(CLO) Đơn vị phân phối là Công ty CP Thịnh Tâm Đường và Công ty TNHH Dakami Cosmetic, quảng cáo bán sản phẩm đã khiến không ít người tiêu dùng hiểu nhầm Kem Dakami là một loại thuốc có thể điều trị bệnh.
Cần xử lý nghiêm việc quảng cáo “thổi phồng” công dụng của mỹ phẩm Dakami? Quảng cáo sản phẩm Dakimi như thuốc chữa bệnh
Như đã thông tin trong bài viết "Công ty CP Thịnh Tâm Đường “thần thánh hoá” sản phẩm Dakami, lừa dối người tiêu dùng?", theo đó kem Dakami chỉ là sản phẩm mỹ phẩm nhưng Công ty CP Thịnh Tâm Đường lại quảng cáo gây hiểu lầm là thuốc chữa bệnh, có dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo mỹ phẩm.
Tiếp tục tìm hiểu tại website https://dakamicosmetic.com/, https://www.dakami-cosmetic.com/ hay trang Facebook "Dakami Cosmetic"... được giới thiệu của Công ty TNHH Dakami Cosmetic (227 Hoàng Văn Thái, Khương Trung, Thanh Xuân, Hà Nội), đơn vị phân phối độc quyền của sản phẩm Dakami.
Đơn vị phân phối tiếp tục quảng cáo sản phẩm mỹ phẩm Dakami như một loại "thần dược". Như, Dakami dẫn đầu công nghệ làm đẹp, Trojan Q10 là công nghệ định vị kép dual target cell, tác động lên cả ti thể được ví như công xưởng sản xuất năng lượng cho tế bào, giúp sản sinh những tế bào mới nhiều hơn, giúp da căng bóng và đàn hồi; mệnh danh là "thần dược" cho làn da không tuổi, với công dụng đặc trị xóa nhăn da, năng cơ, trẻ hóa da...
Hình ảnh người nổi tiếng tiếp tục được đơn vị này sử dụng để quảng cáo về sản phẩm Dakami, như ca sĩ Cẩm Ly, ca sĩ Đan Trường, MC Cát Tường,...
Hình ảnh ca sĩ Cẩm Ly cầm trên tay sản phẩm Dakami và cho biết: "Đây là kem trẻ hóa, xóa nhăn da Dakami, với công dụng đặc trị xóa nhăn da, xóa bọng mắt, nâng cơ, trẻ hóa da, săn chắc từ sâu bên trong, giúp làn da khỏe mạnh và trắng bóng..."
Hay hình ảnh ca sĩ Đan Trường với lời giới thiệu khẳng định chắc nịch: "Dakami đặc trị dành cho da bị nhăn nhiều..."
Với những quảng cáo nêu trên, đơn vị phân phối là Công ty CP Thịnh Tâm Đường và Công ty TNHH Dakami Cosmetic, bán sản phẩm đã khiến không ít người tiêu dùng hiểu nhầm Kem Dakami là một loại thuốc có thể điều trị bệnh. Tuy nhiên, trên thực tế sản phẩm này chỉ là mỹ phẩm.
Theo tìm hiểu được biết, trong nội dung quảng cáo mà thương hiệu Dakami đang thực hiện trên các website, fanpage thì Sở Y tế Hà Nội không cấp những nội dung như xoá nhăn, đặc trị, số 1… và các từ “trị” và “đặc trị” trên nguyên tắc không được dùng cho quảng cáo mỹ phẩm.
Việc sử dụng câu từ để quảng cáo phải đáp ứng Hướng dẫn của ASEAN về công bố tính năng của sản phẩm mỹ phẩm. Theo đó các sản phẩm chăm sóc da không được sử dụng những từ như xóa sẹo, trị mụn, trị nám, trị sắc tố... Các từ mang ý nghĩa chữa cho khỏi như “trị”, “điều trị”, “chữa trị” không được chấp nhận trong quảng cáo mỹ phẩm.
Liên quan đến nội dung trên phóng viên đã có thông tin tới Sở Y tế Hà Nội, một lãnh đạo đơn vị này cho biết sẽ kiểm tra và xử lý nghiêm.
Hay hình ảnh ca sĩ Đan Trường với lời giới thiệu khẳng định chắc nịch: "Dakami đặc trị dành cho da bị nhăn nhiều..."
Cần xử lý nghiêm!
