(TH&PL)- Thời gian qua, nhiều đối tượng lợi dụng vụ việc tấn công vào trụ sở công an xã Ea Ktur và xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin để phát tán tin giả, tin sai sự thật, người dân cần cảnh giác với những thủ đoạn trên.
Hiện nay, tình trạng phát tán tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng đang diễn ra hết sức phức tạp, theo chiều hướng gia tăng, dễ tác động tư tưởng tiêu cực, lệch lạc, tạo dư luận và gây tâm trạng hoang mang trong xã hội. Cho đến nay chưa có văn bản pháp luật nào đưa ra khái niệm, định nghĩa về nội hàm của “tin giả”, tuy nhiên, theo tìm hiểu “tin giả” ”(trong tiếng Anh là fake news) có thểđược hiểu “là những thông tin không chính xác, chưa được kiểm chứng, kiểm duyệt, xuất hiện sai lệch về nội dung, được phát tán trên không gian mạng và các phương tiện truyền thông, bao gồm cả truyền thông xã hội”. Còn tin sai sự thật (trong tiếng Anh là untrue news) có thể hiểu “là những thông tin được thêm bớt, thay đổi bản chất sự việc, hiện tượng (pha trộn thông tin thật, giả). Thông qua việc chia sẻ, lan truyền dẫn đến các thông tin ngày càng bị biến dạng, sai lệch cho người đọc, nghe khi tiếp nhận”.
Thực tiễn cho thấy, các đối tượng xấu đã sử dụng nhiều thủ đoạn để đăng tải, phát tán tin giả, tin sai sự thật, nhất là việc sử dụng “khoảng trống thông tin” nhằm tấn công vào sự hiếu kỳ với chiêu thức “làm mới thông tin cũ, bịa đặt thông tin mới”. Nhiều thông tin bị xuyên tạc, bóp méo sự thật với những tiêu đề “giật gân”, “giật tít”, “câu view” về các vấn đề được dư luận đang quan tâm, nhất là liên quan đến công tác nội bộ, tham nhũng, tiêu cực nhằm mục đích xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, hoặc xuyên tạc, bịa đặt xâm phạm quyền và lợi ích của tổ chức, cá nhân, tạo dư luận tiêu cực trên cộng đồng mạng, gây phức tạp tình hình an ninh trật tự.
Vấn đề đặt ra là: Những thông tin sai lệch thường được lan truyền rất nhanh so với tin chính thống được các cơ quan truyền thông cung cấp. Đây là một trong những khó khăn, thách thức cho các quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam. Mạng xã hội (Facebook, Youtube, Twitter, TikTok, Zalo...) đã trở thành nền tảng quan trọng được các thế lực thù địch, đối tượng phản động sử dụng để tuyên truyền xuyên tạc với những thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, khó lường, nhất là sử dụng các thông tin, đó là mượn các thông tin, sự kiện có thật, được thông báo trên các phương tiện truyền thông hoặc phát tán qua mạng xã hội để lồng ghép, biên tập, chỉnh sửa và cắt xén các thông tin ngụy tạo và đăng tải như một dạng thông tin chính thống. Sau đó, tổ chức hội đàm, thảo luận, bình phẩm… để xuyên tạc, bịa đặt, bóp méo lịch sử, bóp méo sự thật nhằm định hướng dư luận, người theo dõi tương tác theo ý đồ của họ.
Ngay tại Đắk Lắk trong những ngày gần đây, sau khi xảy ra vụ việc liên quan đến nhóm đối tượng có vũ trang tấn công trụ sở Công an xã Ea Tiêu, xã Ea Ktur huyện Cư Kuin khiến dư luận hết sức bàng hoàng thì trên không gian mạng xuất hiện nhiều thông tin được đăng tải, chia sẻ về vụ việc. Bên cạnh những thông tin phản ảnh đúng bản chất, diễn biến của sự việc lại có không ít những thông tin thất thiệt, tin giả, tin sai sự thật làm hoang mang, tạo dư luận xấu trong xã hội; ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của lực lượng chức năng; thậm chí có nội dung được các đối tượng phản động, chống đối xuyên tạc, chỉ trích chính quyền, lực lượng Công an nhằm gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giữa người Kinh với người đồng bào dân tộc thiểu số…
Các cơ quan chức năng thuộc nhiều tỉnh thành trên cả nước đã kịp thời vào cuộc xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp có hành vi: Đăng tải video không đúng sự thật về vụ việc trên Tiktok để câu like; Cung cấp, đăng tải, chia sẻ thông tin bịa đặt, sai sự thật, xuyên tạc về vụ việc; Đăng tải thông tin kích động gây mất an ninh trật tự, xúc phạm danh dự lực lượng Công an nhân dân và các lực lượng khác đang trong quá trình tham gia truy bắt các đối tượng hoặc sử dụng tài khoản Facebook để bình luận vô căn cứ, không đúng sự thật vụ việc Đắk Lắk; …
Theo thống kê, lực lượng Công an các cấp của tỉnh Đắk Lắk đã phát hiện, xử lý hơn 100 trường hợp đăng tải thông tin xấu, độc liên quan đến vụ việc trên mạng xã hội. Hầu hết các trường hợp vi phạm đều thừa nhận do bản thân chưa tìm hiểu kỹ, nhận thức còn hạn chế nên đã sử dụng tài khoản cá nhân đăng tải, chia sẻ những nội dung không đúng sự thật, chưa được kiểm chứng, xúc phạm uy tín của Chính quyền, lực lượng Công an. Sau khi làm việc với cơ quan chức năng, các trường hợp trên đều tự nguyện gỡ bỏ bài viết và cam kết không tái phạm.
Qua vụ việc này, lực lượng chức năng khuyến cáo người dân tuyệt đối không được đăng tải, chia sẻ các thông tin sai sự thật, thông tin chưa được kiểm chứng lên mạng xã hội gây hoang mang dư luận, nhiễu loạn thông tin, làm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự. Mọi hành vi đăng tải thông tin sai sự thật, bịa đặt sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, thậm chí bị xử lý hình sự nếu gây hậu quả nghiêm trọng.
Có thể thấy rằng, tham gia mạng xã hội là xu thế tất yếu hiện nay, nhất là trong thời đại cách mạng số. Tuy nhiên, vấn đề cần quan tâm đó là phải làm sao vừa khai thác được những thông tin hữu ích phục vụ cho học tập, công tác, nghiên cứu khoa học, vừa giao lưu, học hỏi, trao đổi lẫn nhau mà không bị nhiễm thông tin xấu độc làm ảnh hưởng đến nhận thức, tâm tư, tình cảm, quan điểm lập trường, niềm tin. Mỗi cá nhân cần tự mình có trách nhiệm sàng lọc, tiếp nhận thông tin sao cho phù hợp, đảm bảo yếu tố chân thực, đồng thời phủ nhận những luồng thông tin giả mạo, sai sự thật.
Nguyễn Phong (dẫn nguồn Công an tỉnh Đắk Lắk)