Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên được chủ trì, phối hợp soạn thảo bởi TANDTC về xử lý chuyển hướng, hình phạt và thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên phạm tội. Đáng chú ý, Dự thảo có đề cập đến hình thức giám sát điện tử mới.
Theo Điều 114 Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên, sẽ có ít nhất là 06 biện pháp ngăn chặn và 03 biện pháp cưỡng chế đối với người chưa thành niên phạm tội bao gồm:
“1. Các biện pháp ngăn chặn áp dụng đối với người chưa thành niên bao gồm:
a) Giữ người trong trường hợp khẩn cấp;
b) Bắt trong trường hợp phạm tội quả tang, bị truy nã, để tạm giam;
c) Tạm giữ;
d) Tạm giam;
đ) Giám sát điện tử;
e) Giám sát tại nhà.
2. Biện pháp cưỡng chế áp dụng đối với người chưa thành niên bao gồm:
a) Áp giải, dẫn giải;
b) Kê biên tài sản;
c) Phong tỏa tài khoản”
Bên cạnh việc quy định các biện pháp ngăn chặn, cưỡng chế đối với người chưa thành niên thì Dự thảo cũng quy định những trường hợp cụ thể để áp dụng các biện pháp này như sau:
- Đối với các biện pháp như tạm giữ và áp giải đối với người chưa thành niên chỉ nên được áp dụng trong trường hợp thật sự cần thiết.
- Đồng thời, theo Dự thảo, người chưa thành niên có thể bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, phạm tội quả tang, đang bị truy nã và giải quyết như sau:
+ Trong thời hạn 06 giờ kể từ khi giữ người, người ra lệnh giữ, lệnh hoặc quyết định bắt, tạm giữ người chưa thành niên phải thông báo ngay cho người đại diện của họ biết.
+ Sau khi giữ người cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải lấy lời khai ngay và trong thời hạn 08 giờ phải ra quyết định tạm giữ hoặc trả tự do cho người bị bắt.
+ Thời hạn tạm giữ nêu trên không quá 02 ngày kể từ khi Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra nhận người bị giữ về trụ sở của mình. Trong trường hợp cần thiết, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ một lần nhưng không được quá 03 ngày.
- Áp giải: Đối với người chưa thành niên bị giữ trong trường hợp khẩn cấp hoặc bị buộc tội, chỉ được áp giải khi có người đại diện cho họ có mặt.
- Dẫn giải: Khi người chưa thành niên bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố và có đủ căn cứ xác định liên quan đến hành vi phạm tội, nếu đã được triệu tập hợp lệ 2 lần mà vẫn vắng mặt không lý do, sẽ áp dụng biện pháp dẫn giải. Tuy nhiên, việc dẫn giải chỉ được thực hiện khi có người đại diện cho họ có mặt.
Riêng đối với biện pháp giám sát điện tử tại Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên quy định như sau:
- Giám sát điện tử là biện pháp được áp dụng để ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật và đảm bảo người chưa thành niên tuân thủ yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
- Biện pháp này sẽ được áp dụng đối với người chưa thành niên bị buộc tội.
- Quyết định gắn thiết bị có chức năng giám sát đối với người chưa thành niên được ban hành bởi cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án.
- Thời hạn của biện pháp giám sát điện tử không được quá thời hạn điều tra, truy tố, xét xử theo quy định.
Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên hiện đang được tổ chức trưng cầu ý kiến rộng rãi từ các cá nhân, tổ chức và cơ quan trong và ngoài nước.
Ấn TẢI VỀ để xem đầy đủ nội dung Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên.