(THPL) - Trong 7 tháng năm 2024, lực lượng QLTT đã phát hiện, xử lý gần 31.000 vụ vi phạm, thu nộp NSNN 338 tỷ đồng. Trị giá hàng hóa tịch thu 124 tỷ đồng.

Theo Bộ Công thương, từ đầu năm đến nay, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) cả nước đã xây dựng và triển khai các phương án, kế hoạch kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm, làm tốt công tác quản lý địa bàn, chú trọng kiểm tra, xử lý các vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ đối với hàng hóa nhập lậu, hàng giả, gian lận thương mại, hàng kém chất lượng và việc niêm yết giá, bán đúng giá niêm yết, các hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa trên thị trường để đầu cơ, găm hàng hoặc lợi dụng dịch bệnh để định giá bán hàng hóa bất hợp lý, đặc biệt là đối với mặt hàng vàng, xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu khác.

                  Lực lượng QLTT đã xử lý gần 31.000 vụ vi phạm trong 7 tháng qua. Ảnh minh hoạ

Theo báo nhanh của lực lượng QLTT cả nước, từ ngày 15/6-14/7/2024, lực lượng QLTT đã phát hiện, xử lý 3.937 vụ vi phạm, thu nộp NSNN trên 39 tỷ đồng. Lũy kế 7 tháng năm 2024, lực lượng QLTT đã phát hiện, xử lý gần 31.000 vụ vi phạm, thu nộp NSNN 338 tỷ đồng. Trị giá hàng hóa tịch thu 124 tỷ đồng. Trị giá hàng hóa tiêu hủy và buộc tiêu hủy 159 tỷ đồng.

Dự báo tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong những tháng cuối năm vẫn diễn biến phức tạp, ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT cho biết, lực lượng sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ Công Thương về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, tập trung vào các mặt hàng trọng tâm, các địa bàn trọng điểm...

Cạnh đó, lực lượng QLTT cũng sẽ phối hợp với chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng: Công an, Hải quan, Thuế, Bộ đội biên phòng, Thanh tra chuyên ngành trong đấu tranh chống buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm an toàn thực phẩm. Đẩy mạnh hoạt động trao đổi thông tin với các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng để nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, xử lý hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Đưa ra giải pháp ngăn chặn xử lý vi phạm trên thương mại điện tử, ông Phan Minh Nhật, Chủ tịch Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (VACIP) cho rằng, cần thiết lập bộ lọc, gỡ bỏ sản phẩm vi phạm, điều tra xử lý các đối tượng vi phạm trọng điểm. Đặc biệt, giải pháp căn cơ nhất là định danh người bán qua thương mại điện tử bởi hiện nay vẫn còn tình trạng sử dụng tài khoản ảo, số điện thoại ảo, số ngân hàng ảo… Do đó, việc điều tra, xử lý của cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn. Để thực hiện quản lý được cần có sự phối hợp của các lực lượng chức năng, doanh nghiệp và cả người dân.

Theo https://thuonghieuvaphapluat.vn/luc-luong-qltt-da-xu-ly-gan-31000-vu-vi-pham-trong-7-thang-qua-d68139.html



Từ Khóa
Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer