(THPL) - Chỉ vì "lỗi đánh máy" của cán bộ Cục thi hành án dân sự tỉnh Sóc Trăng, hộ gia đình ông Nguyễn Hữu Toàn (xã Lịch Hội Thượng, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) bỗng chốc mất đất, mất chỗ làm kinh tế. Suốt 4 năm qua, hàng trăm lá đơn được gửi đến các cơ quan chức năng, mong được giải quyết thấu đáo cho gia đình ông. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có một văn bản trả lời thỏa đáng hay một quyết định công tâm cho gia đình ông.
“Lỗi đánh máy” nhưng vẫn... cưỡng chế?
Ông Nguyễn Hữu Toàn (SN 1983, xã Lịch Hội Thượng, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) đại điện cho 6 thành viên khác trong gia đình lên tiếng kêu cứu về việc chấp hành viên Cục Thi hành án dân sự tỉnh Sóc Trăng đã có dấu hiệu hành vi vi phạm pháp luật về thông báo, thẩm định giá, xác minh và các hành vi khác làm sai lệch hồ sơ thi hành án dân sự, gây thiệt hại tài sản nghiêm trọng cho bản thân ông Nguyễn Hữu Toàn và các thành viên khác trong gia đình.
Trong đơn, ông Nguyễn Hữu Toàn nêu rõ, ông và 5 thành viên khác trong gia đình có dùng sổ đỏ để giúp ông Nguyễn Hữu Thạnh (là anh trai ruột của ông Toàn) vay vốn để mở Công ty Cổ phần Khoa học và Công nghệ Tân Tiến. Tuy nhiên, sau đó Công ty Cổ phần Khoa học và Công nghệ Tân Tiến do ông Nguyễn Hữu Thạnh làm đại diện bị phá sản, không có khả năng tự chi trả số tiền đã vay cho ngân hàng.
Xét theo Bản án số 14/2009/DSST ngày 16/12/2009 của Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng thì trong trường hợp công ty của ông Nguyễn Hữu Thạnh không hoàn trả được số tiền đã vay cho ngân hàng thì các tài sản thế chấp sẽ bị xử lý phát mại.
Ngày 1/10/2010, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Sóc Trăng đã ra quyết định số 175/QĐ-THA về việc thi hành án theo đơn yêu cầu của ngân hàng cho ông Nguyễn Hữu Thạnh vay vốn.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hữu Toàn, trong quá trình thẩm định giá và bán đấu giá tài sản thì chấp hành viên Cục Thi hành án tỉnh Sóc Trăng đã không thẩm định đúng loại đất, không đúng giá trị đất. Theo đó, thửa đất của chính ông Toàn có diện tích là 2.963m2 đã được chính quyền địa phương cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất nuôi trồng thủy sản thành sử dụng để cất nhà ở và kinh doanh. Song, chấp hành viên đã xác định diện tích đất trên là đất ao hồ, dẫn tới giá trị tài sản bị sai, gây thiệt hại cho ngân hàng và chính bản thân ông Thạnh, ông Toàn. Trên mảnh đất này còn có một căn nhà gỗ với diện tích 330m2, xây từ năm 2004 với chi phí gần 2 tỷ đồng, nhưng khi kê khai tài sản, căn nhà này cũng không được kê khai là tài sản nằm trên đất.
“Ngoài ra, ở một mảnh đất khác thuộc sở hữu của anh trai tôi là ông Nguyễn Hữu Tấn (đã mất năm 2008) và vợ là bà Trần Lê Khoa, trong quá trình kê biên cũng đã có sự chênh lệch diện tích thấp hơn diện tích trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hơn 2.000 m2.
Biên bản kê khai tài sản cũng kê thiếu và không thẩm định giá, bán đấu giá với 1 căn nhà cấp 3 có diện tích là 184,03 m2 xây dựng năm 2004 nằm trên mảnh đất này. Quá trình thẩm định và đấu giá đất không đúng giá trị đất, từ đất ở chuyển thành đất ao hồ là 2.331m2”, ông Nguyễn Hữu Toàn bức xúc cho biết.
Theo ông Nguyễn Hữu Toàn, sau nhiều lần làm đơn kêu cứu gửi đến các cơ quan chức năng, trong đó có Cục Thi hành án dân sự tỉnh Sóc Trăng, thì Cục Thi hành án dân sự đã có kết luận số 03KL-THADS ngày 26/6/2018 do Phó Cục trưởng Cục Thi hành án tỉnh Sóc Trăng Hồ Minh Hải ký. Trong đó, chấp hành viên có giải trình một số nội dung sai lệch khi kê biên tài sản do “lỗi sơ xuất đánh máy”, nhưng sau đó vẫn tiếp tục tiến hành cưỡng chế.
Bị đẩy đến đường cùng....!
Từ một gia đình có điều kiện kinh tế, hàng năm dựa vào nuôi trồng thủy sản để có thu nhập. 4 năm qua là những chuỗi ngày khó khăn, vất vả đối với gia đình ông Nguyễn Hữu Toàn.
Vào năm 2018, khi bị Cục thi hành án tiến hành cưỡng chế, gia đình ông phải bán nhiều tài sản giá trị để trang trải cuộc sống và có điều kiện đến các cơ quan chức năng làm đơn kêu cứu. “Ngày đó gia đình chỉ còn chiếc xe máy để chạy lên tỉnh Sóc Trăng và Cục thi hành án, đến nỗi xe hỏng giữa đường. Trời nắng như đổ lửa, tôi không thể tưởng tượng được cảnh vừa dắt xe, vừa cầm đơn vừa khóc trên đường. Chính vì những thời khắc đó đã nhắc nhở tôi phải kiên trì để đi tìm công lý...” – Ông Nguyễn Hữu Toàn cho hay.
Tương tự ông Nguyễn Hữu Toàn, bà Lê Thị Đông Xuân (chị họ ông Nguyễn Hữu Toàn và Nguyễn Hữu Thạnh) cũng từng cầm cố sổ đỏ để vay vốn giúp ông Nguyễn Hữu Thạnh. Bà Xuân cho biết, đến khi ông Thạnh bị vỡ nợ, gia đình bà nhiều lần mang số tiền phải trả lên ngân hàng và Cục Thi hành án dân sự tỉnh Sóc Trăng để trả nợ, chuộc lại diện tích đất đã cầm cố, nhưng không thành. “Trước ngày đầu giá, gia đình tôi có mang tiền lên ngân hàng Vietcombank để trả nợ, tuy nhiên ngân hàng không nhận mà đẩy tôi sang Cục thi hành án dân sự. Tôi nhiều đi qua hai bên nhưng đều không cơ quan nào giải quyết. Việc trả nợ của gia đình tôi gặp nhiều khó khăn vì ngân hàng Vietcombank và Cục thi hành án dân sự đùn đẩy trách nhiệm cho nhau.
Khi Cục thi hành án và bên đấu giá đến nhà tôi, họ không hề kê biên tài sản trên đất, căn nhà của tôi làm năm 2015 trị giá 500.000.000 VNĐ (Năm trăm triệu đồng), hơn 8000m2 đất mà căn nhà là tài sản trên đất. Việc không kê biên này dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, họ bán cho người trúng đấu giá 135.000.000 VNĐ (một trăm ba mươi năm triệu đồng chẵn). Tôi đi khiếu kiện nhiều năm, nhiều lần nhưng chỉ nhận được câu trả lời “từ từ” từ các cơ quan chức năng có thẩm quyền… Bên cạnh đó, UBND xã Lịch Hội Thượng yêu cầu gia đình tôi không được sản xuất. Chúng tôi từ gia đình kinh kế ổn định, mà giờ nghèo khổ, các con tôi phải đi làm thuê làm mướn vất vả. Qua nhiều nhiệm kì nhưng gia đình tôi không nhận được phản hồi từ cơ quan chức năng.”
Lạ thay, ngày 12/3/2018 UBND xã Lịch Hội Thượng đã đến nhà ông Toàn và lập biên bản ngăn chặn khai thác sử dụng đất, nuôi trồng thủy sản. Việc lập biên bản có dấu hiệu vi phạm pháp luật này gần như chặt đứt hết nguồn kinh tế gia đình ông Toàn. Suốt 4 năm qua, gia đình ông Toàn lo sợ, không thể khai thác trên chính mảnh đất của gia đình mình.
Đây được xem là bước đệm khiến gia đình ông Toàn rơi vào bước đường cùng. Mẹ ông Toàn đã phải nhập viện vì bệnh tim, những người con, người em trong gia đình phải đi làm thuê, làm ăn xa. UBND xã Lịch Hội Thượng lúc đó khi thấy được hoàn cảnh gia đình người dân địa bàn như vậy nên động viên và hỗ trợ để họ có cơ hội phát triển kinh tế, nhưng lại đưa ra một biên bản hết sức vô lý mà theo luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, trưởng văn phòng Luật Kết Nối đoàn luật sư TP. Hà Nội đây là biên bản trái thẩm quyền.
Phóng viên của Thương hiệu và Pháp luật đã trao đổi với ông Trần Quốc An – Bí thư UBND xã Lịch Hội Thượng về việc UBND xã cố tình làm khó người dân địa phương. Ông An cho biết mới về UBND xã công tác được 2 năm, tuy nhiên việc của gia đình ông Nguyễn Hữu Toàn ông cũng nắm được và không hề có việc làm khó, không cho gia đình ông Toàn canh tác.
Sau đó, ông An mời ông Tạ Văn Long – phó chủ tịch UBND xã lên để xác nhận. Trao đổi với phóng viên, ông Long cũng khẳng định không hề có biên bản nào và không có chuyện chính quyền làm khó gia đình ông Toàn.
Ông Tạ Văn Long đã quên việc mình kí biên bản ngày 12/03/2018. Phóng viên đã cung cấp biên bản này cho ông Trần Quốc An, để góp phần làm rõ trách nhiệm từng cá nhân, tập thể trong việc lập biên bản, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
Trong một diễn biến khác, phóng viên đã liên hệ với Cục trưởng Cục thi hành án dân sự tỉnh Sóc Trăng và Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng nhưng chưa nhận được phản hồi.
Hiện sự việc đang được dư luận cả nước nói chung và tỉnh Sóc Trăng nói riêng đặc biệt quan tâm. Rất mong các cơ quan chức năng vào cuộc nhanh chóng, xác minh và làm rõ trách nhiệm cá nhân, tập thể buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm dẫn đến hậu quả nghiêm trọng cho người dân. 6 hộ gia đình bị đẩy đến bước đường cùng nhưng vẫn luôn có niềm tin vào công lý và pháp luật. Đề nghị UBND tỉnh Sóc Trăng, Cục thi hành án Sóc Trăng sớm có câu trả lời thỏa đáng để ổn định lòng dân và trấn an dư luận.
Thương hiệu và Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin về nội dung này đến bạn đọc.
Theo https://thuonghieuvaphapluat.vn/soc-trang-chi-vi-loi-danh-may-mot-gia-dinh-bi-day-den-duong-cung-d53788.html