(THPL) - Mới đây ngày 23/9, tại công trường thi công Dự án đầu tư xây dựng đường Tỉnh lộ 287 đoạn chạy qua xã Lạc Vệ (huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) đã khiến một bé trai lớp 5 trường Tiểu học Lạc Vệ 2 bị đuối nước tử vong tại vị trí lắp đặt ống nước do nhà thầu thi công “ẩu” khiến dư luận vô cùng bức xúc.

 

Dự án đầu tư xây dựng đường Tỉnh lộ 287 đoạn từ xã Hoàn Sơn đến nút giao đường dẫn phía Bắc cầu Phật Tích - Đại Đồng Thành (lý trình Km5+00÷ Km8+650), huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh với tổng mức đầu tư 326,38 tỷ đồng do Ban quản lý dự án xây dựng giao thông Bắc Ninh (Sở Giao thông vận tải Bắc Ninh) làm chủ đầu tư. Do dự án chậm tiến độ nên đã xin điều chỉnh thời gian thực hiện dự án từ “năm 2019-2023” sang “năm 2021-2024”.

Được biết, ngày 23/9 tại công trường thi công Dự án đầu tư xây dựng đường tỉnh lộ 287 đoạn chạy qua xã Lạc Vệ (huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) đã có một bé trai tên Đ.H.Đ (sinh năm 2012, thôn An Động, xã Lạc Vệ, học sinh lớp 5 Trường Tiểu học Lạc Vệ 2 bị đuối nước tử vong tại vị trí lắp đặt ống nước do nhà thầu thi công “ẩu” như tại vị trí thi công không có bất kỳ biển cảnh báo nào, hay dây chăng cảnh báo khu vực nguy hiểm tại thời điểm đó, mặc dù vị trí thi công khiến bé trai tử vong lại là đoạn đường lối mà người dân vẫn thường xuyên qua lại và cũng cách khu dân cư không bao xa.

 

Hiện trường sau khi cháu bé gặp nạn đơn vị thi công mới cắm biển cảnh báo và chăng dây sơ sài chứ trước đó không hề có bất kỳ biển báo cảnh báo hay chăng dây cảnh báo an toàn nào.

“Bây giờ thì họ có biển cảnh báo và dây chăng khu vực nguy hiểm rồi, còn cái sai của họ là trước khi xảy ra tai nạn không hề có bất kỳ biển cảnh báo hay dây chăng nào cả”- ông Nguyễn Văn Đà, Phó Chủ tịch UBND xã Lạc Vệ cho biết.

Một người dân đang phơi lúa gần khu vực xảy ra tai nạn cho hay: “Khu vực xảy ra tai nạn đó bình thường bọn trẻ con vẫn ra chơi, hôm đó đâu có 3-4 đứa gì đó ra đó chơi thì chỉ có cháu Đ.H.Đ xuống tắm vì cháu biết bơi còn mấy đứa kia không biết bơi nên ngồi ở trên, có người đi qua thấy mấy đứa ngồi trên lắp cống mới hỏi “chúng mày ngồi đây làm gì?” thì mấy đứa bảo anh nó vẫn ở dưới, sau đó đã nhảy xuống vớt cháu Đ.H.Đ lên thì thấy tim vẫn đập, gia đình đã đưa cháu lên Hà Nội để chữa trị nhưng không qua khỏi”.

 

Đoạn đường đang thi công nơi xảy ra vụ tai nạn vắt ngang qua con đường mà người dân vẫn thường xuyên qua lại, nơi lũ trẻ vẫn hay ra chơi mỗi buổi chiều. Trước khi xảy ra vụ tai nạn không hề có bất kỳ biển cảnh báo an toàn hay chăng dây cảnh báo nào.

Người dân nơi đây cũng cho biết thêm, trước thời điểm xảy ra tai nạn thì đơn vị thi công không có bất kỳ biển cảnh báo hay căng dây cảnh báo an toàn nào mà cho tới khi xảy ra vụ việc đau lòng nêu trên thì đơn vị thi công mới cắm biển cảnh báo và chăng dây rất sơ sài.

Theo luật sư Nguyễn Văn Thịnh (Văn phòng luật sư Nguyễn Thịnh), Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 22, trong đó quy định công trường phải có biển báo và rào chắn báo hiệu nguy hiểm. Trường hợp công trình thiếu các biện pháp bảo đảm an toàn và gây chết người thì có thể khởi tố theo điều 227 Bộ Luật Hình sự (BLHS) về tội “Vi phạm về an toàn lao động, vệ sinh lao động, an toàn ở những nơi đông người”. Trường hợp công trình đã hoàn thành, nghiệm thu và bàn giao cho chủ đầu tư, tai nạn xảy ra thì các cá nhân có thể chịu trách nhiệm pháp lý về tội “Vi phạm quy định về duy tu, sửa chữa, quản lý các công trình giao thông” (điều 220 BLHS). Ngoài ra, có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự về các tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” (điều 285 BLHS) và “Vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính” (điều 109 BLHS).

Theo https://thuonghieuvaphapluat.vn/huyen-tien-du-bac-ninh-nha-thau-thi-cong-au-du-an-duong-tinh-lo-287-khien-mot-tre-em-tu-vong-a-binh-gui-nhap-d56176.html

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer