(THPL) - Kết quả phân tích thành phần 21 loại thuốc tân dược, thuốc chữa bệnh xương khớp giả, cơ quan chức năng phát hiện trong thành phần thuốc có hàm lượng lớn thuốc giảm đau.
Qua công tác nắm tình hình trên không gian mạng, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Thanh Hóa phát hiện trên địa bàn TP Thanh Hóa và một số địa phương khác có một nhóm đối tượng có dấu hiệu nghi vấn sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh.
Tiến hành lập án đấu tranh, chỉ trong một thời gian ngắn tập trung điều tra, lực lượng chức năng khám xét khẩn cấp 6 địa điểm là nơi sản xuất, làm việc, cất giấu hàng hóa của các đối tượng trên địa bàn TP Hà Nội, TP HCM và các tỉnh Vĩnh Phúc, Hưng Yên, An Giang, Đồng Tháp. Qua khám xét, lực lượng công an đã thu giữ 21 loại thuốc tân dược, thuốc chữa xương khớp giả.
Cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra và thu giữ 21 loại thuốc tân dược, thuốc chữa xương khớp giả
Theo thông tin từ Công an Thanh Hoá, sau khi thu giữ lượng lớn các loại thuốc giả, qua kết quả phân tích, xét nghiệm ban đầu, phát hiện nhóm thuốc đông y giả (chữa các bệnh về xương khớp) chứa hàm lượng lớn thuốc giảm đau, nên khi người bệnh uống vào sẽ thấy hết đau ngay, khiến cho người bệnh tin dùng.
Riêng nhóm thuốc tây y giả chưa phát hiện dược tính độc hại, nhưng không có dược tính kháng sinh để chữa bệnh như hướng dẫn sử dụng in trên bao bì. Các đối tượng sản xuất, buôn bán thuốc giả đã mua nguyên liệu là các loại tinh bột, chất kết dính, phụ gia trong y dược, than tre, chất tạo màu… để tự pha trộn, đóng gói thành thuốc chữa bệnh.
Cũng theo Công an Thanh Hóa, trong 14 nghi phạm đã bị bắt giữ, không có người nào có trình độ, chuyên môn về sản xuất thuốc.
Theo các chuyên gia y tế, thực tế việc phân biệt thuốc, thuốc thật cũng rất khó vì công nghệ làm giả rất tinh vi, thậm chí ngay cả bác sĩ đôi khi cũng không thể nhận ra bằng mắt thường. Tuy nhiên, để giảm rủi ro khi mua thuốc, người dân nên mua thuốc tại nhà thuốc lớn, có giấy phép rõ ràng và dược sĩ tư vấn. Mua thuốc có tem chống giả, mã QR hoặc mã vạch rõ ràng. Có thể dùng ứng dụng điện thoại để quét mã - nếu không hiện thông tin từ nhà sản xuất, nên nghi ngờ.Không mua thuốc qua mạng, hội nhóm, livestream, hoặc quảng cáo với giá rẻ bất thường. Khôngmua thuốc với bao bì có dấu hiệu bị dán đè, bong tróc, chữ in lệch hoặc nhòe.Không chọn sản phẩm bị in mờ, tẩy xóa, hoặc không trùng khớp giữa hộp và vỉ thuốc. Người mua nên kiểm tra hạn sử dụng, số lô thuốc trên sản phẩm.
Nếu người bệnh vô tình sử dụng loại thuốc nằm trong danh sách cảnh báo, điều quan trọng nhất là giữ bình tĩnh và hành động kịp thời. Đầu tiên, hãy ngừng ngay việc sử dụng thuốc. Dù chỉ uống một liều hay nhiều liều, việc tiếp tục sử dụng có thể khiến tình trạng sức khỏe xấu đi. Nhanh chóng liên hệ với bác sĩ hoặc đến cơ sở y tế gần nhất để được kiểm tra và tư vấn. Việc khai báo cụ thể loại thuốc đã dùng, liều lượng và thời gian sử dụng sẽ hỗ trợ quá trình xử lý và theo dõi. Cần theo dõi sát các biểu hiện bất thường như đau đầu, buồn nôn, rối loạn tiêu hóa, dị ứng... và ghi lại diễn biến triệu chứng để cung cấp cho nhân viên y tế. Nếu còn bao bì thuốc, đừng vứt bỏ. Đây là bằng chứng quan trọng giúp xác định nguồn gốc và thành phần thuốc giả.
Theo:https://thuonghieuvaphapluat.vn/nhom-thuoc-dong-y-gia-chua-ham-luong-lon-thuoc-giam-dau-d73154.html