Liên quan đến thực trạng quảng cáo bán hàng theo hình thức thương mại điện tử của các hãng thực phẩm chức năng, mỹ phẩm vi phạm nghiêm trọng về Luật Quảng cáo tràn lan, trong đó có Công ty CP Thịnh Tâm Đường, Công ty TNHH Dakami Cosmetic, Luật sư Nguyễn Thị Trâm, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết: Điều 8 Luật Quảng cáo 2012 quy định về hành vi bị cấm trong hoạt động quảng cáo như sau:
“…1. Quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; Về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố.”
Như vậy, dù là quảng cáo theo hình thức thương mại điện tử hay hình thức nào thì nếu quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn; Vi phạm các quy định về điều kiện quảng cáo; Vi phạm các quy định về quảng cáo trên các trang thông tin điện tử thì cá nhân/tổ chức vi phạm đều phải chịu chế tài theo quy định của pháp luật.
Căn cứ theo quy định tại Điều 51 Nghị định 158/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo, hành vi quảng cáo gian dối, sai công dụng sản phẩm có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng. Mức phạt hành vi nêu trên là mức phạt áp dụng với cá nhân. Đối với cùng một hành vi vi phạm, mức phạt tiền của tổ chức gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Ngoài ra cá nhân/ tổ chức vi phạm buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả như: Buộc tháo gỡ, tháo dỡ hoặc xóa quảng cáo hoặc buộc cải chính thông tin. Tùy theo tính chất và mức độ của hành vi, cá nhân/ tổ chức vi phạm có thể bị xem xét xử lý trách nhiệm hình sự với tội danh “Quảng cáo gian dối”. Người quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm tù về tội quảng cáo gian dối. Cụ thể như sau:
Điều 197. Tội “Quảng cáo gian dối”: 1. Người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm; 2. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”…
Hình ảnh người nổi tiếng được các đơn vị này sử dụng để quảng cáo về sản phẩm Dakami, như ca sĩ Cẩm Ly, ca sĩ Đan Trường, MC Cát Tường,...
Cũng theo Luật sư Nguyễn Thị Trâm, hiện nay tình trạng vi phạm quy định pháp luật về quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm rất phổ biến trên mạng xã hội. Để quảng cáo các sản phẩm trên, cá nhân/tổ chức phải thực hiện theo đúng quy định tại Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm.
Cá nhân vi phạm có thể bị phạt đến 70.000.000 đồng nếu vi phạm quy định về quảng cáo, thông tin về an toàn thực phẩm. Ngoài ra cá nhân vi phạm còn bị phạt bổ sung hoặc bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả (buộc thu hồi thực phẩm, buộc thu hồi, tháo gỡ hoặc xóa quảng cáo). Tùy vào tính chất, mức độ vi phạm, người vi phạm còn có thể bị xử lý về tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, với khung hình phạt lên đến 20 năm tù (trường hợp người dùng chết), hoặc tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo quy định tại Nghị định số 158/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo thì mức phạt đối với hành vi vi phạm các quy định về quảng cáo trên báo điện tử và trang thông tin điện tử là 2 – 5.000.000 đồng. Mức phạt này còn thấp và chưa đủ sức răn đe vì số tiền họ thu lợi bất chính từ hành vi vi phạm có thể lớn hơn gấp nhiều lần so với mức phạt như hiện nay. Do đó, rất nhiều cá nhân/tổ chức vi phạm sẵn sàng nộp phạt nếu như họ vi phạm.
Tuy nhiên, mới đây ngày 29/03/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo để thay thế Nghị định số 158/2013/NĐ-CP (có hiệu lực vào ngày 01/06/2021). Theo đó, mức phạt đối với hành vi vi phạm các quy định về quảng cáo trên báo điện tử và trang thông tin điện tử đã được nâng lên từ mức 2 – 5.000.000 đồng lên 5 – 10.000.000 đồng.
Như vậy, tại Nghị định 38/2021/NĐ-CP mức phạt đã được nâng lên, đồng thời đây cũng là một trong những cách thức để nâng cao tính răn đe của hình thức xử phạt tiền, hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật về quảng cáo; Phù hợp với tình trạng hiện nay khi quảng cáo bán hàng trên các trang mạng xã hội Facebook; Tiktok; Youtube ngày càng phổ biến và có nhiều biến tướng, gây hệ lụy xấu, tiêu cực trong xã hội.
Theo https://congluan.vn/can-xu-ly-nghiem-viec-quang-cao-thoi-phong-cong-dung-cua-my-pham-dakami-post140423.html