(THPL) - Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2025, thành phố sẽ lập gần 100 trạm thu phí tại các tuyến đường hướng tâm, cửa ngõ để thu phí ô tô vào nội đô.
Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP Hà Nội (Tramoc) vừa báo cáo Sở GTVT Hà Nội kết quả nghiên cứu thực hiện Đề án: "Thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào". Theo đó, việc thu phí sẽ được thực hiện bên trong đường Vành đai 3.
Giai đoạn 1: Thực hiện thí điểm thu phí theo điểm (theo vị trí) nhằm giảm lưu lượng xe ô tô từ xa, từ đó giảm tình trạng ùn ứ giao thông trên một số trục chính. Cụ thể bố trí các cổng thu phí nằm trên một số trục chính hướng vào nội đô có lưu lượng giao thông cao có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường, vị trí các cổng thu phí nằm ngoài vành đai 3.
Các vị trí thu phí theo điểm bố trí gồm: Trần Duy Hưng, Giải Phóng, Võ Văn Kiệt, Võ Nguyên Giáp, Ngô Gia Tự, QL1A trên các trục giao thông như Nguyễn Trãi, Hồ Tùng Mậu, Lê Văn Lương, Trần phía Bắc. Tổng cộng giai đoạn 1 dự kiến xây dựng 15 trạm thu phí tại 9 vị trí.
Giai đoạn 2: Sau khi thí điểm, đánh giá việc thu phí mang lại hiệu quả, tiếp tục đầu tư xây dựng 59 cổng thu phí tại 46 vị trí nhằm mở rộng khu phí toàn bộ vành đai 3 phía bờ nam sông Hồng.
Giai đoạn 3: Tiếp tục đầu tư xây dựng 13 cổng thu phí tại 13 vị trí nhằm mở rộng khu vực thu phí sang bờ Bắc sông Hồng.
Sau giai đoạn 3, dự kiến có 68 vị trí với 87 cổng thu phí. Vị trí các cổng thu phí đặt bên trong ranh giới khu vực thu phí (bố trí trên các đường hướng tâm từ bên ngoài vào trung tâm thành phố) để các phương tiện quá cảnh lưu thông trên vành đai không phải trả phí. Các vị trí và số lượng đặt cổng thu phí mới là khảo sát sơ bộ. Cụ thể từng vị trí và số lượng cổng sẽ được xác định đầy đủ trong bước lập dự án đầu tư xây dựng.
Báo Giao thông đưa tin, về mức thu phí, theo kết quả điều tra xã hội học cho thấy mức phí chấp nhận được của người dân là 22.300 đồng. Nếu thu phí ở mức này, sẽ có khoảng 55% người sử dụng phương tiện sẽ chấp nhận trả phí để đi lại nhanh chóng bằng các phương tiện xe ôtô 4 chỗ, số còn lại sẽ chuyển sang các phương tiện khác được miễn hoặc giảm phí. Vì vậy, mức phí tối thiểu phải lớn hơn mức sẵn sàng chi trả của người dân thì mới có tác dụng điều tiết hành vi giao thông. Việc thu phí không đặt mục tiêu lợi nhuận.
Số tiền thu được từ phí dùng để bù đắp chi phí vận hành và bảo trì (O&M) hàng năm. Sau khi bù hết chi phí O&M và chi phí đầu tư hệ thống thu phí, số tiền thu được còn lại sẽ nộp vào ngân sách thành phố và được sử dụng cho các mục đích nâng cao năng lực hệ thống giao thông đô thị, giảm ùn tắc giao thông của thành phố.
Tuy nhiên, liên quan đến phương án thu phí vào nội đô, nhiều chuyên gia đánh giá đề án thu phí là chưa thích hợp, ảnh hưởng đến quyền đi lại của người dân khi vận tải hành khách công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu.
Theo báo Sức khoẻ và Đời sống, TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam cho biết: Việc thu phí vào nội đô các nước đã triển khai từ lâu, Hà Nội cũng đặt ra từ nhiều năm nay. Nhưng khó thực hiện nhất là do mạng lưới giao thông của mình hiện nay là sự kết hợp của nhiều mạng lưới giao thông, vừa là mạng lưới ô bàn cờ, vừa là mạng lưới vành đai và trục xuyên tâm.
"Vậy nên đề xuất này là chưa thích hợp, tức là làm sao chọn ở những vị trí thích hợp nhất, đầu mối giao thông và đặc biệt phải xác định được các khu vực hạn chế giao thông. Với đề xuất vừa rồi, tôi thấy chưa thể lọc sạch được ô tô vào nội đô. Bởi trong nội đô hiện nay có những khu vực áp lực rất lớn về giao thông nhưng cũng có những khu vực chưa phải áp lực lớn thì có nên đặt ở đó các trạm kiểm soát thu phí hay không? Đấy là vấn đề cần phải đặt ra.
Tôi nghĩ Hà Nội với mạng lưới giao thông kết nối nhiều mô hình, nhiều thời kỳ khác nhau, trước hết nên lựa chọn thí điểm 4 quận nội đô lịch sử trước và chọn vùng để làm thí điểm đã, sau đó chúng ta sẽ xem xét triển khai tiếp", ông Nghiêm nói.
Còn theo Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam, đã đến lúc phải đặt ra vấn đề kiểm soát phương tiện ô tô vào nội đô theo kế hoạch đề ra. "Để thực hiện việc này có rất nhiều vấn đề, phải xem xét việc phân bố dân cư, đặc biệt phải xem xét lại việc tổ chức giao thông, bởi hiện nay có rất nhiều tuyến đường một chiều và người ta đã thấy có vấn đề rồi", ông Nghiêm nói và cho rằng phải xem xét lại luồng giao thông để tổ chức những điểm/trạm thích hợp thì mới đảm bảo được, nếu không hiệu quả sẽ không như mong muốn.
Trong khi đó, TS Khương Kim Tạo, nguyên phó Chánh Văn phòng Uỷ ban An toàn Giao thông Quốc gia nhìn nhận, việc thu phí xe vào nội đô để giảm ùn tắc giao thông sẽ gặp nhiều khó khăn. Trước hết, giao thông công cộng phải đảm bảo tối thiểu để mọi người chọn đó là giải pháp thay thế việc đi xe cá nhân. Trong khi đó, giao thông công cộng thực tế còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của mọi người.
Theo TS Khương Kim Tạo, khi giao thông công cộng chưa thuận tiện, người ta sẽ vẫn phải sử dụng phương tiện cá nhân. Nhưng cũng không phải ai cũng sẵn sàng hay có điều kiện để nộp phí, ví dụ như công nhân, viên chức, họ chỉ có thu nhập là lương, giờ phải trả phí cũng khó. Khi đó người ta sẽ có hiện tượng "lách" nộp phí bằng cách tránh các cung đường lớn có trạm thu phí, tìm đến các đường nhỏ, làm gia tăng việc ùn tắc ở các cung đường này.
Cùng với đó, nhiều người "có điều kiện" hơn thì sẽ tìm cách mua nhà vào phía trong vành đai để tránh việc phải trả phí thường xuyên, lâu dài. Như thế lại xảy ra hiện tượng người dân tập trung vào phía trong vành đai, càng tăng thêm ùn tắc trong nội đô. Trong khi mong muốn của chúng ta là giãn dân ra các khu vực ngoại thành...
Nhiều chuyên gia khác cũng cho rằng, đề án thu phí xe ô tô vào nội đô cần được nghiên cứu kỹ hơn, tránh những ảnh hưởng tiêu cực đến người dân.
Theo https://thuonghieuvaphapluat.vn/ha-noi-de-xuat-87-cong-thu-phi-muc-thu-tu-22300-dong-khi-vao-noi-do-d56270.html