Chiều 10/3, sau một ngày xét xử, TAND Cấp cao tại TP.HCM tuyên không chấp nhận kháng nghị của VKS, bác kháng cáo của Vinasun và Grab, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Theo đó, tòa phúc thẩm buộc Grab bồi thường cho Vinasun 4,8 tỷ đồng.
HĐXX nhận định theo Đề án 24 của Bộ GTVT cho phép Grab thực hiện cung cấp ứng dụng kết nối hợp tác xã vận tải với khách hàng nhưng thực tế Grab lại kinh doanh vận tải.
Trước đó, tại phiên tòa sơ thẩm ngày 28/12/2018, Toà án nhân dân TP.HCM cho rằng Grab kinh doanh taxi, vi phạm Nghị định 86 và Quyết định 24, gây ra thiệt hại cho Vinasun. Toà buộc Grab bồi thường cho Vinasun số tiền 4,8 tỉ đồng.
Ngay sau phiên tòa phúc thẩm, Công ty TNHH Grab đã phát thông cáo báo chí, khẳng định phán quyết của tòa phúc thẩm không ảnh hưởng đến hoạt động hiện tại cùng kế hoạch mở rộng hoạt động của Grab tại Việt Nam, và cam kết sẽ tiếp tục tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn của Chính phủ, các bộ, ngành khi thực hiện nghị định 10.
Về kết quả phiên tòa phúc thẩm, Grab cho rằng không có đủ bằng chứng thuyết phục để xác định Grab đã vi phạm các quy định về kinh doanh vận tải và vi phạm đề án 24. Tòa án đã vượt quá thẩm quyền khi can thiệp quyền hành pháp của Chính phủ và tạo nên tiền lệ không tốt, có thể dẫn đến thêm nhiều vụ kiện không công bằng và thiếu cạnh tranh xảy ra.
Trong tương lai, nếu bất kỳ doanh nghiệp nào không hài lòng với mô hình kinh doanh của một doanh nghiệp khác, họ cũng sẽ lợi dụng tòa án để kiện đối thủ của mình và đạt được phán quyết như mong muốn.
Theo nội dung vụ kiện, Vinasun khởi kiện GrabTaxi với nội dung đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng với khoản lợi nhuận bị giảm sút hơn 41,2 tỷ đồng trong năm 2016 và nửa đầu năm 2017. Hình thức mà Vinasun yêu cầu GrabTaxi thực hiện là bồi thường một lần.
Vinasun cho rằng dù Grab tự nhận là công ty công nghệ không cung cấp dịch vụ vận tải nhưng thực chất là doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi.
- Theo Thương hiệu và Pháp luật -