(CLO) Phiên tòa xét xử Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM Tất Thành Cang và 19 đồng phạm làm thất thoát hơn 1.100 tỷ đồng của Nhà nước, dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 27/12 đến ngày 10/1/2022.
Ngày 27/12, TAND TP HCM mở phiên xét xử sơ thẩm đối với cựu Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM Tất Thành Cang và 19 đồng phạm, liên quan đến sai phạm xảy ra tại Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận (gọi tắt là IPC, 100% vốn Nhà nước), Công ty SADECO (công ty con của IPC).
Cựu Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM Tất Thành Cang bị đưa đến tòa, sáng 27/12. Ảnh: VNE
Trong vụ án này có 20 bị cáo. Trong đó, các bị cáo Tất Thành Cang, Phạm Văn Thông, Nguyễn Hữu Thành, Lê Hoàng Minh, Vũ Xuân Đức, Nguyễn Trường Bảo Khánh, Trần Mạnh Khôi, Đoàn Minh Lý, Lâm Văn Tuấn, Phùng Đức Trí, Đoàn Thị Minh Trang, Lương Trí Cường bị Viện KSND TP HCM truy tố về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí.
Bị cáo Tề Trí Dũng (cựu Tổng Giám đốc IPC, Chủ tịch HĐQT SADECO), Đỗ Công Hiệp, Huỳnh Phước Long, Trần Công Thiện, Phạm Xuân Trung, Trần Đăng Linh, Hồ Thị Thanh Phúc (cựu Tổng Giám đốc SADECO) bị Viện KSND TP HCM truy tố về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí và tội tham ô tài sản. Bị cáo Nguyễn Văn Minh bị Viện KSND TP HCM truy tố tội tham ô tài sản.
Phiên xét xử dự kiến diễn ra tới ngày 10/1/2022. Chủ tọa phiên tòa là Thẩm phán Nguyễn Thị Hà. Đại diện Viện KSND TP HCM giữ quyền công tố tại tòa có các ông Ngô Phạm Việt, Võ Đức Trí và bà Trần Thị Liên.
Bị hại trong vụ án này được xác định là Công ty CP Phát triển Nam Sài Gòn (SADECO).
Có 44 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo. Trong đó, ông Tất Thành Cang có 3 luật sư bào chữa, gồm luật sư Trần Văn Sự, Lê Nguyên Hòa, Huỳnh Tiến Đạt.
Ông Tề Trí Dũng có 4 luật sư bào chữa, gồm luật sư Trần Văn Tạo, Nguyễn Việt Dũng, Trương Thị Minh Thơ, Nguyễn Thị Thanh Thảo.
Bà Hồ Thị Thanh Phúc có 3 luật sư bào chữa, gồm luật sư Nguyễn Thành Công, Vũ Phi Long, Nguyễn Thanh Đình.
Theo nội dung vụ án, Công ty CP phát triển Nam Sài Gòn (SADECO) có vốn góp của các cổ đông nhà nước gồm Công ty IPC, Công ty Tân Thuận, Văn phòng Thành ủy TP HCM và các tổ chức khác. SADECO còn có cổ đông chiến lược là Công ty Nguyễn Kim.
Cuối tháng 3/2015, IPC bán đấu giá 5,2 triệu cổ phần cho Công ty Eximland, với giá 26.100 đồng/cổ phần. Cổ phần bán ra tương đương 30,8% vốn điều lệ của SADECO. Chỉ vài tháng sau, Công ty Nguyễn Kim mua toàn bộ 5,2 triệu cổ phần trên của Công ty Eximland với giá 57.000 đồng/cổ phần.
Tháng 4/2017, đại diện vốn Văn phòng Thành ủy và Công ty Tân Thuận có nhiều tờ trình gửi Văn phòng Thành ủy, đề xuất cho phép nhóm đại diện quản lý vốn biểu quyết thông qua phát hành 9 triệu cổ phần, với giá 10 ngàn đồng/cổ phần và phát hành cho cổ đông chiến lược 40 ngàn đồng/cổ phần để tăng vốn điều lệ cho SADECO.
Văn phòng Thành uỷ sau đó có tờ trình gửi ông Tất Thành Cang lúc đó là Phó Bí thư Thường trực Thành ủy xin chủ trương, đề xuất “xem xét, chấp thuận chủ trương để Văn phòng Thành ủy biểu quyết chấp thuận cho SADECO phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược, tăng vốn điều lệ…”
Ông Cang đã có bút phê đồng ý phát hành 9 triệu cổ phiếu để bán cho Công ty Nguyễn Kim. Từ bút phê này của ông Cang đã khiến SADECO thất thoát 1.103 tỷ đồng. Riêng cá nhân ông Cang phải chịu trách nhiệm 184 tỷ đồng.
Với nhóm “Tham ô tài sản”, trong đó có ông Tề Chí Dũng đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, duyệt chi nhiều khoản tiền từ nguồn thù lao quỹ khen thưởng cho mình và thành viên HĐQT sử dụng cá nhân trái quy định. Cá nhân ông Dũng chiếm đoạt trên 1,7 tỷ đồng.
Bà Hồ Thị Thanh Trúc có hành vi ký đề xuất chi tiền và nhận tiền sau đó chuyển lại cho ông Dũng, tạo điều kiện cho các cá nhân chiếm đoạt tiền Nhà nước. Các bị can liên quan số tiền tham ô trong vụ án là 4,7 tỷ đồng.
Liên quan đến vụ án, Công an TP HCM đang truy nã toàn quốc và Bộ Công an ra lệnh truy nã quốc tế đối với Phạm Nhật Vinh - nguyên Tổng Giám đốc Công ty Nguyễn Kim.
Theo https://congluan.vn/sang-nay-bat-dau-phien-toa-xet-xu-ong-tat-thanh-cang-va-dong-pham-post174394.html