(THPL) - Trong bối cảnh công nghệ tài chính (fintech) phát triển mạnh mẽ, giao dịch thanh toán qua ngân hàng số, ví điện tử, ứng dụng ngân hàng ngày càng trở nên phổ biến. Tuy nhiên, song hành với sự tiện lợi là nguy cơ rình rập từ các đối tượng lừa đảo mạng, với thủ đoạn ngày càng tinh vi, có tổ chức và khó phát hiện...
Theo khuyến cáo mới nhất từ Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB), thời gian gần đây ghi nhận nhiều hình thức mạo danh ngân hàng nhằm chiếm đoạt tài sản người dùng. Các đối tượng thường đóng giả nhân viên ngân hàng, tiếp cận khách hàng qua các ứng dụng nhắn tin như Zalo, Messenger, mời gọi tham gia các chương trình ưu đãi như hoàn phí thường niên, tăng hạn mức thẻ tín dụng, hủy thẻ... Sau khi tạo được lòng tin, chúng yêu cầu người dùng cung cấp thông tin cá nhân, hình ảnh thẻ ngân hàng, mã OTP, hoặc truy cập đường link chứa mã độc.
Một chiêu thức đáng báo động khác là mạo danh hỗ trợ xác thực sinh trắc học, dụ dỗ người dùng gửi ảnh chân dung, giấy tờ tùy thân hoặc thực hiện cuộc gọi video để thu thập giọng nói, biểu cảm – những dữ liệu có thể bị lợi dụng để chiếm quyền truy cập tài khoản.
Không chỉ dừng lại ở việc mạo danh ngân hàng, các đối tượng còn giả dạng nhân viên các cơ quan nhà nước như Bộ Công an, Cục Thuế, gửi tin nhắn yêu cầu tải ứng dụng giả mạo chứa mã độc, từ đó kiểm soát thiết bị và phát sinh giao dịch không do người dùng thực hiện. Cũng có những trường hợp giả làm shipper, nhân viên sàn thương mại điện tử, gửi đường link thanh toán giả để đánh cắp thông tin tài chính.
Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) gần đây cũng phát đi cảnh báo về tình trạng lừa đảo mạo danh nhân viên ngân hàng để mời mở thẻ tín dụng. Các đối tượng yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân hoặc đề nghị chuyển tiền “nâng điểm tín dụng”, chiếm đoạt bằng cách liên kết thẻ với ví điện tử, hoặc sử dụng để mua hàng hóa giá trị cao.
Trước thực trạng này, các ngân hàng đồng loạt đưa ra khuyến cáo: người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin bảo mật (số thẻ, CVV, OTP, mật khẩu ứng dụng ngân hàng) cho bất kỳ ai; không truy cập các đường link lạ, không rõ nguồn gốc, không quét mã QR do người lạ gửi. Đồng thời, cần chủ động kiểm tra thông tin qua tổng đài chính thức của ngân hàng để xác minh.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, cơ quan này đã phối hợp với Bộ Công an và các bộ, ngành liên quan triển khai nhiều biện pháp phòng, chống tội phạm công nghệ cao trong thanh toán điện tử. Đáng chú ý, từ năm 2023, ngành ngân hàng đã đẩy mạnh xác thực sinh trắc học thông qua cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư, góp phần ngăn chặn các vụ giả mạo tài khoản.
Tính đến ngày 11/4/2025, hơn 108 triệu hồ sơ khách hàng cá nhân (chiếm 92% số tài khoản thanh toán cá nhân phát sinh giao dịch trên kênh số) và hơn 530.000 hồ sơ khách hàng tổ chức đã được đối chiếu dữ liệu sinh trắc học qua CCCD gắn chip hoặc ứng dụng VNeID. Bên cạnh đó, gần 21 triệu tài khoản ví điện tử đang hoạt động cũng đã thực hiện xác thực sinh trắc học, đạt hơn 73%.
Mặc dù công nghệ xác thực ngày càng hiện đại, theo ông Nguyễn Đức Lệnh – Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM, rủi ro vẫn phát sinh do chính sự bất cẩn của người dùng khi chia sẻ thông tin cá nhân. “Việc người dân để lộ dữ liệu, vô tình tiếp tay cho tội phạm là nguyên nhân chính khiến các vụ lừa đảo vẫn xảy ra”, ông Lệnh nhấn mạnh.
Trước tốc độ phát triển nhanh chóng của tội phạm công nghệ cao, việc bảo vệ bản thân không chỉ là trách nhiệm của ngân hàng hay các cơ quan chức năng, mà còn là trách nhiệm của mỗi cá nhân. Cảnh giác, chủ động kiểm tra và không chia sẻ dữ liệu cá nhân cho bên thứ ba là nguyên tắc sống còn để đảm bảo an toàn tài chính trong thời đại số.
Theo:https://thuonghieuvaphapluat.vn/canh-bao-gia-tang-cac-hinh-thuc-lua-dao-trong-giao-dich-thanh-toan-d73883.html