(THPL) - Thời gian qua, lực lượng QLTT các tỉnh liên tiếp phát hiện nhiều vụ hàng hoá vi phạm, thu giữ và xử phạt hành chính hàng chục triệu đồng theo quy định của pháp luật.

Tại tỉnh Bình Thuận, trong các ngày 23 và 24/2/2023, Đội QLTT số 1, Cục QLTT Bình Thuận đã liên tiếp phát hiện 6 cơ sở kinh doanh phụ kiện điện thoại di động đang kinh doanh trên 2.200 sản phẩm phụ kiện điện thoại di động các loại không rõ nguồn gốc, xuất xứ và do nước ngoài sản xuất có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam; toàn bộ các lô hàng không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ. Tổng giá trị hàng hóa vi phạm trên 115.000.000 đồng.

Hiện Đội QLTT số 1 đang hoàn tất các hồ sơ vụ việc để ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 6 cơ sở kinh doanh phụ kiện điện thoại di động nêu trên theo quy định của pháp luật.

Liên quan đến hàng hoá vi phạm, tại Phú Yên, ngày 24/2/2023, Đội QLTT số 3 thuộc Cục QLTT tỉnh Phú Yên phối hợp với lực lượng Bộ đội biên phòng tiến hành kiểm tra cơ sở Gara Thống Nhất; địa chỉ: Khu phố Phú Lạc, phường Hòa Hiệp Nam, Thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên. Qua kiểm tra phát hiện tại Gara Thống nhất đang kinh doanh các mặt hàng phụ tùng xe máy, gồm: 16 bộ Tăm xe máy, nhãn hiệu MITKAM MAKON; 04 cái dây curoa, nhãn hiệu V-BELT; 30 cái Bugi xe gắn máy, nhãn hiệu NGK; Nhông sên xe máy, nhãn hiệu SPROCKET&CHAIN: 05 bộ, toàn bộ số hàng trên đều thể hiện bằng ngôn ngữ nước ngoài, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam theo quy định.

Tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa. Đội QLTT số 3 đã tiến hành lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính và tịch thu toàn bộ số hàng hóa vi phạm trên theo quy định của pháp luật.

 

Lực lượng chức năng Phú Yên kiểm tra tại một cửa hàng sữa. Ảnh: Cục QLTT Phú Yên

Cũng trong ngày 24/2, Đoàn kiểm tra Đội QLTT số 3 tiến hành kiểm tra đột xuất hộ kinh doanh SHOP MẸ & BÉ (có nick name facebook Do Elenna) do ông Ngô Thái Bình làm chủ hộ kinh doanh. Qua kiểm tra Đoàn kiểm tra phát hiện tại cơ sở đang bày bán 17 gói bột ngũ cốc, hiệu NAVAN; 12 gói bột ăn dành cho bé, nhãn hiệu KAZU YUMY.

Toàn bộ số hàng hóa trên không thể hiện nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa và chủ hộ kinh doanh cũng không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của số hàng hóa nói trên. Đội QLTT số 3 tiến hành xử phạt vi phạm hành chính và buộc chủ cơ sở áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả bằng cách tiêu hủy số hàng hóa trên theo quy định pháp luật. 

Tại An Giang, ngày 23/2/2023, Đội QLTT số 1, Cục QLTT tỉnh An Giang phối hợp với Đội QLTT số 6 tiến kiểm tra đột xuất tại hộ kinh doanh T.T, Đoàn kiểm tra phát hiện và tạm giữ 13 mặt hàng đồ chơi trẻ em các loại do Trung Quốc sản xuất. Tất cả hàng hóa đều là hàng hóa nhập lậu.

Qua kiểm tra, Hộ kinh doanh cửa hàng T.T, do bà N.T.C.T là chủ hộ kinh doanh, địa chỉ Tổ 11, ấp Mỹ Chánh, xã Mỹ Đức, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang, đang hoạt động kinh doanh và trưng bày nhiều mặt hàng đồ chơi trẻ em như: đồ chơi con cua hiệu CUTE CRAB, đồ chơi con vịt hiệu THE DUCK, xe đồ chơi hiệu INERTIAL ENGINEERING, xe đồ chơi hiệu SANITATION, bảng gỗ đếm số, đồ chơi PIN hình con chó hiệu TOYS, đồ chơi cây đàn hiệu AVENGERS AND GAME GUITAR SERIES, đồ chơi PIN hình cá mập, hiệu TOYS, đồ chơi quả bóng bằng nhựa dẻo hiệu PUFFER BALL, xe đồ chơi hiệu LARGE TRUCK, đồ chơi điện tử dùng Pin hiệu BRICK GAME, xe điều khiển hiệu Radio, đồ chơi lego hiệu MICRO. Tổng trị giá hàng hóa gần 54 triệu đồng.

Ngay sau đó, Đoàn kiểm tra đã tiến hành lập biên bản kiểm tra, biên bản vi phạm hành chính, biên bản tạm giữ và biên bản niêm phong hàng hóa để tiếp tục xác minh tình tiết, làm rõ và xử lý đúng theo quy định của pháp luật.

Theo https://thuonghieuvaphapluat.vn/luc-luong-qltt-thu-giu-nhieu-san-pham-hang-hoa-khong-ro-nguon-goc-d58978.html

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer