(NB&CL) Không chỉ người dân xã Phú Mãn bức xúc mà ngay cả chính quyền huyện Quốc Oai cũng nhiều lần có văn bản đôn đốc các doanh nghiệp khai thác khoáng sản trên địa bàn thực hiện hoàn thổ theo quy định. Nhưng những chỉ đạo dường như chỉ nằm trên giấy, bởi các đơn vị cố tình chây ì thực hiện.
Tiềm ẩn nguy cơ tai nạn
Người dân xã Phú Mãn (huyện Quốc Oai, TP. Hà Nội) dù không còn giật mình bởi những tiếng nổ mìn đùng đoàng, không còn chứng kiến cảnh xe tải nườm nượp nối đuôi nhau chạy trên đường, khói bụi bay mù mịt nhưng họ lại phải lo lắng về một mối nguy cơ tai nạn khác.
Đó là nỗi lo âu về nguy cơ sạt lở đất, đá và vỡ hồ chứa nước tại các mỏ đá ở trên địa bàn thôn 4, xã Phú Mãn. Việc các ông chủ mỏ sau khi khai thác đá không thực hiện cải tạo đất, hoàn nguyên đã khiến chính quyền địa phương “đau đầu”, người dân bức xúc.
Từ phản ánh của người dân, nhóm phóng viên đã có mặt tại mỏ đá 3 của Công ty Cổ phần VIMECO ở thôn Trán Voi, xã Phú Mãn. Tại khu vực khai thác đá có một hố nước rất sâu, rộng vài nghìn mét vuông, sâu trên 40m, tạo thành “túi nước khổng lồ” treo lưng chừng núi, từ trên cao nhìn xuống như “hố tử thần”, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn, đe dọa tính mạng người dân.
“Mặc dù công an, chính quyền xã Phú Mãn đã rào chắn thép gai xung quanh và cắm biển cảnh báo nhưng người dân địa phương, nhất là trẻ nhỏ vẫn đến để tắm, bơi lặn và chụp ảnh” - một người dân xã Phú Mãn nói.
Còn tại mỏ đá của Công ty TNHH một thành viên Đầu tư xây dựng khai thác mỏ Thuận Phát (mỏ 2) tại thôn Đồng Vỡ, xã Phú Mãn hiện đã dừng hoạt động khai thác.
Một bãi tập kết đá đã qua sơ chế vẫn còn nguyên. Khu văn phòng làm việc, nơi ở của công nhân được xây dựng ngay ở phía trong mỏ, hiện vẫn có bảo vệ trông coi.
Hệ thống máy nghiền, băng tải, máy vận chuyển vẫn để tại mỏ đá nhưng đã hoen gỉ, đứt gãy và nằm vất vưởng bên các sườn núi đá treo leo.
Phía trên, cách mỏ đá vài trăm mét là hố nước ngập sâu chừng 20m, rộng hàng nghìn mét vuông. Ở khu vực này không được rào chắn. Xung quanh người dân đang chăn thả gia súc, gia cầm.
Ông Bùi Thái Tường (ở thôn 4, xã Phú Mãn) kể rằng, xung quanh ở thôn 4 có một vài mỏ khai thác đá. Thời điểm 3 năm trở về trước, khi mỏ vẫn còn hoạt động, xe tải chạy nườm nượp ngày đêm, bụi bay mù mịt. Thỉnh thoảng người dân lại giật mình bởi tiếng nổ mìn lớn phát ra từ núi đá. Thậm chí, nhà ông Tường còn xuất hiện một số vết nứt lớn.
“Hiện nay ở thôn chúng tôi yên bình, không còn thấy những tiếng nổ lớn, đường sá thông thoáng, sạch sẽ. Nhưng bà con lại lo lắng về nguy cơ tiềm ẩn tai nạn từ các hố nước lớn ở các mỏ khai thác đá. Nhất là việc hằng ngày có nhiều trẻ nhỏ ra đây tắm, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn, đuối nước”, ông Tường bộc bạch.
Chính quyền đốc thúc, doanh nghiệp "làm ngơ"
Theo cán bộ xã Phú Mãn, đối với các mỏ đá trên địa bàn xã, chính quyền địa phương đã có nhiều báo cáo gửi tới huyện Quốc Oai.
Đồng thời, đề nghị các cấp có thẩm quyền xem xét yêu cầu các ông chủ mỏ thực hiện đúng quy định của pháp luật sau khi thực hiện xong việc khai thác khoáng sản. Tuy nhiên, đến nay, các ông chủ mỏ vẫn chưa thực hiện theo đúng quy định.
Không chỉ chính quyền xã bất lực mà ngay cả UBND huyện Quốc Oai đưa ra nhiều văn bản yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện đúng nghĩa vụ khi Giấy phép khai thác khoáng sản hết hiệu lực. Thế nhưng, thực tế hiện nay các khu vực khai khoáng vẫn chưa được hoàn nguyên.
Ngay từ ngày 19/10/2020 sau khi nhận phản ánh của người dân xung quanh khu vực mỏ đá về việc các mỏ đá sau khi hết hạn khai thác đã để lại nhiều hố sâu tại khu vực khai thác gây nguy hiểm, mất an toàn cho người dân và gia súc trong quá trình chăn thả và hiện tượng đất đá sạt lở xuống đồng ruộng, UBND huyện Quốc Oai đã ra văn bản số 2454/UBND-TNMT gửi UBND TP. Hà Nội và Sở TNMT Hà Nội về việc đề nghị và yêu cầu các đơn vị khai thác thực hiện đóng cửa mỏ, phục hồi môi trường và đất đai tại mỏ đá hết hạn.
Ngày 19/5/2021, UBND huyện Quốc Oai tiếp tục có văn bản số 1355/UBND-TNMT gửi Công ty Cổ phần VIMECO, Công ty TNHH MTB ĐTXD Khai thác mỏ Thuận Phát, Công ty Cổ phần sản xuất thương mại Hà Tây về việc thực hiện nghĩa vụ khi Giấy phép khai thác khoáng sản chấm dứt hiệu lực.
Văn bản yêu cầu các đơn vị liên quan chấm dứt hoạt động khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường; Lập đề án đóng cửa mỏ và gửi hồ sơ về Sở TNMT Hà Nội để được hướng dẫn thực hiện các nghĩa vụ liên quan đến đóng cửa mỏ, cải tạo, phục hồi môi trường và đất đai theo quy định của pháp luật trước ngày 30/6/2021.
Sau thời hạn nếu các đơn vị chưa thực hiện, Sở TNMT sẽ giao Thanh tra Sở xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi không lập đề án đóng cửa mỏ và không nộp hồ sơ đóng cửa mỏ theo quy định tại Khoản 3, Khoản 4, Điều 49 Nghị định 26/2020/NĐCP ngày 24/3/2020 của Chính phủ.
Tiếp đến ngày 25/9/2021 UBND huyện Quốc Oai tiếp tục ra văn bản số 2853/UBND-TNMT đôn đốc lập đề án đóng cửa mỏ đối với các đơn vị khai thác khoáng sản trên địa bàn.
UBND huyện Quốc Oai chỉ đạo các đơn vị đã hết hạn khai thác khoáng sản trên địa bàn gồm Công ty VIMECO, Công ty Thuận Phát, Công ty Sotraco, Công ty Bình Minh, Công ty Hà Tây chấm dứt các hoạt động khai thác và lập đề án đóng cửa mỏ gửi hồ sơ về Sở TNMT Hà Nội để được hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ liên quan đến đóng cửa mỏ, cải tạo, phục hồi môi trường, đất đai trước ngày 30/9/2021.
Tuy nhiên đến thời điểm tháng 7/2022, phóng viên ghi nhận các mỏ khai thác khoáng sản vẫn là một “hố tử thần” lớn, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người dân.
Trước thực trạng trên, đề nghị các cơ quan chức năng TP. Hà Nội có biện pháp đôn đốc, yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, tránh bức xúc cho người dân.
Theo https://www.congluan.vn/quoc-oai-ha-noi-chinh-quyen-nguoi-dan-dau-dau-vi-nhung-doanh-nghiep-khai-thac-khoang-san-quen-hoan-tho-post205570.html