(THPL) - Sở GTVT Hà Nội vừa thống kê 36 trường hợp bị xử phạt vì thi công đào hè đường không phép, sai phép, vi phạm các quy định về trật tự, ATGT cũng như vệ sinh môi trường.
Theo báo Tiền phong, Thanh tra Sở GTVT Hà Nội cho biết, thời gian gần đây, các đơn vị như Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông, Công ty CP Công trình giao thông Hà Nội nhiều lần phản ánh về việc thi công đào hè, đường, hoàn trả mặt đường không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật gây mất ATGT và mỹ quan đô thị trên địa bàn các quận, huyện: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Long Biên, Hà Đông, Mê Linh, Thạch Thất, Ứng Hòa.
Do vậy, Thanh tra Sở GTVT đã thực hiện kiểm tra, chấn chỉnh. Cụ thể, từ ngày 29/11 – 31/12/2021, Thanh tra Sở GTVT Hà Nội đã phối hợp với lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý 36 trường hợp vi phạm, với tổng số tiền phạt hơn 288 triệu đồng.
Theo báo Dân Việt, hầu hết các lỗi vi phạm chủ yếu là: Không hoàn trả phần đường theo nguyên trạng khi thi công xong; Đào hè phố trái phép; Thi công công trình trong phạm vi đất dành cho đường bộ không thực hiện theo đúng các quy định trong giấy phép thi công của cơ quan có thẩm quyền;
Để phương tiện thi công ngoài phạm vi thi công gây cản trở giao thông; Thi công công trình trong phạm vi đất dành cho đường bộ không có giấy phép thi công theo quy định; Xẻ đường trái phép...
Các quận huyện có đơn vị thi công vi phạm nhiều nhất, gồm Ba Đình 8 đơn vị, trong đó có Cty CP viễn thông FPT, Cty TNHH MTV Hacosco8, Công ty CP PNP Toàn Cầu; quận Bắc Từ Liêm có 3 đơn vị, gồm Công ty CP xây dựng HTĐT Hà Nội, Công ty CP tư vấn đầu tư hạ tầng và năng lượng điện; quận Cầu Giấy 3 đơn vị; quận Hoàn Kiếm 3 đơn vị, quận Hai Bà Trưng 3 đơn vị…
Báo Kinh tế và Đô thị đưa tin, mỗi năm Hà Nội tốn hàng nghìn tỷ đồng để duy tu, sữa chữa hè, đường, đảm bảo trật tự, ATGT cho người dân đi lại. Công tác dọn dẹp vệ sinh môi trường cũng đang ngày càng trở nên nặng nề, tốn kém hơn. Nếu không thay đổi thói quen “xử phạt hành chính”, thành phố sẽ còn phải tiếp tục chịu đựng nạn đào hè, đường cẩu thả, tự ý làm biến dạng hạ tầng phục vụ mục đích riêng.
Việc đầu tiên cần làm là tăng mạnh mức phạt tiền. Hiện nay ngoài chịu phạt tiền, các tổ chức, cá nhân vi phạm còn phải hoàn trả nguyên trạng hè, đường. Nhưng nếu chất lượng hoàn trả kém, đơn vị quản lý, duy tu vẫn phải xin kinh phí TP để tu bổ. Bởi vậy, để giảm thiểu gánh nặng cho ngân sách, cần tăng gấp nhiều lần mức phạt hành chính, trích lập một quỹ dự phòng cho sửa chữa, tôn tạo hè đường những khu vực bị cày xới trái phép, sai phép.
Mặt khác, nếu có thể bị xử phạt đến vài chục triệu, thậm chí cả trăm triệu đồng, chắc chắn các đơn vị thi công hạ ngầm hay người dân đều sẽ có ý thức chấp hành tốt hơn các quy định của pháp luật. Như thời gian qua, nhiều lỗi vi phạm giao thông tăng gấp 4 - 6 lần mức phạt đã thực sự phát huy hiệu quả, khiến người tham gia giao thông tự giác hơn hẳn trong việc nâng cao ý thức chấp hành.
Bên cạnh việc xử phạt hành chính, các cấp chức năng cần nghiên cứu, xem xét bổ sung một số hình thức phạt khác, đặc biệt là đối với các tổ chức, doanh nghiệp. Có thể đưa vào đánh giá chất lượng DN, quy trách nhiệm người đứng đầu các DN, tổ chức. Thậm chí, với những đơn vị cố tình tái phạm nhiều lần có thể tạm ngưng có thời hạn hoạt động kinh doanh tại khu vực vi phạm; hoặc từ chối cấp phép thi công hạ ngầm các lần kế tiếp.
Theo https://thuonghieuvaphapluat.vn/ha-noi-xu-phat-36-don-vi-dao-duong-cau-tha-d50127.html