(CLO) TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt Nguyễn Vân Giang 17 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và 3 năm tù về tội “Thao túng giá chứng khoán”, tổng hợp hình phạt 20 năm tù.
Bị cáo Nguyễn Vân Giang tại phiên tòa
Trong các ngày 20 - 21/8, TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm với Nguyễn Vân Giang (SN 1981, trú tại quận Ba Đình, TP.Hà Nội), nguyên Giám đốc Cty TNHH Một thành viên Chứng khoán ngân hàng Đông Á (DAS) về các tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Thao túng giá chứng khoán”.
Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Vân Giang mức án 17 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và 3 năm tù về tội “Thao túng giá chứng khoán”, tổng hình phạt chung cho cả hai tội này là 20 năm tù.
Theo cáo trạng, trong tháng 1/2017, trên một số trang mạng có nhiều bài viết phản ánh việc cổ phiếu của Công ty CP tư vấn thiết kế và phát triển đô thị (Công ty CDO) có mã chứng khoán là CDO có dấu hiệu bị thao túng giá; bị giảm sàn liên tục 26 phiên giao dịch, không có thanh khoản, mất gần 82% giá trị, từ mức giá 32.550 đồng/cổ phiếu xuống còn 5.870 đồng/cổ phiếu; kèm theo là hình ảnh băng rôn phản đối CDO.
Sau đó, Công an TP Hà Nội đã phối hợp với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước làm rõ vụ việc. Qua đó xác định Công ty CDO do ông Vũ Đình Nhân (Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc công ty) là người đại diện pháp luật; có ngành nghề kinh doanh chính là hoàn thiện công trình xây dựng, bán buôn kim loại và quặng kim loại, đúc sắt thép, hoạt động xây dựng chuyên môn khác…; vốn điều lệ ban đầu là 1,8 tỉ đồng và đã có 4 lần tăng vốn; đến tháng 9/2016, số vốn tăng lên 315 tỉ đồng.
Cuối năm 2014, bà Lê Kim Thu (mẹ của ông Vũ Đình Nhân) nhờ Nguyễn Vân Giang tư vấn đưa cổ phiếu CDO lên sàn, niêm yết cổ phiếu và giao dịch.
Ngày 29/11/2014, Giang nhờ nhân viên tư vấn của Công ty CP chứng khoán Apec đứng tên ký hợp đồng quản lý chứng khoán với bà Thu, kèm phụ lục là danh sách cổ đông của CDO.
Hợp đồng thể hiện: “Trong số 20 triệu cổ phiếu của công ty CDO, Giang được hưởng 2 triệu cổ phiếu, bán ra ngoài thị trường 3 triệu cổ phiếu và chuyển tiền cho bà Thu trong giai đoạn OTC; còn lại 15 triệu cổ phiếu bà Thu ủy thác cho Giang quản lý để lưu ký, mở tài khoản giao dịch, sau đó được phép sử dụng các sản phẩm tài chính của Công ty chứng khoán, các khoản tiền có trong tài khoản các nhà đầu tư để tối đa hóa hiệu quả quản lý chứng khoán cho bà Thu. Giang được hưởng 15% lợi nhuận sau khi trừ các chi phí…”.
Sau đó, bà Thu đưa cho Giang toàn bộ hồ sơ cổ đông sở hữu 20 triệu cổ phần để thực hiện và Giang đã giới thiệu để Công ty CP chứng khoán Apec thực hiện tư vấn đưa cổ phiếu CDO niên yết trên sàn HOSE.
Khi cổ phiếu CDO được chấp thuận niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh, Giang chỉ đạo một số nhân viên tại Công ty DAS trực tiếp hoặc qua một số nhân viên môi giới khác tại Công ty chứng khoán mở 70 tài khoản chứng khoán tại 24 công ty chứng khoán, đứng tên 40 cá nhân đều là người nhà, người thân của Giang.
