(THPL) - Để ngăn chặn hoạt động buôn bán hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại, rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các ngành chức năng và mỗi doanh nghiệp cũng cần nâng cao ý thức tự bảo vệ thương hiệu, sản phẩm của mình.
Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) Trần Hữu Linh, từ đầu năm 2022 đến nay, quy mô hoạt động vận chuyển, kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, gian lận thương mại… ngày càng gia tăng. Thống kê của Tổng cục Quản lý thị trường cho thấy, 7 tháng năm 2022, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra, xử lý hơn 24.000 vụ vi phạm; phạt hành chính hơn 144,5 tỷ đồng.
Trưởng phòng Quản lý hoạt động thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) Nguyễn Hữu Tuấn thông tin, do đặc thù người bán, người mua không gặp nhau trực tiếp, nên gian lận thương mại gia tăng trên thương mại điện tử. Hay như việc lợi dụng dịch vụ chuyển phát, hàng giả “đi” công khai thay vì chui lủi như trước đây. Hoạt động buôn lậu qua biên giới vào thị trường nội địa rất phức tạp, thay vì qua các đường mòn, lối mở như trước đây, hàng lậu “luồn lách” qua kênh chính ngạch... Các thủ đoạn ngày càng tinh vi, gây không ít khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc kiểm tra, xử lý.
Bên cạnh đó, không ít người tiêu dùng biết là hàng giả, không rõ xuất xứ nhưng vẫn mua hoặc không tố giác. Đồng thời, nhiều doanh nghiệp chưa chú trọng chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu của mình.
Nếu như trước đây, hàng giả thường tập trung ở các mặt hàng như mỹ phẩm, đồ gia dụng... nhưng bây giờ, hàng giả, hàng kém chất lượng xuất hiện ở những mặt hàng khác nhau, ví dụ như xăng dầu, vật tư nông nghiệp, phân bón, vật tư y tế....
Trên các mô hình kinh doanh online, sàn giao dịch thương mại điện tử, hàng giả thậm chí còn được vận chuyển một cách tương đối công khai. Đặc biệt là việc mua bán, trao đổi, các kênh giới thiệu quảng bá sản phẩm trong thương mại điện tử cũng góp phần làm cho hàng giả được lưu thông dễ dàng hơn.
Theo báo Chính phủ, dưới góc độ luật pháp, Tiến sĩ Bùi Kim Hiếu, Trưởng khoa luật Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học TPHCM; Trưởng Ban Luật Dân Sự, Viện Nghiên cứu Pháp luật Bảo vệ doanh nghiệp và người tiêu dùng cho biết, để bảo vệ quyền lợi của mình, các doanh nghiệp phải xác lập quyền sở hữu của mình đối với nhãn hiệu hoặc là đối với kiểu dáng thông qua đăng ký bảo hộ dưới góc độ của Luật sở hữu trí tuệ và bảo hộ nhãn hiệu; bảo hộ kiểu dáng công nghiệp, bảo hộ sáng chế và xác lập quyền tác giả; đăng ký bảo hộ trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam hoặc trong phạm vi vùng hoặc lãnh thổ nào đó.
Báo Công thương cho hay, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trước ma trận hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng, ngoài những nỗ lực của lực lượng chức năng, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh cũng cần chủ động, tích cực tham gia các hoạt động chống hàng giả. Người tiêu dùng tự giác hơn trong việc nâng cao nhận thức, chủ động tìm hiểu thông tin hàng hóa qua nhiều kênh.
Bản thân các doanh nghiệp cũng phải tự hoàn thiện các chính sách, đặc biệt là những chính sách liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, có những cam kết đối với người tiêu dùng và thực hiện đúng các cam kết, bởi vì trong xu thế hiện nay, người tiêu dùng có nhiều cơ hội để lựa chọn.
Dự báo những tháng cuối năm, vấn nạn hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại càng diễn biến phức tạp hơn. Để ngăn chặn tình trạng này, không chỉ cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng mà còn cần sự nhận diện và tham gia tố giác của người dân, sự chủ động bảo vệ thương hiệu, sản phẩm của doanh nghiệp.
Theo https://thuonghieuvaphapluat.vn/doanh-nghiep-can-nang-cao-y-thuc-chong-hang-gia-hang-nhai-d55221.html