(CLO) Hàng loạt vi phạm của các doanh nghiệp đua nhau “bức tử” hồ Đại Lải có trách nhiệm của các cơ quan liên quan, đặc biệt là trách nhiệm của ông Vũ Chí Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc khi ký Quyết định số 41/QĐ-UBND đã “tiếp tay” cho doanh nghiệp ngang nhiên lấp hồ, vi phạm Luật Thủy lợi.
Cái kim trong bọc lâu ngày lòi ra!
Mới đây, sự việc hàng loạt doanh nghiệp đua nhau “bức tử” hồ Đại Lải (xã Ngọc Thanh, TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) một cách không thương tiếc khi dùng máy móc, đất đá lấp hồ để xây dựng biệt thự, làm sân golf, resort nghỉ dưỡng… được báo chí phanh phui đã khiến dư luận vô cùng bức xúc.
Ngày 14/7/2020, Văn phòng Chính phủ đã phát đi công văn số 5740/VPCP-NN chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi UBND tỉnh Vĩnh Phúc về việc kiểm tra, xử lý thông tin báo chí phản ánh liên quan đến những vi phạm tại hồ Đại Lải. Các cơ quan như Bộ Công an, Bộ TN&MT cũng đã nhanh chóng vào cuộc.
Nhưng trên thực tế, việc hàng loạt doanh nghiệp như: Công ty TNHH Đại Lải Việt Nam, Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và thương mại Nhật Hằng, Công ty TNHH Đạt Tiến đã san nền, đo đất, xây tường kè, đắp đường ngăn hồ... trong phạm vi bảo vệ hồ chứa nước Đại Lải đã diễn ra từ suốt nhiều năm qua.
Có thể nói đây là “giọt nước tràn ly”, như “cái kim trong bọc lâu ngày lòi ra” khiến dư luận bức xúc nhưng người dân Ngọc Thanh thì đã dần quen trong thời gian dài bởi việc đào núi, lấp hồ người dân biết, chính quyền địa phương biết nhưng chỉ có UBND tỉnh Vĩnh Phúc là không biết?
Theo điều tra của phóng viên, vào năm 2010, Xí nghiệp thủy lợi Phúc Yên (thuộc Công ty TNHH Thủy lợi Phúc Yên) đã nhiều lần kiểm tra phát hiện việc doanh nghiệp san lấp lòng hồ Đại Lải trái phép.
Việc doanh nghiệp lấp hồ Đại Lải bằng đất đá đã diễn ra suốt một thời gian dài nhưng không bị xử lý.
Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và thương mại Nhật Hằng thể hiện sự coi thường pháp luật khi có hành vi vi phạm, cụ thể: ngày 11/9/2015, đổ đất lấp lòng hồ tạo thành một vùng hồ nước nhỏ nằm trong hồ Đại Lải khoảng 4,2ha, làm đường nối các đảo với nhau ngăn hồ.
Tiếp đó, đến ngày 30/11/2015, Công cổ phần đầu tư xây dựng và thương mại Nhật Hằng tiếp tục đổ đất lấn ra mép hồ xây dựng khu nhà nghỉ trong phạm vi lòng hồ chiều dài khoảng 100m lấn ra khoảng 30m.
Công ty TNHH Đạt Tiến năm 2015 đã có hành vi: đổ đất lấn chiếm lòng hồ Đại Lải tại khu vực Đảo Ngọc để xây nhà trái phép.
Đảo Ngọc bị san lấp, xẻ thịt xây dựng trái phép một cách không thương tiếc.
Công ty TNHH Đại Lải Việt Nam (sân golf) đã: đổ đất lấn chiếm lòng suối Đồng Đằm chiều dài khoảng 1000m, đổ san đất theo chiều dài phía công ty Nhật Hằng chiều dài khoảng 470m lấn ra mép hồ khoảng 50-60m.
Hàng chục biên bản đã được các đơn vị liên quan của Công ty Thủy lợi Phúc Yên lập, báo cáo cơ quan chức năng thể hiện rõ “bộ mặt” vi phạm của các doanh nghiệp nêu trên. Nhưng theo một cán bộ của Công ty Thủy lợi Phúc Yên cho biết, hầu hết các doanh nghiệp vi phạm không hợp tác để cơ quan này vào kiểm tra, có thái độ chống đối, lập chốt chặn tổ công tác, không ký biên bản, đưa bảo vệ ra đuổi cán bộ kiểm tra.
Qua những hình ảnh phóng viên được một số cán bộ Công ty Thủy lợi Phúc Yên cung cấp có thể thấy mức độ vi phạm của các doanh nghiệp là vô cùng nghiêm trọng khi lấp hồ, xây biệt thự, xây khu nghỉ dưỡng… biểu hiện rõ sự coi thường pháp luật.
Tuy nhiên, đã 10 năm trôi qua, những vi phạm của doanh nghiệp cứ mỗi ngày một “phình to” mà không được xử lý dứt điểm. Dư luận hoài nghi có sự “tiếp tay” của chính quyền địa phương, cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Phúc như Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường…?
Hàng loạt biên bản được lập thể hiện sự coi thường pháp luật của các doanh nghiệp khi ngang nhiên bức tử hồ Đại Lải.
Ông Vũ Chí Giang “sửa sai” Quyết định số 41/QĐ-UBND
Trước đó, Tổng Cục Thủy lợi đã chỉ rõ vi phạm của các doanh nghiệp tại Kết luận số 253/KL-TCTL-PCTTr về các hoạt động trong phạm vi bảo vệ hồ chứa nước Đại Lải.
