(THPL) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định 123/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải; giao thông đường bộ, đường sắt; hàng không dân dụng. Nghị định có hiệu lực từ ngày 1/1/2022

Nghị định 123/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 31/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

Theo quy định mới, người đi môtô, xe máy không đội mũ bảo hiểm, hoặc đội mũ bảo hiểm không cài quai có mức phạt 400.000-600.000 đồng thay vì 200.000-300.000 đồng như nghị định 100.

Tăng mức phạt từ 800.000 - 1,2 triệu đồng lên 1 - 2 triệu đồng đối với người chạy xe máy không có bằng lái, hoặc dùng bằng lái bị tẩy xóa, bằng lái không hợp lệ. Với người lái môtô trên 175 cm3, mức phạt hành vi này tăng từ 1,2 - 3 triệu đồng lên 2 - 4 triệu đồng.

Với tài xế ôtô không nhường đường hoặc gây cản trở xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ, mức phạt tăng từ 3 - 5 triệu đồng lên 6 - 8 triệu đồng, tước bằng lái xe 2 - 4 tháng.

 

Tăng mức phạt vi phạm giao thông từ ngày 1/1/2022. Ảnh minh họa

Theo báo VTV News, cũng theo nghị định, phạt tiền từ 2-4 triệu đồng (quy định cũ 1,2 - 3 triệu đồng) đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi điều khiển ô tô, máy kéo, các loại xe tương tự ô tô.

Phạt tiền từ 10-12 triệu đồng đối với người điều khiển ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự ô tô vi phạm một trong các hành vi sau đây: Có giấy phép lái xe nhưng không phù hợp với loại xe đang điều khiển, hoặc có giấy phép lái xe nhưng đã hết hạn sử dụng từ 3 tháng trở lên; không có giấy phép lái xe, hoặc sử dụng giấy phép lái xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp, hoặc sử dụng giấy phép lái xe bị tẩy xóa.

Theo báo Tuổi trẻ, với hành vi bán biển số xe giả, mức phạt tăng từ 1 - 2 triệu đồng lên 10 - 12 triệu đồng với cá nhân, từ 2 - 4 triệu đồng lên 20 - 24 triệu đồng với tổ chức. Hành vi tổ chức sản xuất, lắp ráp biển số xe trái phép mức phạt tăng từ 3 - 5 triệu đồng lên 30 - 35 triệu đồng với cá nhân, từ 6 - 10 triệu đồng lên 60 - 70 triệu đồng với tổ chức.

Với hành vi đua mô tô, xe máy, xe đạp điện trái phép, mức phạt tăng từ 7 - 8 triệu lên 10 - 15 triệu đồng, tịch thu xe; hành vi đua ôtô trái phép mức phạt tăng từ 8 - 10 triệu đồng lên 20 - 25 triệu đồng, tịch thu xe.

Hành vi chở quá tải cũng được tăng mức phạt rất cao với tài xế lẫn chủ xe. Chở quá tải trên 10 - 20%, mức phạt tăng gấp đôi, lên 4 - 6 triệu đồng; chở quá tải trên 20 - 50% mức phạt tăng lên đến 15 triệu đồng, tước bằng lái đến 3 tháng...

Tài xế chở quá tải trên 50% mức phạt tăng từ 5 - 7 triệu đồng lên 40 - 50 triệu đồng, tước bằng lái 3 - 5 tháng thay vì 1 - 3 tháng như trước đây. Trường hợp này chủ xe là cá nhân mức phạt tăng từ 14 - 16 lên 70 - 75 triệu đồng, chủ xe là tổ chức mức phạt tăng từ 28 - 32 triệu đồng lên 140-150 triệu đồng.

Theo https://thuonghieuvaphapluat.vn/tang-muc-phat-vi-pham-giao-thong-tu-ngay-112022-d49888.html

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer