(CLO) Từ thực tế trong thu hồi tài sản tham nhũng, ông Vũ Quốc Hùng–Nguyên Phó Chủ nhiệm UBKTTW cho rằng, phải rà soát các quy định của pháp luật, kiểm soát được tài sản của quan chức; phát huy vai trò của MTTQ, các đoàn thể và nhân dân, đặc biệt là vai trò của báo chí trong đấu tranh, phòng chống tham nhũng.

Tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng vẫn thấp so với tài sản bị chiếm đoạt, thiệt hại

Mới đây, Bộ Tư pháp vừa tổ chức cuộc họp liên ngành Trung ương gồm các cơ quan là: Ban Nội chính Trung ương, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cùng đại diện Bộ Tài nguyên & Môi trường và lãnh đạo cấp vụ của các bộ, ngành và một số lãnh đạo đơn vị thuộc Bộ Tư pháp nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.

kiem soat tai san la goc re trong thu hoi tai san tham nhung hinh 1

Ngày 02/6/2021, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 04-CT/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế”, yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng thực hiện nghiêm túc 07 nhiệm vụ, giải pháp, nhiệm vụ nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác này. Ảnh: Phiên họp thứ 20 của Ban Chỉ đạo PCTN do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì.

Nhìn lại thực tế thời gian qua có thể cho thấy, công tác thu hồi tài sản tham nhũng đang được đặc biệt quan tâm, đẩy mạnh nhưng để đạt được hiệu quả cao thì cần những giải pháp hết sức cụ thể để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác này. 

Mới đây, trong báo cáo của Chính phủ gửi cơ quan của Quốc hội về công tác phòng, chống tham nhũng, thi hành án năm 2021 cho biết, năm 2021, công tác thi hành án nói chung, thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế nói riêng tiếp tục được các cơ quan chức năng chú trọng. Tuy nhiên, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng vẫn thấp so với tài sản bị chiếm đoạt, thiệt hại.

Số liệu kết quả thi hành án liên quan đến thu hồi tài sản tham nhũng (tính trong kỳ báo cáo từ 1/10/2020 đến 31/7/2021) cho thấy, 3.047 việc có điều kiện thi hành với tổng số tiền, giá trị tài sản trên 33.234 tỷ đồng; đã thi hành xong 1.745 việc, với số tiền, giá trị tài sản đã thu hồi được hơn 2.008 tỷ đồng.

Ví dụ cho việc thu hồi tài sản tham nhũng thấp có thể kể đến hàng loạt các đại án lớn như: Vụ án Dương Chí Dũng - nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinalines và đồng phạm phải bồi thường 110 tỷ đồng, nhưng mới thi hành được trên 21 tỷ đồng.

Vụ "đại án" kinh tế Huỳnh Thị Huyền Như, tòa tuyên án bị cáo phải sung công 9.000 tỷ đồng, nhưng qua thẩm tra, thẩm định, chỉ thu về cho Nhà nước được hơn 500 tỷ đồng.

Trong 2 vụ án, bị cáo Đinh La Thăng mới chỉ nộp được 4,5 tỉ đồng trên tổng số 630 tỉ đồng phải thi hành. Còn bị cáo Trịnh Xuân Thanh, cựu Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty xây lắp Dầu khí Việt Nam cũng mới chỉ thi hành xong 31 tỉ đồng trong tổng số bồi thường là 122 tỉ đồng, còn 91 tỉ đồng phải nộp chưa thu hồi được....

Chỉ ra nguyên nhân của việc thu hồi tài sản tham nhũng còn hạn chế, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi cho biết, các vụ án kinh tế, tham nhũng “hết sức đặc thù”, số tiền phải thi hành án trong loại án này chiếm 24,5%, nhưng chỉ tập trung chủ yếu vào hai địa bàn là TP HCM và Đà Nẵng, với những đại án như Phan Văn Anh Vũ, Phạm Công Danh, Hứa Thị Phấn...

Một nguyên nhân nữa được ông Mai Lương Khôi chỉ ra là theo kế hoạch, những công việc này được thực hiện trong những tháng giữa năm 2021, nhưng do dịch COVID -19 bùng phát nên chưa thực hiện được theo tiến độ. Bên cạnh đó là còn một bộ phận cán bộ, công chức thi hành án chưa làm hết trách nhiệm, có sai sót, vi phạm khiến kết quả năm 2021 đạt thấp.

kiem soat tai san la goc re trong thu hoi tai san tham nhung hinh 2

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi.

Còn theo Ths. Bùi Thị Thu Huyền (Ban Nội chính Trung ương), nguyên nhân của yếu kém, bất cập trong thu hồi tài sản tham nhũng là, nhận thức về thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án về tham nhũng, kinh tế của một số cơ quan chức năng còn hạn chế.

Cũng theo bà Huyền, hầu hết các Tỉnh ủy, Thành ủy chưa ban hành văn bản chỉ đạo công tác thu hồi tài sản tham nhũng. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo kiểm tra, giám sát, kiểm sát việc thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế nhìn chung chưa được quan tâm đúng mức, chủ yếu lồng ghép vào việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát về thanh tra vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, nên hiệu quả chưa cao. 

Cùng với đó, các quy định về thu hồi tài sản tham nhũng còn mang tính nguyên tắc; chưa cụ thể, để chỉ rõ thẩm quyền, trách nhiệm, trình tự, thủ tục thu hồi tài sản tham nhũng; nhiều quy định còn vướng mắc, thiếu đồng bộ, thống nhất và khả thi…

Phải kiểm soát được tài sản của quan chức

Trao đổi với phóng viên báo Nhà báo &Công luận về những biện pháp nhằm thực hiện có hiệu quả công tác thu hồi tài sản tham nhũng, ông Vũ Quốc Hùng – Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKTTW) cho biết, một trong những việc khi đấu tranh chống tham nhũng ngoài việc xử lý các đối tượng tham nhũng thì phải xử lý, thu hồi tài sản do tham nhũng mà có – đây là những tài sản các đối tượng này lấy của dân.

Theo ông Vũ Quốc Hùng, hiện nay, công tác thu hồi tài sản tham nhũng chưa đạt hiệu quả cao, dư luận chưa hài lòng thì cũng dễ hiểu vì đây là những “nhóm lợi ích” đã xây dựng nên “lợi ích nhóm” nhằm tham nhũng của cải, vật chất.

kiem soat tai san la goc re trong thu hoi tai san tham nhung hinh 3

Ông Vũ Quốc Hùng – Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Nguyên Phó Chủ nhiệm UBKTTW cho rằng, để thu hồi tài sản tham nhũng đạt hiệu quả cao, phải tiếp tục rà soát lại các quy định của pháp luật để khi đưa ra xét xử để đảm bảo đúng người, đúng tội, xác định tài sản cần thu hồi một cách chính xác nhất. Đặc biệt là việc xác định được những đối tượng nằm trong các “nhóm lợi ích”.

“Một vụ án tham nhũng của nhóm lợi ích để gây dựng lợi ích nhóm thì phải xác định những ai trong nhóm lợi ích ấy để không bị oan sai. Giả sử đối tượng đưa hối lộ cho một ông chủ chốt nào đó mà đưa bằng tay, không có dấu hiệu thì xác định thế nào? Cho nên phải tiếp tục nghiên cứu, rà soát các quy định”, ông Vũ Quốc Hùng nói.

Việc tiếp theo là các cơ quan quản lý phải kiểm soát được tài sản của quan chức, cán bộ, người có chức vụ, quyền hạn; ông Vũ Quốc Hùng cho rằng, đây là gốc rễ của vấn đề, bởi khi người có chức vụ, quyền hạn bị phát hiện tham nhũng thì việc thu hồi tài sản tham nhũng sẽ hiệu quả hơn.

“Làm rất rõ những tài sản của các cá nhân, từ lâu chúng ta nói rất rõ là phải khai báo tài sản, phải xem việc khai báo tài sản của các quan chức đã đầy đủ chưa? Nghiên cứu kĩ lưỡng để kiểm soát việc khai báo tài sản này, một cách không thô bạo, không thô bỉ nhưng cơ quan quản lý phải biết ngay từng người một. Một cá nhân nào tự nhiên thấy tài sản nổi lên thì do đâu mà có, nếu do làm ăn chân chính thì không nói làm gì nhưng do ăn của đút lót, nhận hối lộ thì đó là tham nhũng. Phải đi vào những vấn đề hết sức cụ thể, đi vào từng địa chỉ, từ địa chỉ ấy thì sẽ đòi lại được những tài sản đối tượng tham nhũng lấy của dân, mà lấy của dân thì phải trả lại dân”, Nguyên Phó Chủ nhiệm UBKTTW nêu.

kiem soat tai san la goc re trong thu hoi tai san tham nhung hinh 4

Biệt thự "khủng" diện tích 3.400m2 tại thị trấn Tam Đảo (Vĩnh Phúc) do Trịnh Xuân Thanh bàn bạc với Đỗ Văn Hồng, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư và xây lắp Dầu khí Kinh Bắc (PVC Kinh Bắc) mua bằng tiền tạm ứng trái quy định của PVC từ năm 2010, gây thiệt hại cho PVC hơn 13 tỉ đồng. Ảnh: Mạnh Quân.

Cho rằng vai trò của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức trong việc thu hồi tài sản tham nhũng là rất quan trọng, ông Vũ Quốc Hùng cho rằng, cần phải lựa chọn những người đứng đầu có tâm và có tầm, dám làm, dám chịu trách nhiệm; thực hiện lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt việc tự kiểm tra, thanh tra nội bộ, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các sai phạm, tiêu cực trong quá trình thu hồi tài sản tham nhũng.

“Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý từ Trung ương đến địa phương phải quán triệt những quy định của Đảng và những điều nhắc nhở của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong đấu tranh, phòng chống tham nhũng. Điều này là rất quan trọng”, ông Vũ Quốc Hùng nhấn mạnh.

Nguyên Phó Chủ nhiệm UBKTTW cũng nhấn mạnh cần nêu cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, của mọi tầng lớp nhân dân trong giám sát việc thu hồi tài sản tham nhũng. Đặc biệt là phát huy vai trò của báo chí trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng.

“Báo chí phải nhắc đi nhắc lại liên tục, đã nêu rồi phải nêu thường xuyên để thấm vào những người có tâm trong sáng. Cùng với đó là phát hiện ra tham nhũng, sai phạm trong việc thu hồi tài sản tham nhũng phải nêu lên mặt báo. Phải công khai hơn nữa việc này”, ông Vũ Quốc Hùng nói.

Theo https://congluan.vn/kiem-soat-tai-san-la-goc-re-trong-thu-hoi-tai-san-tham-nhung-post156906.html

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer