị can Nguyễn Quốc Việt (Thẩm định viên Công ty BTCVALUE) và Hồ Thị Sáu (Giám đốc khối thẩm định III, Công ty BTCVALUE) bị khởi tố về hành vi "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”...
Nói về những yếu kém, sai phạm của các công ty thẩm định giá, thẩm định viên, trao đổi với Nhà báo và Công luận, ông Nguyễn Tiến Thỏa - Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính cho rằng: Những yếu kém, sai phạm chủ yếu xảy ra ở một số công ty, ở một số thẩm định viên, không mang tính đại diện cho ngành, nhưng lại là những sai phạm mang tính “điển hình” khá nhức nhối trong dư luận xã hội.
Về nguyên nhân của các sai phạm ông Nguyễn Tiến Thỏa cho rằng: Nguyên nhân khách quan là hệ thống pháp luật về thẩm định giá còn chưa đồng bộ, hoàn chỉnh, thông tin thị trường thiếu minh bạch, khách hàng thẩm định giá cung cấp thông tin về tài sản thiếu trung thực có ý đồ tư lợi…
Nhưng quan trọng là nguyên nhân chủ quan, khi năng lực của thẩm định viên yếu, không tuân thủ đầy đủ các tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam, cạnh tranh không lành mạnh, vi phạm đạo đức nghề nghiệp.
Cũng theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, hậu quả những sai phạm trên không chỉ gây thiệt hại đến lợi ích của chính công ty, đến uy tín thương hiệu của công ty làm ăn tốt, của ngành nghề, mà còn tạo điều kiện cho khách hàng có tài sản thẩm định có cơ hội lợi dụng tham nhũng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đồng thời làm thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam. Ảnh: Dân Việt
Hoàn thiện quản lý nhà nước về thẩm định giá
Nói về giải pháp đưa ra trước tình trạng trên, ông Nguyễn Tiến Thỏa cho biết: Giải pháp có tính chất tổng thể bao trùm để thực hiện cho đến năm 2030 mà Bộ Tài Chính đặt ra là phải “hoàn thiện quản lý nhà nước về thẩm định giá”.
Trong đó, Hoàn thiện các cơ chế chính sách và văn bản pháp luật về thẩm định giá, tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam, quy định các điều kiện chặt chẽ về đạo đức nghề nghiệp, năng lực chuyên môn của các thẩm định viên về giá. Quy định về năng lực các tiêu chí, về chất lượng cung cấp dịch vụ thẩm định giá mà các doanh nghiệp thẩm định giá phải đáp ứng, minh bạch về thông tin thị trường…
"Giải pháp thường xuyên là tăng cường hơn việc kiểm tra về điều kiện hành nghề, chất lượng hoạt động thẩm định giá, việc tuân thủ các tiêu chuẩn thẩm đinh giá Việt Nam của các doanh nghiệp thẩm định giá.
Đối với thẩm định viên về giá, bắt buộc phải tuân thủ các tiêu chuẩn đạo đức hành nghề, cập nhật kiến thức về thẩm định giá hàng năm", Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam cho biết.
Cũng theo Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, pháp luật về thẩm định giá hiện nay đã có quy định các chế tài khá nghiêm khắc đối với những vi phạm về thẩm định giá, như phạt vi phạm hành chính, đình chỉ kinh doanh dịch vụ thẩm định giá, thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá…Căn cứ vào đó, Bộ Tài chính đã thường xuyên kiểm tra phát hiện những sai phạm và xử lý thích đáng những sai phạm để chấn chỉnh hoạt động thẩm định giá, tuân thủ các quy định của pháp luật.
"Để quản lý hoạt động thẩm định giá có hiệu quả hơn, Bộ Tài Chính đang đánh giá kết quả hoạt động thẩm định giá để có những sửa đổi bổ sung cho phù hợp, trong đó sẽ sửa đổi bổ sung theo hướng “mở rộng” và “năng cấp” thêm các quy định về về các chế tài hiện hành", Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam cho biết thêm.
Theo https://congluan.vn/boc-lo-nhieu-sai-pham-tham-dinh-gia-mang-tinh-dien-hinh-nhuc-nhoi-du-luan-post159084.html