(CLO) Đại dịch Covid-19 sẽ có ảnh hưởng lâu dài đến nhiều lĩnh vực xây dựng luật pháp quốc tế. Trong đó, đại dịch có thể thúc đẩy xu thế chủ nghĩa bảo hộ, chuyển dịch khỏi chủ nghĩa tự do và hướng tới thương mại có quản lý.
Cưỡng bức nội địa hóa
Ở cấp độ trong nước, đại dịch có thể sẽ dẫn đến luật pháp ở các quốc gia thương mại quan trọng nhất cố gắng thuần hóa sản xuất. Thậm chí, đôi khi các ngôn từ được sử dụng khó hiểu hơn, chẳng hạn như Mỹ nhấn mạnh vào “khả năng phục hồi chuỗi cung ứng”.
Đại dịch cung cấp một cái cớ thuận tiện cho những quốc gia và nhà sản xuất tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng và giảm phụ thuộc vào Trung Quốc. Đã có những nỗ lực để dán nhãn một số hàng hóa là có tầm quan trọng “an ninh quốc gia” hoặc “lợi ích thiết yếu”.
Điều này bắt đầu khi nhu cầu về thiết bị bảo vệ cá nhân y tế (PPE) và máy thở đột ngột tăng vọt vào đầu năm 2020. Rồi sau đó, sự gián đoạn chuỗi cung ứng đã dẫn đến các quốc gia rơi vào tình trạng thiếu hụt các thành phần và nguyên liệu đầu vào quan trọng cho sản xuất.
Nhưng, thị trường thực tế đã nhanh chóng điều chỉnh theo nhu cầu. Để rồi, từ chỗ thiếu hụt một cách trầm trọng, các mặt hàng PPE nhanh chóng rơi vào tình trạng thừa thãi. Với nguồn cung tăng lên, giá cả các mặt hàng này từng có lúc tăng đột biến, thì giờ chúng thậm chí còn trở thành những mặt hàng giảm giá.
Dẫu vậy, các chính phủ vẫn tìm cách phá vỡ chuỗi cung ứng toàn cầu bằng cách khuyến khích sản xuất trong nước, đặc biệt là đối với các sản phẩm y tế và dược phẩm. Việc cưỡng bức nội địa hóa các cơ sở sản xuất là một sáng kiến đặc biệt liều lĩnh.
Đáng lo ngại nhất là các Chính phủ đang nhắm vào một vấn đề không tồn tại. Bất chấp việc phân phối vắc xin đang rất sẵn có, giờ các nước vẫn thúc đẩy quá trình tự sản xuất vắc xin cho mình. Để đối phó với Covid-19, thế giới đã sản xuất khoảng 2 tỷ liều các loại vắc xin vào năm 2020, và ước tính cần thêm 11 tỷ liều trong năm 2021.
Để rồi, trong vòng một năm qua, nhiều loại vắc xin đã được phát triển và hơn 6 tỷ liều đã được sản xuất. Mục tiêu 11 tỷ sẽ được hoàn thành. Mục tiêu này có thể không chính xác, với việc trẻ em ở một số quốc gia vẫn chưa được tiêm vắc xin hoặc chưa được tiêm đầy đủ. Nhưng thị trường đang rất rộng mở và sẽ sớm đáp ứng cho tất cả.
Rủi ro cho nhà đầu tư và thách thức cho Chính phủ
Đại dịch cũng khiến các Chính phủ ít có khả năng tham gia vào việc xây dựng luật pháp quốc tế hơn, vì quá nhiều lo lắng và thiếu niềm tin đã đưa họ đến quan niệm chủ quyền mạnh mẽ hơn; kèm theo đó là sự do dự trong việc tự do hóa thương mại. Thương mại có thể là một động lực tốt trong thời kỳ đại dịch và sự chần chừ như vậy đe dọa sự phục hồi và tăng trưởng kinh tế.
Trước Covid-19, đã có xu hướng gia tăng chủ nghĩa bảo hộ và thương mại có quản lý, với các ví dụ nổi bật là sự thất bại của Vòng đàm phán thương mại Doha của WTO và cách tiếp cận của Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm chống lại sự trỗi dậy của Trung Quốc .
Đại dịch Covid-19 đã khiến hệ thống toàn cầu đánh mất niềm tin, các quốc gia không ngừng kêu gọi sử dụng “cây nhà lá vườn”. Một số quốc gia đã khởi xướng một loạt các biện pháp hạn chế thương mại, bao gồm các lệnh cấm xuất khẩu các sản phẩm PPE và cả vắc xin. Nói tóm lại, cuộc khủng hoảng dẫn đến việc các quốc gia tăng cường sự độc lập để tránh các rủi ro từ việc thiếu hụt nguồn cung.
Tự do hóa trong các dịch vụ y tế điện tử, bao gồm đầu tư và công nhận lẫn nhau về trình độ, có thể giúp ích trong cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19 cũng như các nguy cơ xuất hiện một loạt virus khác. Song, cho đến nay chưa có nỗ lực nào được thực hiện, thậm chí các quốc gia ngày càng rút lui vào “vỏ ốc” bảo hộ của mình.
Covid-19 đã làm trầm trọng thêm xu hướng các nước né tránh các hiệp định đa phương, thay vào đó hướng tới đàm phán song phương hoặc chỉ trong khu vực vốn ít tiềm năng hơn. Trong khi vẫn có những trường hợp ngoại lệ, chúng ta đã bước vào giai đoạn thu hẹp, hơn là mở rộng các hiệp định thương mại. Giai đoạn này sẽ kéo dài ít nhất cho đến khi Mỹ quyết định tái tham gia và thể hiện vai trò lãnh đạo đối với WTO và các sáng kiến thương mại rộng lớn hơn.
Các thỏa thuận đơn lẻ rõ ràng không lý tưởng, vì chúng thường chứa nhiều rủi ro chính sách và những nội dung khắc khe, làm suy giảm cơ hội và mở ra khả năng bị lạm dụng. Một ví dụ nổi bật là thương mại kỹ thuật số đã trở thành một chương riêng trong nhiều hiệp định thương mại tự do. Nó thậm chí là chủ đề của một hiệp định độc lập giữa New Zealand, Singapore và Chile. Dù các thỏa thuận kiểu này có mục đích đảm bảo và bảo vệ luồng dữ liệu tự do xuyên biên giới, nhưng chúng rất mong manh và khó được mở rộng thêm.
Nói tóm lại, việc xây dựng các điều luật và hiệp định thương mại trong và sau đại dịch sẽ bị phân tán, không thể đoán trước. Điều này có thể dẫn đến nhiều rủi ro cho các nhà đầu tư và không ít thách thức cho các chính phủ.
Theo https://congluan.vn/covid-19-dang-pha-hoai-luat-thuong-mai-quoc-te-nhu-the-nao-post167488.html