Giang là người trực tiếp sử dụng, quản lý các tài khoản này bằng user, password và sử dụng các sản phẩm của các công ty chứng khoán xin margin, bảo lãnh chậm nộp tiền cho các tài khoản để có nguồn tiền mua đi bán lại mã cổ phiếu CDO, tạo thanh khoản, đẩy giá cổ phiếu CDO. Do hành vi thao túng của Giang, cổ phiếu này giao dịch theo xu hướng liên tục tăng giá trong 2 năm (từ đầu năm 2015) và có lúc đạt đỉnh 39.600 đồng/cổ phiếu trong ngày 20/9/2016.
Tuy nhiên, CDO đột ngột bị bán tháo với giá sàn kể từ ngày 6/12/2016. Tính từ ngày 6/12/2016 - 23/1/2017, cổ phiếu CDO giảm sàn liên tục tới 26 phiên từ mức 34.900 đồng/cổ phiếu xuống còn 3.100 đồng/cổ phiếu, mất tới 91,2% giá trị.
Để thực hiện giao dịch, Giang nhờ các nhân viên môi giới thực hiện nộp, rút tiền tại các công ty chứng khoán; nguồn tiền để giao dịch là do Giang vay margin (giao dịch ký quỹ), xin bảo lãnh cổ phiếu trước nộp tiền sau của các công ty chứng khoán hoặc vay các cá nhân khác.
Quá trình điều tra, Công an TP Hà Nội đã tiếp nhận Đơn trình báo của 10 nhà đầu từ tại nhiều tỉnh thành với nội dung đề nghị làm rõ việc có người thao túng cổ phiếu CDO dẫn đến việc họ tin tưởng mua cổ phiếu này và bị thiệt hại khoảng 1,5 tỉ đồng.
Ngoài 10 nhà đầu tư có đơn trình báo, Cơ quan chức năng còn kết luận Nguyễn Vân Giang đã sử dụng 70 tài khoản chứng khoán tạo giao dịch mua bán chéo giữa các tài khoản nhằm đẩy giá cổ phiếu CDO, gây thiệt hại cho 572 nhà đầu tư (gồm 562 tài khoản nhà đầu tư đã bán hết khối lượng cổ phiếu CDO đã mua và 10 nhà đầu tư có đơn đề nghị ban đầu, chưa bán cổ phiếu CDO), gây thiệt hại hơn 11,2 tỉ đồng.
Ngoài hành vi thao túng giá chứng khoán, Cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát còn xác định Giang lợi dụng vị trí Giám đốc chi nhánh Hà Nội - Công ty chứng khoán DAS để lừa đảo chiếm đoạt của 3 người với tổng số tiền 24,321 tỉ đồng, gồm: ông Lã Vũ K. 12,5 tỉ đồng, bà Cao Thị Thái T. 3,6 tỉ đồng và bà Đào Thị Thanh H. hơn 8,2 tỉ đồng thông qua việc ký kết các hợp đồng hợp tác, hỗ trợ đầu tư chứng khoán không có thật.
Trong vụ án, cơ quan điều tra xác định có dấu hiệu của tội “Cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật trong hoạt động chứng khoán” liên quan Cty CDO. Tuy nhiên, ông Vũ Đình Nhân - Giám đốc CDO đã sang Mỹ, các cá nhân khác chưa hợp tác khai báo nên cơ quan điều tra rút tài liệu việc này để làm rõ sau.
Ngoài ra, một số nhân viên tại DAS bị xác định cho Nguyễn Vân Giang mượn tài khoản, mượn thông tin người thân để mở tài khoản. Họ giải trình không biết mục đích của Giang; khi thực hiện các lệnh mua bán, giao dịch… cũng theo chỉ đạo của Giang vì bị cáo này là giám đốc. Vì vậy, cơ quan điều tra không đủ căn cứ xác định họ là đồng phạm trong hành vi thao túng giá chứng khoán.
Theo https://congluan.vn/nu-giam-doc-lua-dao-thao-tung-gia-chung-khoan-linh-20-nam-tu-post92572.html