(THPL) - Dự thảo Bộ luật Hình sự nâng mức hình phạt tù, hình phạt tiền đối với một số tội danh để đảm bảo tính răn đe, nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm, kịp thời bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, công dân, phù hợp với các quy định pháp luật quốc tế.
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XV, sáng ngày 20/5, Đại tướng Lương Tam Quang, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự.
Bộ trưởng Lương Tam Quang trình bày tờ trình dự án luật, sáng 20/5. Ảnh: CAND
Theo Bộ trưởng Quang, một số quy định của Bộ luật Hình sự chưa phù hợp với tình hình kinh tế xã hội và thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Trong đó, một số quy định về hình phạt tù, phạt tiền chưa đảm bảo tính răn đe, nhất là đối với các loại tội phạm đang có nhiều diễn biến phức tạp, gây bức xúc trong thời gian qua như ma túy, môi trường, hàng giả, vệ sinh, an toàn thực phẩm. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự là yêu cầu cấp thiết, khách quan.
Đề xuất nâng mức hình phạt tù, hình phạt tiền với các tội phạm sản xuất, buôn bán hàng giả
Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, bố cục dự thảo luật gồm 04 điều: Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự (gồm sửa đổi, bổ sung 52 điều, trong đó, 18 điều luật liên quan đến việc thu hẹp hình phạt tử hình; 04 điều luật sửa đổi về nội dung; 02 điều luật sửa đổi để phù hợp với cơ cấu, tổ chức bộ máy mới sau khi không tổ chức Công an cấp huyện và tên gọi của các bộ sau khi thực hiện phương án sáp nhập.
Điều 2. Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật có liên quan; Điều 3. Hiệu lực thi hành; Điều 4. Điều khoản chuyển tiếp.
Dự thảo Bộ luật nâng mức hình phạt tù, hình phạt tiền đối với một số tội danh để đảm bảo tính răn đe, nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm, kịp thời bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, công dân, phù hợp với các quy định pháp luật quốc tế như tội phạm về môi trường, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, ma túy.
Cụ thể, tăng mức hình phạt tù đối với một số tội: Tội gây ô nhiễm môi trường (Điều 235): Tăng mức hình phạt tù thành từ 2-3 năm tại khoản 1; tăng mức hình phạt khởi điểm thành từ 3 năm tại khoản 2; tăng mức hình phạt khởi điểm thành từ 5 năm tại khoản 3; Tội vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại (Điều 236): Tăng mức hình phạt tù thành từ 2-3 năm tại khoản 1; tăng mức hình phạt khởi điểm thành từ 3 năm tại khoản 2.
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: CAND
Hạ mức định lượng trong cấu thành Tội gây ô nhiễm môi trường (Điều 235): Hạ mức thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn quốc gia về môi trường từ 5 lần đến dưới 10 lần xuống từ 3-5 lần; hạ mức thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn quốc gia về môi trường từ 3-5 lần xuống từ 2-3 lần tại các khung, khoản trong tội này. Tăng mức hình phạt tiền gấp 2 lần so với quy định hiện hành với các tội thuộc Chương các tội phạm về môi trường.
Đối với tội phạm về sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, an toàn thực phẩm, nâng mức phạt tiền lên gấp 2 lần so với quy định hiện hành đối với Tội sản xuất, buôn bán hàng giả (Điều 192), Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm (Điều 193), Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh (Điều 194), Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi (Điều 195), Tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm (Điều 317): Tăng mức khởi điểm hình phạt tù tại khoản 1 từ 1 năm thành 2 năm.
Trong dự án Luật này, Chính phủ cũng đề xuất bỏ hình phạt tử hình, thay bằng "tù chung thân không xét giảm án" (vẫn bảo đảm cách ly người phạm tội ra khỏi đời sống xã hội) đối với 8/18 tội danh: Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (Điều 109); Phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Điều 114); Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, phòng bệnh (Điều 194); Vận chuyển trái phép chất ma túy (Điều 250); Phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược (Điều 421); Gián điệp (Điều 110); Tham ô tài sản (Điều 353); Nhận hối lộ (Điều 354).
Mới đây, Công an Thành phố Thanh Hoá triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán thuốc tân dược giả với quy mô lớn. Ảnh: CA Thanh Hóa
Thẩm tra dự án Bộ luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết Ủy ban Pháp luật và Tư pháp tán thành sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự với những lý do nêu tại Tờ trình của Chính phủ.
Ủy ban Pháp luật và Tư pháp nhận thấy, nội dung dự thảo Luật cơ bản bám sát, thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, phù hợp với quy định của Hiến pháp về quyền con người, quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân. Tuy nhiên, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát các nghị quyết của Đảng ban hành trong thời gian gần đây như Nghị quyết số 57-NQ/TW, Nghị quyết số 66-NQ/TW và Nghị quyết số 68-NQ/TW… để thể chế hóa ngay trong Bộ luật Hình sự.
Về nâng mức hình phạt tù tại một số tội danh, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp cơ bản tán thành việc nâng mức hình phạt tù đối với một số tội phạm về môi trường, về ma túy và vi phạm quy định về an toàn thực phẩm nhằm nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm, kịp thời bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân. Tuy nhiên đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo thuyết minh, làm rõ hơn căn cứ để tăng mức hình phạt tù của các tội danh này để tăng tính thuyết phục; đồng thời, rà soát để bảo đảm hình phạt tù tương xứng với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội tại từng điều luật.
Ủy ban Pháp luật và Tư pháp cũng cơ bản tán thành với dự thảo Luật về nâng mức phạt tiền là hình phạt chính và hình phạt bổ sung lên gấp 02 lần đối với một số tội danh cụ thể của Chương các tội phạm về môi trường, Chương các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng nhằm khắc phục những bất cập trong thực tiễn thi hành Bộ luật Hình sự.
Quốc hội sẽ thảo luận dự án luật này vào ngày 27/5 và dự kiến thông qua vào ngày 25/6.
Đại biểu Quốc hội đề nghị xử nặng tội sản xuất, buôn bán hàng giả
Liên quan đến Dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi), thảo luận tại tổ chiều 20/5, các đại biểu Quốc hội đề xuất cần có một hệ thống chế tài mạnh mẽ hơn, nghiêm khắc hơn đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, kết hợp giữa xử phạt tài chính, xử lý hình sự và các biện pháp bổ sung khác nhằm xử lý triệt để vấn nạn này.
Cụ thể, tại tổ 11 (gồm các đoàn Bắc Kạn, Long An, Sơn La, Vĩnh Long), đại biểu Trịnh Minh Bình (Đoàn Vĩnh Long) cho rằng, tình trạng buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, đặc biệt là thực phẩm và dược phẩm, đang diễn ra ngày càng phổ biến, tinh vi, có tổ chức và quy mô lớn. Đại biểu đề xuất xử phạt theo tỷ lệ giá trị hàng hóa vi phạm. Thay vì chỉ áp dụng mức tiền cố định (ví dụ: 200 triệu đến 2 tỷ đồng), nên quy định phạt theo % giá trị lô hàng vi phạm, đề xuất phạt từ 50-100% tuỳ theo hành vi vi phạm mà có mức phạt hợp lý.
Bên cạnh đó, cần tăng mạnh chế tài hình sự, mở rộng phạm vi truy cứu với các hành vi tổ chức, có tổ chức và tái phạm. Với hành vi tổ chức sản xuất, buôn bán hàng giả có tổ chức, gây thiệt hại lớn, cần truy cứu hình sự mạnh mẽ thay vì chỉ phạt hành chính. Thậm chí có thể hình sự hóa thêm nhiều hành vi nhẹ hơn nếu tái phạm nhiều lần (để ngăn chặn từ đầu).
Ngoài ra, đại biểu kiến nghị áp dụng các biện pháp bổ sung như: Tịch thu toàn bộ tài sản, phương tiện sử dụng để sản xuất hàng giả; Đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy phép kinh doanh với tổ chức vi phạm; Buộc bồi thường cho người tiêu dùng bị thiệt hại về sức khỏe, tài chính; Công khai thông tin vi phạm trên các phương tiện truyền thông để cảnh báo cộng đồng; Áp dụng mức phạt lũy tiến và cấm hành nghề vĩnh viễn với các trường hợp tái phạm.
Theo:https://thuonghieuvaphapluat.vn/de-xuat-phat-tien-gap-doi-nang-muc-phat-tu-voi-toi-pham-san-xuat-buon-ban-hang-gia-d73798.html