(THPL) - Mới đây, ông Nguyễn Tấn Khải, Việt kiều Mỹ, đã cung cấp tài liệu cho một số cơ quan báo chí để khẳng định mình không lừa đảo. Tuy nhiên, từ những tài liệu này đã bộc lộ hàng loạt dấu hiệu bất thường khiến dư luận đặt ra nhiều câu hỏi.

Liên quan đến sự việc này, vừa qua, Thương hiệu và Pháp luật đã đăng tải bài viết “Quảng Nam: “Đại gia” bất động sản bị tố lợi dụng “mác” Việt kiều Mỹ để…lừa đảo”. Theo đó, bà Nguyễn Thị Từ Vân (trú tại Tam Thanh, Tam Kỳ, Quảng Nam) gửi đơn tới nhiều cơ quan chức năng tố cáo ông Nguyễn Tấn Khải (Việt kiều có quốc tịch Hoa Kỳ), hiện đang là Giám đốc Công ty TNHH Đức Quang Khải (có địa chỉ tại 36 Trần Nhật Duật, phường Tân Thạnh, TP.Tam Kỳ, Quảng Nam) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt 600.000 đô la Mỹ (quy đổi bằng 4 lô đất tương đương 14 tỷ đồng) bằng hình thức nhận làm hồ sơ đầu tư định cư cho nhiều người đi Mỹ theo chương trình Doanh nghiệp Đầu tư và Định cư Hoa Kỳ EB-5 (Chương trình EB-5).

Sau khi giao đủ 14 tỷ đồng cho ông Khải, từ năm 2018 đến nay, gia đình bà Vân vẫn chưa thể sang Mỹ để đầu tư, định cư và nhận thấy có dấu hiệu lừa đảo nên đã gửi đơn tố cáo tới các cơ quan chức năng để đề nghị làm rõ sự việc.

Về phần mình, sau nhiều lần đề nghị làm việc với ông Khải không được, nhận thấy dấu hiệu bất thường, bà Vân đã nhờ luật sư trao đổi với đại diện pháp lý của chương trình EB-05 thì được trả lời hồ sơ ông Khải gửi sang làm có nhiều dấu hiệu bị giả mạo, với nhiều thông tin không có thực. Qua các tài liệu của bà Vân gửi các các quan chức năng và báo chí cho thấy, luật sư thuộc Công ty Luật hợp danh Trần Cao đã tìm hiểu qua Trung tâm Thương mại Mỹ - Việt Nam và được trả lời cho biết chữ ký của luật sư Olivia Orza thuộc Công ty Luật di trú toàn cầu Orza (luật sư được Hoa Kỳ chấp thuận được tham gia Chương trình EB-5 theo quy định của Hoa Kỳ- PV) trên bản hợp đồng thoả thuận ông Khải đưa cho bà Vân ký vào ngày 13/08/2019 không phải chữ ký của luật sư Olivia Oorza. Chữ ký này là hoàn toàn giả mạo.

Thư trả lời khẳng định không phải chữ ký của Luật sư Olivia Orza (tài liệu do bà Vân cung cấp).

Đặc biệt, ngày 26/06/2018, ông Khải đại diện thay bà Vân ký với chủ dự án EB-5 Công ty KVC Holdings LLC có địa chỉ tại tiểu bang Georgia. Tuy nhiên, qua xác minh, công ty này hoàn toàn không có danh sách lưu trữ của tiểu bang Georgia. Bên cạnh đó, Công ty TNHH US Catfish LLC là chủ dự án EB-5 xác minh rằng Công ty TNHH KVC Holding LLC (công ty con của US Catfish LLC) không phải là đại diện hợp pháp của họ tại Việt Nam. Không những thế, giám đốc Công ty TNHH KVC Holding LLC cũng thừa nhận doanh nghiệp này không đại diện hợp pháp cho chương trình EB-5 tại Việt Nam. Đồng thời, Công ty TNHH KVC Holding LLC đã giải thể từ ngày 23/09/2005.

Giấy xác nhận thành lập doanh nghiệp của Công ty KVC Holidings và US Catfish farm được ký với 2 chức danh.

Sau khi báo chí phản ánh, ông Nguyễn Tấn Khải đã lên tiếng khẳng định trên một số tờ báo, bản thân hoàn toàn không lừa đảo, hồ sơ của bà Vân đã được nộp vào Sở Di trú Hoa Kỳ và chờ kiểm tra, phỏng vấn. Đồng thời, ông Khải cũng cung cấp một số thông tin liên quan đến chủ dự án EB5 là Công ty TNHH KVC Holding LLC.

Đáng chú ý, trong các tài liệu ông Khải cung cấp cho báo chí cho thấy 17/10/2019, ông Nathan Jewon Park chủ sở hữu của Công ty US Catfish Farme, LLC cũng đã có thông báo gửi đến các cơ quan hữu quan về việc đầu tư chương trình EB-5 của bà Nguyễn Thị Từ Vân. Trong thông báo, ông Nathan Jewon Park cho hay: “Đến ngày 17/10/2018, chúng tôi nhận được toàn bộ 500.000 USD tiền góp vốn cho dự án EB-5 từ tài khoản US Bank của bà… Hiện tại, đơn xin định cư của bà Nguyễn Thị Từ Vân đã được tiến hành xử lý tại USCIS.

Trong văn bản này, ông Nathan Jewon Park còn khẳng định, ngày 25/07/2018, ông đã đến Việt Nam và trực tiếp gặp vợ chồng bà Vân để bàn luận, tham vấn, ký thoả thuận với bà Vân về Chương trình EB-5. 

Đặc biệt, liên quan đến sự việc, cả phía bà Vân và ông Khải đều cung cấp bản Hợp đồng cam kết Chương trình Đầu tư và Định cư Hoa Kỳ EB-5. Vậy nhưng, 2 bản hợp đồng này có sự khác biệt rõ rệt. Cụ thể, bản hợp đồng cung cấp ký ngày 7/12/2019, còn bản phía ông Khải cung cấp ngày ký là 28/6/2018.

Theo bản dịch Tiếng Việt bà Vân cung cấp có 6 trang, 18 mục, có chữ ký của ông Nathan đại diện Công ty KVC Holding LLC (bên A, chủ Dự án đầu tư), chữ ký của bà V. và người đại diện của bà V. là ông Khải (bên B). Còn bản phía ông Khải cung cấp có 7 trang, 20 mục, phần ký của bên A còn có chữ ký của ông Vinh Tran đại diện Công ty One Bright Life LLC. Phía ông Khải không cung cấp bản Hợp đồng cam kết bằng tiếng Anh, trong khi phía bà Vân thì có, ngày ký bản tiếng Anh lẫn tiếng Việt đều là ngày 7/12/2019.

Bên cạnh đó, tại các tài liệu ông Khải gửi báo chí còn cho thấy, ngày 5/2/2020, Sở Di trú và Nhập tịch Hoa Kỳ (USCIS) thuộc Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ cũng đã có thông báo liên quan đến hồ sơ bảo lãnh định cư nước ngoài của bà Nguyễn Thị Từ Vân. Theo đó, USCIS đã nhận được đơn hoặc hồ sơ bảo lãnh định cư.

“Tuy nhiên: “thông báo chỉ thể hiện rằng hồ sơ của bạn đã được nộp vào “ngày nhận” nêu trên. Thông báo này không cấp cho bạn bất kỳ lợi ích nhập cư hoặc tình trạng lưu trú, thông báo này cũng không phải là bằng chứng về việc hồ sơ của bạn đang chờ được xử lý”- thông báo của USCIS khẳng định.

 

Trả lời của Sở Di trú và Nhập tịch Hoa Kỳ trong đó khẳng định thông báo này không phải là bằng chứng về việc hồ sơ đang được chờ xử lý.

Trả lời của USCIS là có dấu hiệu trái ngược với ý kiến của ông Nathan Jewon Park khi cho rằng hồ sơ của bà Vân đã được tiến hành xử lý. Nếu văn bản này là thật thì rõ ràng hồ sơ của bà Vân chưa được hoàn tất nhưng chính ông Khải đã ký nhận đủ 14 tỷ đồng của bà Vân. Bên cạnh đó, trái ngược với ý kiến của ông Nathan Jewon Park, bà Vân khẳng định không có người nước ngoài nào về đây ký kết, thảo luận hợp đồng với bà. Mọi việc đều do ông Khải và trợ lý của ông thực hiện.

Không chỉ có vậy, trong văn bản của ông Nathan còn thể hiện sự mâu thuẫn, bất nhất giữa một số nội dung. Chẳng hạn như tài liệu của USCIS đến ngày 5/2/2020 phát đi thông báo là đã nhận hồ sơ của bà Vân, thì làm sao mới ngày 17/10/2019 mà ông Nathan biết mà khẳng định bà Vân đã trở thành thành viên của Chương trình EB-5 ?

Trước các dấu hiệu bất thường khiến dư luận đặt ra hàng loạt câu hỏi về tính xác thực của các văn bản về việc thành lập các công ty là chủ dự án EB-5 cũng như các văn bản liên quan ?

Liên quan tới vấn đề này, trả lời một số cơ quan báo chí, ông Khải vẫn cho rằng những hồ sơ cung cấp cho báo chí và Cơ quan điều tra Công an tỉnh Quảng Nam là thật, nếu không đúng ông hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật Việt Nam và luật pháp Mỹ. Đồng thời, ông Khải còn cho rằng, những thông tin bà Vân cung cấp liên quan đến trả lời của Trung tâm Thương mại Mỹ - Việt là “không có thật”.

Để giải quyết tình trạng “con sâu làm rầu nồi canh”, ảnh hưởng tới quá trình kêu gọi đầu tư của tỉnh Quảng Nam, đề nghị Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Quảng Nam, các cơ quan điều tra, tố tụng sớm có những biện pháp xử lý dứt điểm vụ việc, tránh tố cáo, khiếu kiện kéo dài.

Theo https://thuonghieuvaphapluat.vn/quang-nam-hang-loat-dau-hoi-lon-trong-vu-viec-viet-kieu-my-bi-to-lua-dao-d46356.html

 

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer