(CLO) Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đồng ý việc học sinh, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn được xem xét vay vốn ưu đãi từ gói tín dụng 7.500 tỷ đồng tại Nghị quyết số 68/NQ-CP để mua máy tính, thiết bị học tập phục vụ học trực tuyến.

Văn phòng Chính phủ cho biết, vừa qua, Bộ Tài chính có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn chủ trương cho phép bổ sung cơ chế để học sinh, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn được xem xét vay vốn ưu đãi từ gói tín dụng 7.500 tỷ đồng tại Nghị quyết số 68/NQ-CP để mua máy tính, thiết bị học tập phục vụ học trực tuyến.

Xét đề nghị trên của Bộ Tài chính, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã đồng ý với đề nghị của Bộ Tài chính và giao Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan liên quan nghiên cứu, báo cáo Chính phủ về việc bổ sung chính sách về gói tín dụng hỗ trợ học sinh, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn để mua máy tính, thiết bị học tập phục vụ học trực tuyến trong quá trình sửa đổi Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

hoc sinh sinh vien se duoc vay von uu dai de mua may tinh hoc truc tuyen hinh 1

Trang bị máy vi tính cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn của Trường Tiểu học Nghi Tân, Nghệ An. Ảnh: Mỹ Hà.

Theo đề xuất của Bộ Tài chính trong văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về gói tín dụng:

+ Hỗ trợ học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn (chẳng hạn những em thuộc hộ nghèo, cận nghèo, gặp khó khăn do ảnh hưởng của Covid-19, có bố hoặc mẹ mất do dịch bệnh và chưa có máy tính học tập) để mua máy tính, thiết bị học tập phục vụ học tập trực tuyến.

+ Mức cho vay được đề xuất tối đa là 7 triệu đồng/học sinh, sinh viên. Với mức cho vay tối đa này, dự kiến tổng nguồn vốn bố trí để cho vay là khoảng 3.500 tỷ đồng. Lãi suất cho vay là 0%/năm, lãi suất nợ quá hạn là 6,6%/năm.

+Thời hạn cho vay dưới 1 năm, tương tự như đối với chính sách hỗ trợ cho vay trả lương theo quy định tại Nghị quyết số 68/NQ-CP. Thời gian giải ngân các khoản vay này từ ngày Quyết định của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực thi hành đến hết ngày 31/3/2022.

Trước đó, vào tối 12/9/2021 đã Lễ phát động Chương trình “Sóng và máy tính cho em”, chương trình do Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) chủ trì, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) phối hợp tổ chức.

Theo tổng hợp của Bộ Giáo dục & Đào tạo, đến thời điểm ngày 12/9, cả nước có 26/63 tỉnh/thành phố đang học trực tuyến (một số tỉnh chỉ học trực tuyến một số vùng, có tỉnh không giản cách nhưng nguy cơ cao vẫn cho học trực tuyến), với số học sinh đang học trực tuyến ước khoảng 7,35 triệu học sinh. Số học sinh chưa có máy tính để học trực tuyến tại 26 tỉnh/thành phố đang học trực tuyến cần hỗ trợ ước khoảng 1,5 triệu em.

Chương trình “Sóng và máy tính cho em” được xây dựng và triển khai với mục đích hỗ trợ các em học sinh, đặc biệt là các em học sinh đang ở vùng có dịch Covid-19 (thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg) có điều kiện để học tập trực tuyến hiệu quả. Chương trình ưu tiên hỗ trợ máy tính, dịch vụ viễn thông đối với những học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.

Hưởng ứng chương trình này, tại nhiều địa phương, chương trình được thực hiện một cách quyết liệt và có hiệu quả. Như tại Hà Nội vào ngày 15/9/2021 vừa qua, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội tổ chức Chương trình “Sóng và máy tính cho em” trao hỗ trợ đợt 1 năm học 2021-2022 và công bố kho học liệu điện tử ngành GD&ĐT Hà Nội.

Tại chương trình, gần 4.000 bộ máy tính và 10.000 sim data truy cập internet miễn phí đã được các tổ chức trong và ngoài ngành trao tặng để gửi tới những học sinh gặp khó khăn trong học tập trực tuyến. Cụ thể: Tập đoàn CMC ủng hộ 3.600 máy tính bảng; VNPT Hà Nội trao tặng 10.000 sim data truy cập internet miễn phí trong năm 2021; các phòng GD&ĐT quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hoàng Mai, Tây Hồ, Thanh Xuân và Trường THPT Phan Huy Chú-Đống Đa ủng hộ gần 100 bộ máy tính bàn và máy tính bảng mới… 

Đồng thời, Ban Tổ chức đã trao tặng 62 bộ máy tính cho các huyện và đơn vị trực thuộc địa bàn khó khăn để hỗ trợ các học sinh đang thiếu thiết bị học tập. Cụ thể, trao tặng 5 huyện: Phúc Thọ, Mê Linh, Phú Xuyên, Ứng Hòa, Mỹ Đức mỗi huyện 10 bộ máy tính; trao tặng 2 trường THPT Minh Quang và THPT Bất Bạt, Ba Vì mỗi đơn vị 6 bộ máy tính. 

Còn tại Nghệ An, sau 10 ngày triển khai hỗ trợ thiết bị học trực tuyến cho học sinh (từ 30/8 đến 9/9), Sở GD&ĐT - Công đoàn Giáo dục Nghệ An, các huyện, thành, thị, các Phòng Giáo dục và Đào tạo, các trường học đã vận động được 60 máy tính, 583 điện thoại với tổng giá trị  gần 1,6 tỷ đồng. Toàn bộ đã được kịp thời trao cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh.

Theo https://congluan.vn/hoc-sinh-sinh-vien-se-duoc-vay-von-uu-dai-de-mua-may-tinh-hoc-truc-tuyen-post159630.html

 

 

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer