(CLO) Ở Việt Nam, tiền ảo nói chung không được công nhận, đặc biệt không được chấp nhận là phương tiện thanh toán hợp pháp. Tuy nhiên theo nhiều chuyên gia tài chính, cụm từ “tiền ảo” vẫn xuất hiện ngày càng nhiều và nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư.

Thời gian qua lực lượng chức năng phát hiện các đối tượng này còn quản trị hàng chục sàn giao dịch ngoại hối, tiền ảo, các website có dấu hiệu tổ chức kinh doanh theo phương thức đa cấp.

Bước đầu, lực lượng chức năng xác định, 16 sàn giao dịch điện tử khác do các đối tượng quản trị có khoảng 115.726 tài khoản trên sàn. Tổng số dư hiện tại của các sàn là hơn 7.505 tỷ đồng, tổng số tiền đã rút ra là 611 tỷ đồng.

giao dich tien ao chieu thuc binh cu ruou cu hinh 1

Công an khám xét trụ sở sàn giao dịch ngoại tệ Hitoption tại Hà Nội.

Thủ đoạn của các đối tượng trên là thiết lập sàn giao dịch ngoại hối Hitoption. Sau đó mời các nhà đầu tư tham gia đặt cược theo tỷ giá lên (xanh), xuống (đỏ) của các cặp tiền điện tử trong khoảng thời gian 30 giây. Nếu dự đoán đúng thì được hưởng 95% tiền đặt cược, nếu dự đoán sai sẽ mất toàn bộ số tiền (tương tự như trò chơi tài xỉu).

Ngoài ra, nhà đầu tư có thể tự chơi hoặc ủy thác cho robot của sàn cung cấp tự động chơi với lãi suất được các đối tượng cam kết từ 6-15%/tháng. Trong vòng 100 ngày người chơi có thể rút gốc và lãi. Khi người chơi giới thiệu thành viên mới tham gia thì được hưởng 1,5% tiền hoa hồng.

Tuy nhiên, trên thực tế, các đối tượng hoàn toàn làm chủ hệ thống để điều chỉnh cho người chơi thắng, thua theo ý muốn nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản. Nhiều người sau khi tham gia muốn rút tiền nhưng không rút được hoặc bị điều chỉnh chế độ tự động làm cho họ liên tục bị lỗ dẫn đến hết tiền trên tài khoản.

Trên thực tế, những rủi ro khi tham gia đầu tư vào các sàn giao dịch tiền ảo đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Công an và các cơ quan chức năng cảnh báo. Tuy nhiên, vì tin lời quảng cáo của các đối tượng về mức hoa hồng khi tham gia sàn giao dịch tiền ảo nên nhiều người vẫn tham gia.

Đặc biệt, mới đây Công an tỉnh Hà Nam đã bắt giữ Ninh Đức Huân để điều tra hành vi “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”  theo Điều 290 Bộ luật hình sự.

Đối tượng Ninh Đức Huân là người quản trị, điều hành sàn tiền ảo TcbTrade.xxx có máy chủ tại Việt Nam và phát hành Tcbcoin (TCFX). Huân thành lập nhóm TEAM STAR DIAMON với mục đích thu hút người đầu tư tiền ảo, hứa hẹn có lợi nhuận lớn. Để đánh bóng đồng tiền ảo, Huân đã nhiều lần thuê các khách sạn, khu nghỉ dưỡng sang trọng; quay phim, chụp ảnh bất động sản, siêu xe tung lên mạng xã hội. Nhiều nhân vật trong các video nhận quà, tiền khi đầu tư tiền ảo TCFX cũng do Huân thuê để "diễn".

Theo đánh giá của một số web về dữ liệu tiền ảo, một TCFX lúc cao điểm nhất có giá trị hơn 11 USD nhưng từ tháng 2/2021 đã giảm xuống dưới 1 USD. Số liệu sáng 2/12 cho thấy một TCFX có giá khoảng 125 đồng. Vốn hóa thị trường của đồng tiền ảo này luôn ở mức 0 từ khi thành lập đến nay.

Chuyên gia tài chính ngân hàng TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng,  thời gian đầu, các sàn giao dịch đều cho nhà đầu tư hưởng lãi, rút tiền đúng như hứa hẹn để làm tăng độ tin tưởng, lôi kéo người mới vào tham gia. Nhưng khi họ gom đủ tiền, đủ số lượng người gia nhập rồi thì sẽ làm một mẻ lưới lớn hốt trọn, đánh sập sàn và cuỗm tiền bỏ trốn. Đây là một chiêu thức "bình cũ, rượu cũ" mà nhiều sàn áp dụng nhưng người chơi vẫn sập bẫy như thường.

"Để tạo sự hưng phấn, cảm giác chưa đầu tư mà đã chiến thắng cho người chơi, các chương trình, hội thảo của sàn đều được tổ chức ở các khách sạn 5 sao khua chiêng, gõ trống, hò hét, nhảy múa tưng bừng. Với những người không tỉnh táo hay dễ bị kích động sẽ rất dễ đưa ra quyết định đầu tư sai lầm"

Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, 2 nguyên nhân chính khiến các sàn giao dịch tiền ảo, forex nở rộ, phát triển là đến từ lòng tham và sự mù quáng của người chơi. Nguy hiểm hơn là nhà đầu tư mang tâm lý của người đánh bạc, khi nghĩ rằng, bỏ ra 1 đồng sẽ thu về 200 đồng, 300 đồng.

Đồng quan điểm, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cho rằng, 2 lý do khiến các sàn giao dịch lừa đảo sống khỏe đến từ lợi nhuận khổng lồ và lòng tham của nhà đầu tư.

Theo PGS.TS Ngô Trí Long, các đối tượng lừa đảo đã dùng chiêu khuếch đại lợi nhuận để đánh vào lòng tham của con người. Khi lòng tham của con người quá lớn sẽ làm mất đi lý trí và sự tỉnh táo vốn có để đưa ra quyết định. Từ đó, người chơi sẽ rơi vào một trò chơi mà các đối tượng có chủ đích lập trình sẵn và đến một ngưỡng nào đó, họ sẽ chính thức lật bài, đánh sập sàn, ôm tiền và bỏ chạy" - ông Long nhận định.

Giới luật sư cho rằng: Việc phát hành, cung ứng, sử dụng tiền ảo tại Việt Nam được coi là phát hành, cung ứng, sử dụng phương tiện thanh toán không hợp pháp và có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng với mức xử phạt từ 50 triệu đến 100 triệu đồng (điểm d, khoản 6 Điều 26 – Nghị định số 88).

Bộ Luật hình sự năm (BLHS) 2015, sửa đổi năm 2017 cũng quy định hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng phương tiện thanh toán không hợp pháp có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm h, khoản 1, Điều 206: Tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng. Mức hình phạt cao nhất được quy định tại Điều 206 – BLHS 2015, sửa đổi năm 2017 có thể lên tới 20 năm tù ( khoản 4 – Điều 206).

Theo https://congluan.vn/giao-dich-tien-ao-chieu-thuc-binh-cu-ruou-cu-post170611.html

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer