(THPL) - Trước nhu cầu tự test nhanh COVID-19 của người dân tăng cao, kit test xét nghiệm được bán với giá tăng đột biến. Để đảm bảo quyền lợi, sức khỏe của người tiêu dùng, các địa phương đều đồng loạt tăng cường kiểm tra, kiểm soát mặt hàng kit test COVID-19.
Cụ thể, thời gian gần đây, trên thị trường Hà Nội có hiện tượng tăng giá một số vật tư, trang thiết bị y tế, bộ test kháng nguyên COVID-19, máy đo nồng độ oxy trong máu SpO2...; lưu thông, kinh doanh thuốc hỗ trợ, điều trị COVID-19 chưa được phép lưu hành; hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc để trục lợi, gây bức xúc trong dư luận và ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
Trước tình trạng trên, UBND thành phố Hà Nội đã yêu cầu Giám đốc, Thủ trưởng các đơn vị: Cục Quản lý thị trường thành phố, các sở: Y tế, Tài chính, Công Thương; Công an thành phố; Cục Thuế thành phố Hà Nội và UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo triển khai ngay công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các vi phạm về giấy phép, việc đầu cơ, tăng giá, kinh doanh hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, nhãn mác đối với các mặt hàng vật tư, trang thiết bị y tế, bộ test kháng nguyên COVID-19, máy đo nồng độ oxy trong máu SpO2; lưu thông, kinh doanh thuốc hỗ trợ, điều trị COVID-19 chưa được phép lưu hành theo quy định của pháp luật.
Theo báo Sức khỏe và Đời sống, tại Quảng Ninh, trên địa bàn TP Hạ Long, nhiều nhà thuốc đã treo biển "hết kit test nhanh COVID-19". Lý giải về nguyên nhân hết hàng, các nhà thuốc đều khẳng định là do nguồn nhập hàng không đáp ứng kịp nhu cầu khách hàng.
Theo thống kê của Cục QLTT tỉnh Quảng Ninh, từ ngày 21/2/2022 tới thời điểm hiện tại, qua công tác kiểm tra các cửa hàng kinh doanh của các Đội QLTT tại các địa phương, vẫn chưa phát hiện tình trạng nguồn hàng kit test nhanh nhập lậu, đầu cơ và giá cả thị trường ổn định, không có hiện tượng giá tăng đột biến.
Trước đó, vào ngày 19/1/2022, Đội QLTT số 3, phối hợp với Đội CSGT số 2, Công an tỉnh kiểm tra xe ô tô chở hàng do ông Hoàng Thế Hưng, địa chỉ tại Tiên Lữ - Hưng Yên, phát hiện tạm giữ 2.500 bộ kit nhanh COVID-19 (ước tính 125 triệu đồng) mang nhãn hiệu nước ngoài không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không có hóa đơn, chứng từ hợp lệ. Theo lời khai của chủ lô hàng, các sản phẩm được cá nhân này thu mua tại các điểm trôi nổi để bán kiếm lời nên không có giấy tờ chứng minh hợp lệ. Vụ việc đã được Đội QLTT số 3 xử lý theo quy định.
Vừa qua, Cục QLTT Lạng Sơn phối hợp với phòng Cảnh sát Môi trường (PC 05) tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh hàng gia dụng của bà Nguyễn Thị Ngân có địa chỉ kinh doanh tại Khu N20 tổ 1 khối 6 thị trấn Cao Lộc, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn..
Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn Kiểm tra phát hiện hộ kinh doanh Nguyễn Thị Ngân đang bày bán 260 bộ kiểm tra kháng nguyên SARS-CoV-2 (bộ kit test nhanh COVID-19 loại ngậm miệng, hấp thụ nước bọt) sản xuất ngoài Việt Nam (trên bao bì sản phẩm in chữ nước ngoài, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam).
Đại diện hộ kinh doanh Nguyễn Thị Ngân không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc nhập khẩu hợp pháp và các giấy tờ có liên quan đến lô hàng hóa trên. Đội QLTT số 6 đã ban hành quyết định tạm giữ tang vật để xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Tại Đà Nẵng, sau Tết Nguyên đán Nhâm dần 2022, tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn TP vẫn còn diễn biến phức tạp, kéo theo đó cho nhu cầu của người dân đối với bộ xét nghiệm nhanh virus SARS-CoV-2 tăng cao.
Cục Quản lý thị trường thành phố Đà Nẵng đã tăng cường lực lượng giám sát thị trường, tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho các cá nhân, tổ chức, cửa hàng kinh doanh hàng hóa là thiết bị y tế, sản phẩm bộ xét nghiệm nhanh SARS-CoV-2 thông qua hình thức ký cam kết chấp hành các quy định của pháp luật về giá hàng hóa.
Theo báo Chính phủ, trước đó liên quan đến giá kit test, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, Bộ Y tế đã có các văn bản chỉ đạo các đơn vị, địa phương mua sắm sinh phẩm xét nghiệm theo đúng quy định hiện hành và xử lý vi phạm nghiêm các hành vi lợi dụng đấu thầu, mua sắm để tham nhũng, hưởng lợi. Đối với quản lý giá các loại sinh phẩm xét nghiệm, Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị công khai giá trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế.
Bộ Y tế cũng đã chủ động triển khai các giải pháp nhằm tăng nguồn cung kit test xét nghiệm. Theo đó, Bộ Y tế chủ động liên hệ hoặc thông qua kênh ngoại giao để họp, trao đổi, đàm phán trực tuyến với các nhà sản xuất kit test có uy tín trên thế giới để có thể mua lại với số lượng lớn và giá thấp nhất có thể.
Bộ Y tế cũng yêu cầu các đơn vị sản xuất, phân phối, nhập khẩu và kinh doanh kit test xét nghiệm thực hiện công khai giá, cập nhật giá để các đơn vị và người dân dễ dàng tra cứu. Bộ cũng đã và đang thực hiện tăng cường công tác hậu kiểm, thanh tra để phát hiện các trường hợp vi phạm, trục lợi ảnh hưởng xấu đến công tác phòng, chống dịch bệnh.
Thời gian vừa qua, Bộ Y tế cũng đã thành lập các đoàn kiểm tra về công tác mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Theo https://thuonghieuvaphapluat.vn/cac-dia-phuong-dong-loat-kiem-tra-mat-hang-kit-test-covid-19-d51024.html