(THPL) - Thời gian gần đây, lực lượng QLTT tại các địa phương liên tiếp phát hiện các vụ kinh doanh hàng hoá giả mạo nhãn hiệu, hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ trên các nền tảng mạng xã hội.

Tại tỉnh Đồng Tháp, trong hai ngày 5 - 6/6, bằng biện pháp nghiệp vụ, theo dõi thông qua thiết bị công nghệ ứng dụng Facebook, Đội QLTT số 1 trực thuộc Cục QLTT tỉnh Đồng Tháp tiến hành kiểm tra 04 vụ kinh doanh túi xách, giày dép, quần áo trên địa bàn thành phố Sa Đéc, huyện Lai Vung và huyện Châu Thành.

Tại thời điểm kiểm tra, Đội Quản lý thị trường số 1 phát hiện 38 sản phẩm thời trang là ví, túi xách, dép, áo có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu CHANEL, BURBERRY LIMITED được bảo hộ tại Việt Nam.

Ngay sau đó, Đội QLTT số 1 đã gửi Công văn đề nghị Công ty trách nhiệm hữu hạn Tư vấn sở hữu trí tuệ IPT, địa chỉ: Lầu 6, Mê Linh Point, Số 2 Ngô Đức Kế, phường Bến Nghé, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh là đại diện sở hữu công nghiệp theo ủy quyền của  BURBERRY LIMITED (GB), địa chỉ: Horseferry House, Horseferry Road, London SW1P 2AW, England và CHANEL, địa chỉ: 135 avenue Charles de Gaulle, F-92200 NEUILLY-SUR-SEINE, France tại Việt Nam để xác nhận hàng hóa có phải hàng hóa giả mạo nhãn hiệu đang được bảo hộ tại Việt Nam hay không.

                 Lực lượng chức năng kiểm tra cơ sở kinh doanh. Ảnh: Cục QLTT tỉnh Đồng Tháp

Kết quả 38 sản phẩm thời trang nêu trên là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu CHANEL, BURBERRY LIMITED được bảo hộ tại Việt Nam; tổng trị giá tang vật gần 14 triệu đồng. Hiện, Đội QLTT số 1 đã lập Biên bản vi phạm hành chính về hành vi vi phạm nêu trên và trình Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Đồng Tháp ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, với tổng số tiền 28 triệu đồng và buộc tiêu hủy đối với hàng hóa giả mạo nhãn hiệu theo quy định.

Tại tỉnh Kon Tum, từ ngày 1 - 10/6, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Kon Tum đã chỉ đạo triển khai thực hiện các biện pháp nghiệp vụ và tiến hành kiểm tra đối với 07 cơ sở kinh doanh trên địa bàn có sử dụng website thương mại điện tử bán hàng để hoạt động kinh doanh có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

      Một website bán hàng không thông báo với cơ quan quản lý nhà nước theo quy định. Ảnh: Cục QLTT Kon Tum

Qua kiểm tra, phát hiện và xử lý 04 cơ sở vi phạm. Trong đó có 01 doanh nghiệp, 03 hộ kinh doanh; Đội QLTT số 1 thuộc Cục QLTT tỉnh Kon Tum đã ban hành 04 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 75.000.000 đồng vì đã có hành vi vi phạm “Không thông báo website thương mại điện tử bán hàng với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định trước khi bán hàng đến người tiêu dùng”.

Tại tỉnh Tây Ninh, ngày 12/6, Đội QLTT số 3, Cục QLTT tỉnh Tây Ninh phối hợp với Đội Cảnh sát kinh tế - Công an huyện Dương Minh Châu đã tiến hành kiểm tra đột xuất 01 cơ sở có địa chỉ tại khu phố 4, thị trấn Dương Minh Châu, huyện Dương Minh Châu đang kinh doanh bán hàng hóa (mỹ phẩm) bằng hình thức phát video trực tuyến (livestream) trên mạng xã hội như Facebook, YouTube, TikTok….Qua kiểm tra, phát hiện bà Nguyễn Thị Hoa Thi là chủ sở hữu và đang livestream bán mỹ phẩm trên các nền tảng số Tiktok, Facebook với tên " @nguyenthithi….”

                     Hàng hoá vi phạm tại Tây Ninh. Ảnh: Cục QLTT tỉnh Tây Ninh

Ngay sau đó, Đội QLTT số 3 đã kiểm tra, ghi nhận và tạm giữ hơn 510 đơn vị sản phẩm là mỹ phẩm kem dưỡng trắng da các loại, không có hóa đơn, chứng từ, tài liệu chứng minh về nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa. Tổng trị giá của hàng hoá là 166.381.000 đồng.

Hiện, vụ việc đang được cơ quan chức năng làm rõ, xử lý theo quy định.

Theo https://thuonghieuvaphapluat.vn/luc-luong-chuc-nang-lien-tiep-phat-hien-cac-vu-hang-hoa-vi-pham-qua-nen-tang-so-d67342.html

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer