(CLO) Theo bị cáo Minh, 40 năm được gia đình nuôi ăn học, rồi phục vụ cách mạng, không ngờ đến cuối đời lại vướng vòng lao lý. Điều đó khiến bị cáo rất ân hận.

Ngày 28/12, Tòa án Quân sự Trung ương tiếp tục phiên tòa hình sự phúc thẩm xem xét đơn kháng cáo của các bị cáo trong vụ buôn lậu hơn 198 triệu xăng dầu và “bảo kê” buôn lậu xăng dầu trên biển.

Trong phần thẩm vấn, bị cáo Lê Văn Minh (cựu Thiếu tướng, cựu Tư lệnh Cảnh sát biển Vùng 4) khai về hành vi nhận hối lộ từ “trùm” buôn lậu Phan Thanh Hữu (Giám đốc Công ty TNHH TM Phan Lê Hoàng Anh) đã khóc vì cảm thấy “tủi nhục” với gia đình.

cuu thieu tuong le van minh cam thay tui nhuc voi gia dinh hinh 1

Các bị cáo tại phiên toà phúc thẩm.

Theo bị cáo Minh, 40 năm được gia đình nuôi ăn học, rồi phục vụ cách mạng, không ngờ đến cuối đời lại vướng vòng lao lý. Điều đó khiến bị cáo rất ân hận.

Bị cáo Lê Văn Minh cho rằng, bản án sơ thẩm quy kết bị cáo nhận số tiền cao hơn thực tế. Tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Lê Văn Minh bị quy kết “vì động cơ vụ lợi, lợi dụng chức vụ, quyền hạn” đã trực tiếp hoặc thông qua vợ và con mình nhận của Phan Thanh Hữu tổng số tiền là 6,9 tỷ đồng. Phan Thanh Hữu đưa tiền cho bị cáo Lê Văn Minh để được “tạo điều kiện giúp đỡ, bảo kê” cho hoạt động vận chuyển, buôn lậu xăng trên biển vào nội địa mà không bị bắt giữ, xử lý.

Về ý kiến của bị cáo Lê Văn Minh, đại diện Viện Kiểm sát Quân sự Trung ương thực hành quyền công tố tại phiên tòa cho biết, Phan Thanh Hữu và con trai (Phan Lê Hoàng Anh) đã khai chuyển tiền cho bị cáo rất rõ ràng từng tháng.

Ngoài hành vi nhận tiền của “trùm” buôn lậu Phan Thanh Hữu, cơ quan điều tra xác định, bị cáo Lê Văn Minh đã dắt mối cho Phan Thanh Hữu quen biết và đến thăm nhà bị cáo Lê Xuân Thanh (cựu Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3) cuối tháng 1/2020.

Trả lời HĐXX, bị cáo Lê Xuân Thanh thừa nhận, đã nhận 1,8 tỷ đồng của Phan Thanh Hữu, nhưng bị cáo Thanh cho rằng, Tòa án cấp sơ thẩm tuyên phạt bị cáo 12 năm tù là quá nghiêm khắc.

Bị cáo Thanh cho biết, khi Phan Thanh Hữu nhờ giúp đỡ, bị cáo nói: “Anh ở TP Hồ Chí Minh hoạt động kiểu gì tôi không cần biết. Nhưng ở trên biển thì cấp dưới và cơ quan tôi bắt được sẽ xử lý nghiêm”. Bị cáo Thanh khai, không bao giờ cho Phan Thanh Hữu số điện thoại của bị cáo hay điện thoại của vợ bị cáo.

Theo lời khai của bị cáo Thanh, bị cáo không đặt vấn đề gì về lợi ích vật chất với Phan Thanh Hữu. “Đó là lần đầu tiên và duy nhất Phan Thanh Hữu gặp tôi, và từ đó đến nay không có mối quan hệ nào”, bị cáo Thanh khẳng định và xin cho đối chất với Phan Thanh Hữu. Phan Thanh Hữu xác nhận lời khai của bị cáo Lê Xuân Thanh là đúng.

Bản án sơ thẩm xác định, tổng số tiền các bị cáo trong vụ án này đã nhận hối lộ là hơn 38 tỷ đồng. Ngoài bị cáo Nguyễn Thế Anh (cựu Đại tá, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm Bộ đội biên phòng, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang) không khắc phục hậu quả thì hầu hết các bị cáo khác đã nộp lại toàn bộ để được hưởng tình tiết giảm nhẹ.

Tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Lê Văn Minh bị tuyên phạt 15 năm tù; bị cáo Lê Xuân Thanh bị tuyên phạt 12 năm tù về tội “Nhận hối lộ”.

Theo https://www.congluan.vn/cuu-thieu-tuong-le-van-minh-cam-thay-tui-nhuc-voi-gia-dinh-post228779.html

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer