(CLO) Sau khi nhận 300 triệu đồng, bị cáo Trần Hùng hướng dẫn Cao Thị Minh Thuận thay đổi lời khai về nguồn gốc số sách để bị xử phạt hành chính. Vì vậy, HĐXX khẳng định việc truy tố, xét xử bị cáo Hùng về tội "Nhận hối lộ" là không oan.
Sau 9 ngày xét xử và nghị án kéo dài, sáng 27/7, TAND TP Hà Nội đã ra phán quyết đối với bị cáo Trần Hùng (cựu Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, cựu Tổ trưởng Tổ 304, Tổng cục Quản lý thị trường) cùng 35 bị cáo khác trong vụ án sản xuất, mua bán hơn 9,4 triệu quyển sách giả xảy ra tại Công ty In và Văn hóa truyền thông Hà Nội, Công ty Phú Hưng Phát, Đội Quản lý thị trường số 17 Hà Nội và Tổng cục Quản lý thị trường.
Theo đó, 36 bị cáo này bị kết án về các tội: “Sản xuất, buôn bán hàng giả”, “Nhận hối lộ”, “Môi giới hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Trong đó, bị cáo Trần Hùng (cựu Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, cựu Tổ trưởng Tổ 304, Tổng cục Quản lý thị trường) bị Tòa tuyên phạt 9 năm tù về tội “Nhận hối lộ”. Truy thu đối với bị cáo Trần Hùng 300 triệu đồng đã nhận hối lộ và phạt bổ sung bị cáo 80 triệu đồng. HĐXX khẳng định, bị cáo Trần Hùng có nhân thân tốt, có nhiều thành tích trong quá trình công tác, nhưng do bị cáo không nhận tội nên không được áp dụng tình tiết giảm nhẹ là thành khẩn khai báo.
Bị cáo Nguyễn Duy Hải (lao động tự do, trú tại phường Trương Định, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) bị tuyên phạt 27 tháng tù về tội “Môi giới hối lộ”.
Bị cáo Lê Việt Phương (cựu Phó Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 17, Cục Quản lý thị trường Hà Nội) bị tuyên phạt 30 tháng tù. Bị cáo Phạm Ngọc Hải (cựu Kiểm sát viên Đội Quản lý thị trường số 17) bị tuyên phạt 20 tháng tù, cho hưởng án treo và bị cáo Thành Thị Đông Phương (cựu Kiểm sát viên Đội Quản lý thị trường số 17) bị tuyên phạt 18 tháng tù, cho hưởng án treo cùng về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”
Bị cáo Cao Thị Minh Thuận (Giám đốc Công ty Phú Hưng Phát) bị tuyên 10 năm tù, phạt bổ sung 50 triệu đồng về tội “ Sản xuất, buôn bán hàng giả”.
30 bị cáo còn lại bị bị truy tố về tội “Sản xuất, buốn bán hàng giả” tùy theo mức độ phạm tội mà bị tuyên phạt từ 24 tháng tù, cho hưởng án treo đến 6 năm tù giam.
Tại phiên toà, HĐXX khẳng định, bị cáo Cao Thị Minh Thuận đã tiêu thụ hơn 6 triệu quyển sách giáo khoa giả, thu lời bất hợp pháp hơn 30 tỷ đồng nên bị truy nộp sung công quỹ Nhà nước hơn 8 tỷ đồng. Hội đồng xét xử cũng tuyên buộc các bị cáo đồng phạm giúp sức cho bị cáo Cao Thị Minh Thuận thu lời bất hợp pháp phải nộp tổng cộng gần 22 tỷ đồng.
Bản án sơ thẩm xác định, từ đầu năm 2021 đến tháng 6/2021, Cao Thị Minh Thuận đã cùng đồng phạm đã tổ chức sản xuất hơn 9,4 triệu quyển sách giáo khoa giả các loại của Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam và Nhà xuất bản khác với tổng trị giá theo giá in trên bìa là hơn 260 tỷ đồng. Nhóm của Thuận đã tiêu thụ hơn 6,3 triệu quyển, còn hơn 3 triệu quyển chưa kịp bán thì bị Công an thu giữ. Tổng số thu lời bất chính là hơn 30 tỷ đồng.
Hành vi làm giả sách giáo khoa của các bị cáo thuộc trường hợp phạm tội nghiêm trọng, gây hoang mang lo lắng cho người tiêu dùng, đặc biệt đối tượng làm giả ở đây là sách giáo khoa, gây ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng giáo dục các em học sinh.
Trong số các bị cáo, Cao Thị Minh Thuận là người chủ mưu, cầm đầu, điều hành toàn bộ hoạt động sản xuất, buôn bán sách giáo khoa giả tại Công ty Phú Hưng Phát, chỉ đạo các bị cáo khác thực hiện tội phạm, trực tiếp chỉ đạo sản xuất giúp sức cho Cao Thị Minh Thuận thực hiện hành vi sản xuất sách giả. Các bị cáo khác đóng vai trò là đồng phạm tham gia giúp sức trong việc quản lý kho hàng hóa, liên hệ các xưởng in, theo dõi công nợ, kết nối các đơn hàng…
Hành vi của các bị cáo phạm tội nhận hối lộ, môi giới hối lộ đã gây mất lòng tin vào hoạt động đúng đắn của các cơ quan nhà nước, gây dư luận xã hội xấu.
Quá trình xét xử, 35/36 bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội. Riêng bị cáo Trần Hùng là người duy nhất kêu oan từ đầu tới cuối. Tại phiên tòa, luật sư bào chữa cho rằng cơ quan tố tụng dựa vào lời khai mâu thuẫn của Nguyễn Duy Hải để buộc tội bị cáo Hùng là không khách quan, bị cáo Hùng không có quyền hạn gì trong việc xử lý vi phạm của Công ty Phú Hưng Phát.
Tuy nhiên, theo HĐXX, bị cáo Trần Hùng là Tổ trưởng Tổ 304, có nhiệm vụ tiếp nhận thông tin các vụ việc vi phạm, tham mưu Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, phối hợp với các đơn vị liên quan trong việc kiểm tra và xử lý vi phạm.
Sau khi vụ việc Công ty Phú Hưng Phát bị phát hiện, bị cáo Cao Thị Minh Thuận liên hệ với bị cáo Hùng nhờ giúp đỡ, bị cáo Hùng ra điều kiện sẽ tha nếu Thuận chỉ ra các cơ sở vi phạm khác. Không yên tâm, bị cáo Thuận vẫn thông qua bị cáo Hải đặt vấn đề sẽ đưa tiền cho bị cáo Hùng. Sau khi nhận 300 triệu đồng, bị cáo Trần Hùng hướng dẫn Thuận thay đổi lời khai về nguồn gốc số sách, từ sách giả thành sách do người khác ký gửi; đồng thời chỉ đạo Đội Quản lý thị trường số 17 xử lý vụ việc theo hướng mà bị cáo Thuận thay đổi lời khai. Vụ việc lẽ ra phải được chuyển sang cơ quan điều tra thì chỉ bị xử phạt hành chính.
Theo HĐXX, mặc dù lời khai của Nguyễn Duy Hải có khác nhau về thời điểm đưa tiền, nhưng xuyên suốt đều thể hiện bị cáo Thuận thông qua bị cáo Hải đưa tiền cho bị cáo Trần Hùng, việc đưa tiền diễn ra tại phòng làm việc của bị cáo Trần Hùng.
Mặt khác, HĐXX cũng xác định lời khai của bị cáo Hải phù hợp với lời khai người làm chứng, lời khai của bị cáo Thuận và những người liên quan, phù hợp với kết quả thực nghiệm điều tra cũng như sơ đồ hiện trường diễn ra việc đưa tiền do bị cáo Hải tự vẽ.
Đối với dữ liệu liên quan đến cột sóng điện thoại, HĐXX đã trích dẫn trình bày của đại diện MobiFone cho thấy chỉ với dữ liệu này thì không đủ căn cứ xác định thời điểm xảy ra vụ việc bị cáo Hùng đang ở quận Ba Đình. Do vậy, Tòa khẳng định bị cáo Trần Hùng phạm tội “Nhận hối lộ”, việc điều tra, truy tố, xét xử bị cáo Hùng về tội danh này là không oan.
Theo:https://www.congluan.vn/cuu-pho-cuc-truong-cuc-quan-ly-thi-truong-tran-hung-bi-phat-9-nam-tu-ve-toi-nhan-hoi-lo-post258024.html