Đặc biệt, là những vi phạm tại Quyết định 41/QĐ-UBND ngày 5/1/2017 về việc phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu nhà ở sinh thái và biệt thự nghỉ dưỡng Đại Lải cho Công ty TNHH Đại Lải Việt Nam. Quyết định do ông Vũ Chí Giang – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc ký.
Theo Quyết định 41, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã cho phép Công ty TNHH Đại Lải Việt Nam đổ đất san lấp tới lòng hồ Đại Lải. Doanh nghiệp này đã đổ đất san lấp tới cốt nền thấp nhất là 17,65m.
Mới đây, ông Vũ Chí Giang – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ký ban hành Quyết định số 1959/QĐ-UBND ngày 5/8/2020 về việc “đính chính” Quyết định số 41 ngày 5/1/2017 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc về việc phê duyệt chi tiết tỷ lệ 1/500 khu nhà ở sinh thái và biệt thự nghỉ dưỡng Đại Lải.
Điều 1 của Quyết định nêu rõ: “Đính chính thông số thiết kế cao độ san nền trong quyết định số 41/QĐ-UBND ngày 5/1/2017 của UBND tỉnh về việc phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu nhà ở sinh thái và biệt thự nghỉ dưỡng Đại Lải tại xã Ngọc Thanh”.
Quyết định 41 tại Điều 1, khoản 5, điểm 5.4, mục thứ nhất ghi: “San nền: Đảm bảo nguyên tắc san nền cục bộ đối với từng khu đất nhằm giữ nguyên địa hình tự nhiên, hạn chế tối đa khối lượng thi công do đào đắp san nền, đồng thời có giải pháp kè chắn đất, gia cố mái dốc. Thiết kế san nền thấp nhất 17,65m tại khu vực phía Tây Nam, giáp hồ Đải Lại; cao nhất 68,90m tại khu vực đồi núi phía Đông Bắc; hướng dốc về phía Tây và phía Tây Nam khu vực lập quy hoạch để thoát ra hồ Đại Lải”.
Quyết định số 1959/QĐ-UBND đính chính thành: “San nền…thiết kế san nền thấp nhất 21,59m tại khu vực phía Tây, giáp hồ Đại Lải…”.
Được biết, quyết định đính chính trên đưa ra căn cứ theo đề nghị của Sở Xây dựng và biên bản làm việc giữa UBND tỉnh với các Sở Xây dựng và Sở NN&PTNT ngày 4/8/2020.
Quyết định số 1959/QĐ-UBND do ông Vũ Chí Giang ký đã thừa nhận: “Do sơ xuất trong quá trình thẩm định và soạn thảo văn bản nên cơ quan thẩm định đã trình vị trí có cốt san nền 17,65m”.
Cụ thể: Trong hồ sơ quy hoạch đã được duyệt tại Quyết định số 41 của tỉnh có duy nhất một điểm khống chế tại khu đất có ký hiệu OBT57 thể hiện cao độ san nền thấp nhất 17,65m. Tuy nhiên, theo quy hoạch chi tiết 1/2000 (năm 2010) và quy hoạch 1/500 (năm 2012) đã xác định vị trí này có cao độ thấp nhất là 21,5m. Tuy nhiên do sơ suất trong trong quá trình thẩm định và soạn thảo văn bản nên cơ quan thẩm định đã trình vị trí này có cốt san nền 17,65m.
Quyết định mang tính chất sửa sai do ông Vũ Chí Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc ký ban hành.
Như vậy, sau 4 năm, ông Vũ Chí Giang ký Quyết định 41 quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 cho phép Công ty TNHH Đại Lải Việt Nam thực hiện dự án Khu nhà ở sinh thái và biệt thự nghỉ dưỡng, tới nay chính ông Giang ký quyết định đính chính.
Để ban hành được Quyết định 41/QĐ-UBND vào 4 năm trước đã trải qua nhiều cơ quan, ban ngành thẩm định hồ sơ, hiện trạng; đặc biệt là trách nhiệm của Sở NN&PTNT, Sở Xây Dựng tỉnh Vĩnh Phúc… Tuy nhiên, bằng sự “cẩu thả”, các đơn vị liên quan đã tham mưu cho ông Vũ Chí Giang ký Quyết định 41 để doanh nghiệp coi như “lá bùa” ngang nhiên lấp hồ Đại Lải trái phép, vi phạm Luật Thủy lợi.
Nhưng qua đây, dư luận, báo chí cũng mong muốn UBND tỉnh Vĩnh Phúc cần làm rõ trách nhiệm của ông Vũ Chí Giang – Phó Chủ tịch UBND tỉnh với trách nhiệm người trực tiếp ký Quyết định 41 - như "tiếp tay" cho sai phạm.
Liên quan đến sự việc trên, phóng viên đã đặt lịch làm việc với UBND tỉnh Vĩnh Phúc. Sau đó, nội dung làm việc được giao cho Thanh tra tỉnh này chủ trì, trả lời; tuy nhiên, cơ quan này liên tục “viện cớ” từ chối làm việc, đổ trách nhiệm cho Sở NN&PTNT trong việc thực hiện theo chỉ đạo xử lý, khắc phục vi phạm tại hồ Đại Lải.
Nhà báo và Công luận sẽ tiếp tục thông tin.
Quốc Trần
Theo https://congluan.vn/can-lam-ro-trach-nhiem-cua-ong-vu-chi-giang--pho-chu-tich-ubnd-tinh-vinh-phuc-post92847.html