(CLO) Viện KSND TP. HCM khẳng định bản án của TAND TP. Thủ Đức có nhiều vi phạm và đề nghị TAND TP. HCM hủy bản án sơ thẩm.
Đề nghị hủy bản án sơ thẩm
Vụ án kinh tế tranh chấp Hợp đồng giữa Công ty Tân Việt An và Công ty Đức Mạnh đã được Tòa án nhân dân quận 2 (nay là TAND TP. Thủ Đức) xét xử sơ thẩm, TAND TP. HCM xét xử phúc thẩm và sau đó Tòa án cấp cao tại TP. HCM quyết định giám đốc thẩm.
VKSND TP. HCM đề nghị hủy bản án sơ thẩm 1536 của TAND TP. Thủ Đức.
Điểm chung của 3 cấp Tòa đều nhận định là cả 2 bên đều vi phạm hợp đồng, vì thế yêu cầu các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Vấn đề khác nhau là xác định thời gian tính lãi suất theo tỉ lệ ngân hàng.
Tuy nhiên, sau khi xét xử lại, TAND TP. Thủ Đức lại đưa ra những nhận định trái ngược hoàn toàn với nhận định của Tòa án cấp cao tại TP. HCM và TAND TP. HCM cũng như trái ngược với nhận định của chính mình trước đó để ngày 5/5/2022 tuyên bản án 1536/2022/KDTM-ST với nội dung làm cho nhiều luật sư bất ngờ.
Liên quan vụ việc, báo Nhà báo & Công luận thông tin qua các bài viết: "Cần làm rõ những khuất tất trong bản án của Tòa án nhân dân TP. Thủ Đức" và "Khuất tất trong bản án của TAND TP. Thủ Đức: Hợp đồng vô hiệu vì vi phạm luật cấm".
Sau báo Nhà báo & Công luận phản ánh cùng với việc xem xét hồ sơ vụ án; các tài liệu, chứng cứ, Viện kiểm sát nhân dân TP. HCM (VKSND TP. HCM) khẳng định TAND TP. Thủ Đức vi phạm hàng loạt vấn đề. Chính vì thế, VKSND TP. HCM đã quyết định kháng nghị toàn bộ Bản án sơ thẩm số 1536 của TAND TP. Thủ Đức. Đồng thời, đề nghị TAND TP. HCM xét xử phúc thẩm vụ án theo hướng hủy bản án sơ thẩm trên.
Vi phạm trong việc thu thập, đánh giá chứng cứ
Theo VKSND TP. HCM, ngày 21/6/2010, Công ty Tân Việt An và Công ty Đức Mạnh ký Hợp đồng số 01 (HĐ-01) với những điều khoản đúng như phần Nhận định của Bản án sơ thẩm đã nêu.
Tuy nhiên, sau khi ký HĐ-01, đến ngày 13/10/2010 các bên có Biên bản họp và đến ngày 14/10/2010 có Biên bản bàn giao mặt bằng số 02 giữa Công ty Đức Mạnh và Công ty Tân Việt An. Trong đó, các bên có thỏa thuận: “Một phần diện tích đất thuộc bản án giải quyết tranh chấp có hiệu lực pháp luật thì Tân Việt An tiến hành bồi thường, giải phóng mặt bằng và bàn giao cho Đức Mạnh”.
Đồng thời, ngày 24/12/2010, Công ty Tân Việt An và Công ty Đức Mạnh tiếp tục ký Biên bản ghi đây là phần không tách rời của HĐ-01. Trong đó, mỗi bên nêu ý kiến: "Tân Việt An: ...diện tích đất đang tranh chấp thì sẽ bàn giao sau khi bồi thường xong"; "Đức Mạnh: Đồng ý sẽ nhận phần diện tích đất tranh chấp sau khi Tân Việt An giải quyết việc bồi thường xong”.
Cuối cùng, 2 bên thống nhất “... phần diện tích đất đang tranh chấp thì sẽ bàn giao sau khi bồi thường xong”.
Ngoài ra, căn cứ vào Thông báo số 111/TB-VP ngày 21/4/2011 của Văn phòng UBND Quận 2 về nội dung kết luận và chỉ đạo của ông Nguyễn Cư, Phó Chủ tịch Thường trực UBND quận 2 tại buổi làm việc về nghe giải quyết vướng khó trong Dự án xây dựng khu nhà ở cán bộ, công nhân viên do Công ty Trường Thịnh làm Chủ đầu tư thể hiện khó khăn trong việc bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng là có thật, thực tế đã phát sinh các tranh chấp xuất phát từ việc giải tỏa, đền bù cho các hộ gia đình, tổ chức và các chủ thể có đất bị thu hồi, đền bù, giải tỏa đang khởi kiện tại Tòa án nhân dân.
"Như vậy, bằng các Biên bản sau ngày ký Hợp đồng số 01, Công ty Đức Mạnh đã chấp nhận việc chậm thực hiện nghĩa vụ của Công ty Tân Việt An (liên quan đến diện tích 600m2 còn tranh chấp thuộc khuôn viên Lô C1) nên việc chậm bàn giao mặt bằng không coi là vi phạm của Công ty Tân Việt An", VKSND TP. HCM nêu.
Sự việc tranh chấp kéo dài cho đến thời điểm TAND TP. Thủ Đức xét xử sơ thẩm vẫn chưa giải quyết xong. Bản thân Công ty Trường Thịnh (Chủ đầu tư Dự án) khi được triệu tập tham gia vụ án với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, tại Biên bản hòa giải ngày 08/4/2021 cũng xác định: Đối với phần diện tích đất 600m2 chưa được giải phóng mặt bằng thuộc Lô C1 thì hiện đang tranh chấp và giải quyết trong vụ án do TAND TP. HCM thụ lý và Công ty Trường Thịnh là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ kiện này.
Việc Công ty Tân Việt An có vi phạm về tiến độ bàn giao mặt bằng theo thỏa thuận trong Hợp đồng số 01 vì có một phần diện tích 600m2 trong Lô C1 đang bị tranh chấp và TAND TP. HCM đang giải quyết, việc chậm trễ này nằm ngoài tầm kiểm soát của Công ty Tân Việt An.
Theo VKSND, TAND TP. Thủ Đức trong quá trình giải quyết vụ kiện đã không xem xét, đánh giá các thỏa thuận giữa 02 bên sau ngày ký HĐ-01 để từ đó thu thập tài liệu, chứng cứ từ phía Công ty Trường Thịnh đối với tranh chấp phát sinh từ việc giải phóng mặt bằng, bồi thường, đền bù để loại trừ lỗi của Công ty Tân Việt An như thỏa thuận mà xác định Công ty Tân Việt An vi phạm HĐ-01 là chưa thu thập, đánh giá hết các tài liệu, chứng cứ có trong vụ kiện.
Vi phạm của Tòa làm phát sinh bồi thường
VKSND TP. HCM cho rằng, chính vì TAND TP. Thủ Đức xác định Công ty Tân Việt An vi phạm nghĩa vụ trong Hợp đồng nên từ đó làm phát sinh trách nhiệm bồi thường số tiền 115.000.000.000 đồng.
Theo VKSND TP. HCM, do hành vi của Công ty Tân Việt An không thỏa yếu tố “có hành vi vi phạm” HĐ-01 nên không phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại trên thực tế.
"Bên cạnh, dù theo quy định của pháp luật hay thỏa thuận giữa các bên trong HĐ-01 cũng không làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại của Công ty Tân Việt An, TAND TP. Thủ Đức chấp nhận và tuyên Công ty Tân Việt An phải bồi thường cho Công ty Đức Mạnh số tiền 115 tỷ đồng do vi phạm Hợp đồng số 01 là không có cơ sở", QĐ kháng nghị của Viện KSND TP. HCM nêu rõ.
Áp dụng mức lãi suất nợ quá hạn không phù hợp
VKSND TP. HCM cũng cho rằng: hành vi chậm bàn giao mặt bằng của Công ty Tân Việt An không được xem là vi phạm HĐ-01 nên không phát sinh trách nhiệm từ hành vi vi phạm theo mức lãi suất thỏa thuận.
Căn cứ Công văn số 99-14/CV-DMC ngày 18/4/2014 do Công ty Đức Mạnh gửi cho Công ty Tân Việt An thì Công ty Đức Mạnh đã Thông báo đơn phương chấm dứt HĐ-01.
Trường hợp này chịu sự điều chỉnh của quy định tại Bộ luật Dân sự 2005 (nay là Bộ luật Dân sự 2015), cụ thể là theo quy định tại Điều 426 Bộ luật Dân sự 2005 (Điều 428 Bộ luật Dân sự 2015). Do đó, nếu Công ty Tân Việt An không thực hiện nghĩa vụ hoàn trả thì phải chịu trả lãi do chậm thực hiện nghĩa vụ theo quy định tại Điều 305 Bộ luật Dân sự 2005 (Điều 357 Bộ luật Dân sự 2015).
Căn cứ quy định tại Điều 11 của Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì trường hợp này không thuộc phạm vi điều chỉnh của Điều 306 Luật Thương mại 2005. Do đó, không thể áp dụng lãi suất nợ quá hạn trung bình để tinh cho nghĩa vụ chậm trả của Công ty Tân Việt An.
Tuy nhiên, Tòa án cấp sơ thẩm lại căn cứ vào thỏa thuận tại khoản 11.1 Điều 11 Hợp đồng số 01 cũng như Điều 306 Luật Thương mại 2005 để quyết định mức lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường để buộc Công ty Tân Việt An phải chịu trong giai đoạn xét xử cũng như thi hành án là không phù hợp.
Báo Nhà báo & Công luận sẽ tiếp tục vấn đề.
Theo https://congluan.vn/khuat-tat-trong-ban-an-cua-tand-tp-thu-duc-vi-pham-trong-viec-thu-thap-danh-gia-chung-cu-post201287.html