(CLO) Theo các chuyên gia, Hà Nội nên bỏ yêu cầu kết quả xét nghiệm đối với việc đi lại của người dân qua các chốt cửa ngõ ra vào Thủ đô, đảm bảo cho người dân lưu thông được thuận lợi.
Hà Nội nên bỏ yêu cầu kiểm tra kết quả xét nghiệm?
Mới đây, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP của chính phủ ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.
Theo đó, cơ quan này yêu cầu các địa phương không chỉ định xét nghiệm đối với việc đi lại của người dân.
Hà Nội nên bỏ yêu cầu kết quả xét nghiệm đối với việc đi lại của người dân?
Trong ngày đầu tiên thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trong tình hình mới, tại Hà Nội 22 chốt cửa ngõ ra vào Thủ đô vẫn được thực hiện để kiểm soát phương tiện ra, vào thành phố.
Việc lưu thông tại các chốt dựa trên nguyên tắc kiểm soát người ra/vào thành phố. Đồng thời, lực lượng chức năng tiếp tục kiểm soát chặt chẽ người từ các vùng dịch, vùng nguy cơ cao vào thành phố.
Theo đó, ngoài giấy tờ tùy thân, người qua chốt cần phải xuất trình gồm giấy xác nhận xét nghiệm âm tính COVID-19, giấy đi đường hoặc giấy xác nhận ra vào Hà Nội để thực hiện nhiệm vụ công vụ, chống dịch.
Tuy nhiên, việc duy trì các chốt kiểm soát và kiểm tra các giấy tờ liên quan như giấy xét nghiệm âm tính COVID-19, giấy đi đường của Hà Nội, theo người dân là không cần thiết và gây nên sự bất tiện. Vì Bộ Y tế cũng đã yêu cầu các địa phương không chỉ định xét nghiệm đối với việc đi lại.
Trao đổi với PV Nhà báo và Công luận, Đại tá Trần Ngọc Dương, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, lực lượng chức năng tạm thời vẫn duy trì 22 chốt kiểm soát ra vào Thủ đô.
Theo Đại tá Phạm Ngọc Dương, hiện chưa có chỉ đạo của UBND TP Hà Nội về việc bỏ chốt hay dừng kiểm tra xét nghiệm COVID-19 trước khi vào thành phố nên Công an TP Hà Nội chưa thể tháo chốt kiểm soát. Tuy nhiên, các chốt sẽ linh hoạt để tránh gây ùn tắc.
Liên quan đến đến việc duy trì các chốt và yêu cầu kết quả xét nghiệm đối với người dân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Hà Nội - ông Bùi Danh Liên cho rằng: Việc thay đổi trong kiểm soát dịch là một bước tiến triển, chủ trương của Chính phủ là sống chung với dịch “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Các cơ quan Nhà nước cần có sự thống nhất chủ trương đảm bảo cho người dân lưu thông đi lại được thuận lợi.
Cũng theo ông Bùi Danh Liên, đối với việc yêu cầu kiểm tra kết quả xét nghiệm qua các chốt Hà Nội nên thống nhất bỏ quy định này, vì khi Bộ Y tế ra thống nhất chắc chắn đã có nghiên cứu kỹ lưỡng và nếu đã sống chung với dịch nên có những biện pháp quản lý, giám sát khác phù hợp hơn.
Phải bám sát, nắm chắc định hướng chỉ đạo
Nói về những biện pháp nới lỏng và chỉ đạo trong công tác phòng chống dịch tại Hà Nội trong thời gian qua, trao đổi với PV Nhà báo và Công luận, GS.TS, Anh hùng Lao động, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí cho rằng, công bằng mà nói Hà Nội có những chuyển biến chậm hơn so với yêu cầu của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, điều ấy thể hiện rất rõ qua dư luận phản ánh.
Tuy nhiên, GS.TS Nguyễn Anh Trí cũng đánh giá nhưng ngày qua Hà Nội cũng đã có những chuyển biến hoà chung vào cả nước với sự thay đổi theo tinh thần chỉ đạo chung.
GS.TS, Nguyễn Anh Trí lấy ví dụ như chuyện Hà Nội bỏ quy định cách ly tập trung 7 ngày đối với người về từ TP Hồ Chí Minh. Sau khi có ý kiến từ chuyên gia và dư luận xã hội Hà Nội đã có tiếp thu và thay đổi phù hợp.
“Hà Nội cần tiếp tục thay đổi hơn nữa, thay đổi phù hợp với các chỉ đạo của Chính phủ”, vị chuyên này nói.
Theo GS.TS, Nguyễn Anh Trí Nghị quyết 128/NQ-CP 2021 Quy định tạm thời Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, hưởng dẫn rất cụ thể, rõ ràng trong đó có thể nhìn thấy việc giao quyền quyết định cho địa phương là rất rõ, nên các địa phương phải bám sát, nắm chắc định hướng chỉ đạo “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” để áp dụng và thay đổi phù hợp.
GS.TS, Nguyễn Anh Trí lấy ví dụ, như việc bùng phát dịch tại TP Phủ Lý (Hà Nam) mới đây, tỉnh này dự kiến giãn cách xã hội toàn bộ TP Phủ Lý theo Chỉ thị 16 với khoảng 180.000 dân. Ngay sau đó Thủ tướng đã gọi điện cho lãnh đạo tỉnh yều cầu nêu rõ việc phong toả là đúng nhưng phải rất gọn, bởi giãn cách diện rộng như vậy, tỉnh sẽ gặp rất nhiều khó khăn về lưu thông hàng hóa, cung cấp nhu yếu phẩm cho người dân, ảnh hưởng tới kinh tế xã hội. Sau đó Hà Nam đã làm đúng theo yêu cầu chỉ đạo thì dịch ở Phủ lý dập được rất nhanh.
Theo GS.TS, Nguyễn Anh Trí, từ câu chuyện phòng chống dịch tại TP Phủ Lý, các địa phương nên rút ra bài học và nhân rộng trong công tác phòng chống, dịch.
GS.TS, Nguyễn Anh Trí nói thêm, việc giao quyền quyết định cho địa phương là rất đúng, nên các địa phương cần căn cứ và dựa trên tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để thực hiện cho hiệu quả.
“Tôi mong rằng với tinh thần này thời gian tới sẽ có những biến chuyển hiệu quả hơn trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và khôi phục sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội, đưa đời sống sinh hoạt của Nhân dân dần trở lại tình trạng bình thường mới”, GS.TS, Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh.
Theo https://congluan.vn/ha-noi-nen-bo-yeu-cau-ket-qua-xet-nghiem-doi-voi-viec-di-lai-cua-nguoi-dan-post161439.html