(THPL) - Ngày 09/02/2015 TAND huyện Mê Linh đã ra thông báo thụ lý số 31/2015/TB – TLVA về vụ án “tranh chấp di sản thừa kế”. Cũng từ ngày đó đến nay, vụ án vẫn không được TAND huyện Mê Linh đưa ra giải quyết theo quy định, dù rằng Chánh án TAND Thành phố Hà Nội đã có 02 lần chuyển đơn yêu cầu giải quyết. Phải chăng có ẩn khuất phía sau khiến Chánh án TAND huyện Mê Linh bất chấp quy định?
Dù ra thông báo thụ lý, song TAND huyện Mê Linh đã không đưa vụ án ra xét xử theo quy định. Nhận thấy dấu hiệu “ngâm án”, ngày 28/04/2015, ông Hoàng đã có đơn khiếu nại lần đầu gửi Chánh án TAND huyện Mê Linh. Ngày 27/05/2015, ông Hoàng tiếp tục có đơn khiếu nại lần hai gửi tới Chánh án TAND huyện Mê Linh, Viện trưởng Viện KSND huyện Mê Linh đề nghị đưa vụ án ra giải quyết nhưng vụ án vẫn không được đưa ra được giải quyết.
Ông Hoàng cho biết: “Nhận thấy TAND huyện Mê Linh đã không tuân thủ quy định, quyền lợi của chúng tôi không được cơ quan có thẩm quyền giải quyết nên ngày 13/11/2019 tôi tiếp tục làm đơn khiếu nại đến Chánh án TAND Thành phố Hà Nội. Ngày 21/11/ 2019, tôi nhận được thông báo của TAND Thành phố Hà Nội. Trong văn bản đã nêu rất rõ: TAND Thành phố Hà Nội chuyển đơn của ông Nguyễn Văn Hoàng đến đồng chí Chánh án TAND Mê Linh để giải quyết theo quy định của pháp luật. Nhưng đến nay kể từ thời điểm chuyển đơn ( 21/11/2019), đã 7 tháng trôi qua nhưng tôi vẫn chưa nhận được sự phản hồi, giải quyết từ TAND huyện Mê Linh”.
Tiếp đến ngày 28/05/2020 ông Hoàng tiếp tục làm đơn khiếu nại lần ba gửi TAND Thành phố Hà Nội, đề nghị xem xét, xử lý vi phạm thời hạn giải quyết vụ án của TAND huyện Mê Linh. Ngày 4/6/2020, TAND Thành phố tiếp tục Văn bản số 1359/2020/TA – VP, “chuyển đơn khiếu nại của ông Hoàng đến TAND huyện Mê Linh để được giải quyết theo thẩm quyền và báo cáo đồng chí Chánh án Tòa án nhân dân TP Hà Nội kết quả giải quyết”.
Dù Chánh án TAND Thành phố Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo giải quyết, yêu cầu báo cáo nhưng không hiểu vì lý do gì vụ án vẫn không được đưa ra giải quyết theo quy định.
“Đến nay, TAND huyện Mê Linh thụ lý vụ án đã gần 6 năm song vẫn cố tình không đưa vụ án ra giải quyết, như vậy sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của nguyên đơn và vi phạm nghiêm trọng Luật Tố tụng Dân sự”, ông Hoàng bức xúc.
Nghiên cứu hồ sơ vụ án và sự im lặng của TAND huyện Mê Linh, Luật sư Nguyễn Quang Huy – Văn phòng Luật sư Minh Bạch Quốc Tế - Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội nhận định: “Căn cứ theo khoản 1 Điều 179 bộ Luật Tố tụng Dân sự năm 2005 (được sửa đổi bổ sung năm 2011) quy định thời hạn chuẩn bị xét xử của vụ án Dân sự là 04 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án; Đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do trở ngại khách quan thì chánh án Tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử nhưng không quá hai tháng. Đồng thời khoản 2, khoản 2 Điều 179 Bộ Luật tố tụng Dân sự cũng quy định: Trong thời hạn chuẩn bị xét xử quy định tại khoản 1 điều này, tùy từng trường hợp, Tòa án ra một trong các quyết định như: Công nhân sự thỏa thuận của các đương sự, tạm đình chỉ giải quyết vụ án, đình chỉ giải quyết vụ án, đưa vụ án ra xét xử. Trong thời hạn một tháng kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa, trong trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn này là 2 tháng”.
Luật sư Huy nhấn mạnh thêm: “Cũng tại Điều 203 Bộ Luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định “Thời hạn chuẩn bị xét xử”. Thời hạn chuẩn bị xét xử các loại vụ án, trừ các vụ án được xét xử theo thủ tục rút gọn hoặc vụ án có yếu tố nước ngoài, được quy định như sau: Đối với các vụ án quy định tại Điều 26 và Điều 28 của Bộ luật này thì thời hạn là 04 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án; Đối với các vụ án quy định tại Điều 30 và Điều 32 của Bộ luật này thì thời hạn là 02 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án; Đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan thì Chánh án Tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử nhưng không quá 02 tháng đối với vụ án thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này và không quá 01 tháng đối với vụ án thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản này. Trường hợp có quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án thì thời hạn chuẩn bị xét xử được tính lại kể từ ngày quyết định tiếp tục giải quyết vụ án của Tòa án có hiệu lực pháp luật”.
Do vậy, thiết nghĩ TAND huyện Mê Linh cần sớm đưa vụ án ra xét xử, đảm bảo quyền lợi chính đáng của nguyên đơn và tuân thủ quy định của Luật Tố tụng Dân dự hiện hành.
Thương hiệu và Pháp luật tiếp tục phản ánh tới bạn đọc nội dung này!
Nguồn: https://thuonghieuvaphapluat.vn/me-linh-ha-noi-vi-sao-toa-huyen-ngam-an-06-nam-va-phot-lo-y-kien-cua-chanh-an-toa-thanh-pho-d34678.html