(THPL) - Tự ý sửa đổi kết quả bốc thăm đất tái định cư, tự ý hướng dẫn người dân mua đất nông nghiệp để chuyển đổi thành đất ở… Hai vụ việc này xảy ra ở Móng Cái gần đây, được người dân địa phương phản ánh khá gay gắt.
“Ảo thuật” biến đổi kết quả bốc thăm
Theo phản ánh của nhiều người dân tại phường Hải Hoà, ngày 18/11/2020, UBND TP. Móng Cái ban hành Quyết định số 9021/QĐ-UBND về việc thành lập Hội đồng bốc thăm các lô đất tái định cư cho các hộ gia đình, cá nhân có đất bị thu hồi để thực hiện các dự án trên địa bàn thành phố.
Trong quyết định này, ông Hoàng Anh Ngọc - Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Móng Cái được phân công làm Chủ tịch Hội đồng. Phó Chủ tịch Hội đồng cùng các Ủy viên là lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Quản lý đô thị, Phòng Tài chính - Kế hoạch, Chi cục thuế TP. Móng Cái, Kho bạc Nhà nước TP. Móng Cái, Công an TP. Móng Cái, UBND xã, phường Hải Hòa, Hải Xuân, Vạn Ninh…
Buổi bốc thăm diễn ra bình thường. Các hộ dân sau khi bốc thăm đều đã ký vào biên bản xác nhận do hội đồng bốc thăm lập. Tuy nhiên, sau này, nhiều người dân phát hiện vụ việc ông Vũ Văn Tùng - Trưởng khu 5, người đã bốc trúng lô đất số 148 lại thành người sở hữu lô đất số 87. Lô đất 148 là lô phía trong, 1 mặt giáp đường. Trong khi lô 87 là lô đất góc, 2 mặt giáp đường, nằm tại vị trí ngã tư, theo ước tính có giá trị cao hơn cả tỷ đồng so với lô 148.
Để làm rõ phản ánh của người dân, chúng tôi đã đến ghi nhận hiện trạng các lô đất, đồng thời gặp gỡ, trao đổi với ông Vũ Văn Tùng.
Xác nhận với chúng tôi, ông Vũ Văn Tùng cho biết, bản thân ông đã nhờ cán bộ của Trung tâm Phát triển quỹ đất, cụ thể là ông Lê Trọng Thuỷ thay đổi kết quả bốc thăm. Sau đó, hành động này bị phát giác.
Được biết, sau vụ việc này, ông Lê Trọng Thủy cùng một nữ cán bộ thuộc Trung tâm Phát triển quỹ đất đã bị kỷ luật về mặt Đảng và bị thuyên chuyển công tác.
Việc xử lý cán bộ như trên, theo ý kiến của người dân là chưa quyết liệt. Theo họ, ông Lê Trọng Thuỷ và cán bộ bị kỷ luật đều là nhân viên của Trung tâm Phát triển quỹ đất, họ lại không có tên trong danh sách Hội đồng bốc thăm theo Quyết định số 9021/QĐ-UBND. Việc có muốn thay đổi kết quả bốc thăm cũng khó lòng thực hiện được, nếu không nhận được sự chỉ đạo hay hậu thuẫn, giúp sức từ phía các thành viên trong hội đồng. Vậy ông Vũ Trọng Thuỷ có phải là người chủ tâm thực hiện việc thay đổi kết quả bốc thăm hay chỉ là người được chỉ đạo đi làm việc thay cá nhân khác?
“Màn trời chiếu đất” vì tin lời cán bộ
Ngoài vụ việc nêu trên, mới đây, nhiều người dân phường Ninh Dương, TP. Móng Cái còn phản ánh việc hàng chục hộ dân sinh sống tại đây đang từ nơi có nhà ở khang trang, cuộc sống, sinh hoạt ổn định, bỗng trở thành những kẻ không nhà, sống tạm bợ, “màn trời chiếu đất” suốt 3 năm qua… chỉ vì tin vào lời hứa của cán bộ.
Theo phản ánh từ những người trong cuộc, khi người dân ủng hộ lời kêu gọi 30 ngày đêm bàn giao mặt bằng, bảo đảm kịp tiến độ thi công Dự án đường Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, những gia đình trong diện đã bàn giao mặt bằng được TP. Móng Cái hỗ trợ 12 triệu đồng/6 tháng tiền thuê nhà. Sau đó, các phòng, ban chức năng của TP. Móng Cái đã tham mưu cho UBND TP. Móng Cái sắp xếp, bố trí tái định cư cho các hộ dân ở khu đô thị Thành Đạt (Chợ tạm) tại phường Ninh Dương. Nhưng tại nơi này đất chật hẹp, giá tiền phải nộp lại cao, trong khi không có đất làm nông nghiệp, nên khó ổn định cuộc sống.
Nhận thấy những bất cập trên, nhiều hộ dân đã làm đơn đề nghị UBND TP. Móng Cái xem xét, bố trí nơi tái định cư mới.
Cũng theo phản ánh, trước đề nghị của người dân, ông Hoàng Anh Ngọc - Nguyên Bí thư, Chủ tịch UBND phường Ninh Dương (nay là Giám đốc Trung Tâm phát triển quỹ đất TP. Móng Cái) đã hướng dẫn người dân đủ điều kiện tái định cư, mua đất nông nghiệp của các hộ dân có đất nông nghiệp trên địa bàn, sau đó chờ chuyển đổi sang đất ở.
Phương án mà người dân và chính quyền địa phương thống nhất là tạm thu các hộ dân 110 triệu đồng để mua đất nông nghiệp chuyển đổi mục đích. Trong đó, có 5 triệu đồng ủng hộ khu làm đường điện cao áp. Theo đó, từ tháng 3/2019 đã có những giao dịch chuyển đổi đất giữa các hộ dân được thực hiện. Hiện hàng chục hộ dân còn lưu lại hợp đồng mua bán, chứng từ hoá đơn, đồng thời sẵn sàng đứng ra làm chứng trước lời nói, lập luận trong các đơn thư phản ánh đến cơ quan quản lý và báo chí.
Rất tiếc, chủ trương mua đất nông nghiệp để chuyển đổi thành đất ở sau 3 năm vẫn không thực hiện được. Theo phản ánh của người dân, đại diện lãnh đạo TP. Móng Cái đã nhiều lần xuống gặp gỡ các hộ dân, hứa hẹn giải quyết để ổn định cuộc sống, nơi ăn chốn ở cho người dân, song đến nay vẫn chưa có kết quả.
Để làm rõ hai vụ việc nêu trên, chúng tôi đã nhiều lần đề nghị làm việc với đại diện UBND TP. Móng Cái, tuy nhiên, cái chúng tôi nhận được sau hơn gần hai tháng trời đặt lịch vẫn là lời hứa “sẽ sắp xếp” và những chuỗi ngày im lặng đến khó hiểu…
Chúng tôi cũng đã gặp gỡ, phản ánh với ông Hoàng Bá Nam – Bí thư thành uỷ Móng Cái về vấn đề phối hợp, cung cấp thông tin cho báo chí của UBND TP. Móng Cái. Bí thư Thành uỷ nói sẽ có trao đổi lại với phía lãnh đạo uỷ ban. Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, đến nay UBND TP. Móng Cái vẫn không hề có động thái hợp tác.
Về phía đơn thư phản ánh của người dân, ông Hoàng Bá Nam khẳng định, bằng bất cứ giá nào cũng sẽ có giải pháp ổn định cuộc sống, đảm bảo quyền lợi cho dân.
Cần làm rõ dấu hiệu “Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”
Theo ý kiến của một số luật sư, hai vụ việc nêu trên có dấu hiệu cấu thành “Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo Điều 356 Bộ luật Tố tụng Hình sự.
Điều 356 Bộ Luật tố tụng Hình sự quy định: “Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại khác đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm: a) Có tổ chức; b) Phạm tội 02 lần trở lên; c) Gây thiệt hại về tài sản từ 200.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng. Phạm tội gây thiệt hại về tài sản 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng”.
Cũng theo ý kiến từ phía các luật sư, dấu hiệu của hành vi này đó là: tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ trực tiếp xâm hại đến sự hoạt động đúng đắn của các cơ quan, tổ chức; làm cho các cơ quan tổ chức bị suy yếu, mất uy tín, mất lòng tin của nhân dân vào Nhà nước.
Trong đó, thủ đoạn phạm tội là: người phạm tội sử dụng quyền hạn được giao như một phương tiện phạm tội để thực hiện phạm tội. Tuy nhiên, tội phạm này hoàn toàn không có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản. Hành vi khách quan của tội phạm là hành vi làm trái công vụ, tức là không làm hoặc làm không đúng, không đầy đủ nhiệm vụ được giao. Hậu quả của tội phạm là dấu hiệu bắt buộc, cụ thể là hành vi phạm tội phải gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, của xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân...
Đối chiếu với hai vụ việc nêu trên, hành vi tự ý thay đổi hồ sơ kết quả bốc thăm, tự ý hướng dẫn người dân mua đất nông nghiệp để chuyển đổi thành đất ở chẳng những gây thiệt hại về tải sản của Nhà nước, của người dân, mà còn làm mất lòng tin của nhân dân về sự công bằng, minh bạch của chính quyền, cơ quan quản lý nhà nước.
Thiết nghĩ, Uỷ ban kiểm tra - thanh tra tỉnh Quảng Ninh, cơ quan hữu quan tỉnh Quảng Ninh cần vào cuộc để làm rõ vai trò, động cơ của các cá nhân, tổ chức, từ đó xử lý nghiêm minh các hành vi sai phạm (nếu có), đảm bảo quyền lợi chính đáng, hợp pháp cho người dân.
Toà soạn Thương hiệu và Pháp luật tiếp tục thông tin về vụ việc này!
Theo https://thuonghieuvaphapluat.vn/quang-ninh-dau-hieu-loi-dung-chuc-vu-quyen-han-trong-thi-hanh-cong-vu-tai-mot-so-vu-viec-o-mong-cai-d50094.html